Nhiều bước tiến quan trọng
Với tư cách là thành viên chính thức ở cấp độ cao nhất của IOSCO, ngành chứng khoán Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng, với uy tín ngày một được nâng cao trên diễn đàn quốc tế này. Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư, cũng như giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, UBCK có thêm nhiều thông tin về kết quả điều tra của các cơ quan quản lý nước ngoài, vốn rất cần thiết trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thị trường tài chính. Bởi vậy, thành công này là một động lực quan trọng cho UBCK trong quản lý ngành ngày một hiệu quả hơn.
Phát huy thành công đạt được, ngành chứng khoán Việt Nam đã tận dụng những cơ hội mới trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận gần hơn với môi trường kinh doanh và thị trường vốn quốc tế. UBCK đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào nền kinh tế, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì đã ghi một dấu ấn đẹp với nhà đầu tư Mỹ về một Việt Nam thân thiện, cởi mở và nhiều tiềm năng
Một trong những sự kiện như vậy là Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra tại Nhật Bản tháng 4/2014. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo UBCK đã giới thiệu, quảng bá chính sách thu hút đầu tư trên TTCK Việt Nam, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư (là các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản) nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường chính sách cho đầu tư nước ngoài trên thị trường, trong đó có khung chính sách và cơ hội tham gia vào quá trình tái cấu trúc kinh tế - cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Tham dự hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ SSIAM, CTCP Chứng khoán TP. HCM…; các tập đoàn tài chính, nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản và thế giới như: Nomura, Daiwa, Mitsubishi, Mizuho, SBI, Sumitomo, Resona, JP Morgan, Aizawa…, đã có dịp tiếp xúc, chia sẻ các mối quan tâm và tiến tới ký kết các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác.
UBCK cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với 26 cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu. Đây là biên bản ghi nhớ quan trọng về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin trong việc giám sát các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU và EEA. Việc ký kết MoU này sẽ đưa TTCK Việt Nam tiến gần hơn với các TTCK, tài chính khác trên thế giới.
Theo các điều khoản ký kết, các công ty quản lý quỹ ở châu Âu muốn huy động vốn tại Việt Nam và đầu tư tại châu Âu sẽ tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả về quản lý ngoại hối. Việc ký kết này góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp quản lý, giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch của TTCK Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ với các nước thuộc EU không mang tính ràng buộc pháp lý cũng như không trao quyền hoặc thay thế luật trong nước. Việc hợp tác giữa các bên giới hạn trong phạm vi của MoU và bảo đảm tuân theo các quy định của pháp luật trong nước, không làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia.
Tuy nhiên, ngành quản lý quỹ cần phải chú ý đến những điều khoản hợp tác về cưỡng chế thực thi như: tạm dừng hoạt động, phong toả hoặc tịch thu tạm thời tài sản, tạm thời cấm một số hoạt động…, tùy theo điều kiện của pháp luật. 26/31 thị trường vốn thuộc EU và EEA đã ký kết văn bản trên với Việt Nam là: Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà Lan… Đây đều là những nước có thị trường vốn phát triển.
Ngày 18/9/2013, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Đoan Hùng ký Phụ lục A Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) tại Luxembourg. Kể từ thời điểm này, UBCK Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO, tổ chức nghề nghiệp đặt ra quy tắc và hoạch định xu thế phát triển của ngành chứng khoán thế giới.
Trong ngành tài chính, TTCK châu Âu có truyền thống lâu đời nhất, cũng là một trong những nhóm thị trường phát triển nhất thế giới. Các thị trường này luôn có trọng điểm đầu tư là hướng đến các TTCK mới nổi. Việc vẫn còn số ít thành viên trong EU và EEA chưa ký MoU với Việt Nam không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc hợp tác với các bên đã ký kết, vì đó là các thoả thuận song phương giữa UBCK với mỗi cơ quan quản lý thị trường vốn đã ký.
Tiếp tục chủ động hơn trong hội nhập
Trong hoạt động hội nhập quốc tế, UBCK tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình đàm phán và thực hiện các thỏa thuận hội nhập liên quan đến lĩnh vực của ngành như các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, khối mậu dịch tự do châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga - Bêlarút - Cadắcxtan, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Công tác đàm phán và thực hiện vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa góp phần vào lợi ích chung của các bên đối tác, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
Tham gia vào sân chơi chứng khoán cùng bè bạn năm châu, UBCK đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy việc nâng hạng TTCK Việt Nam lên mức "thị trường mới nổi" (emerging market). Đây là một trong những giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Để chính thức được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi, UBCK đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: mở rộng khả năng tiếp cận TTCK Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng của thị trường và đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về TTCK Việt Nam…
Những nỗ lực và thành tựu trên sẽ tạo thêm đà tiến cho các doanh nghiệp nói riêng, ngành chứng khoán Việt Nam nói chung trên bước đường hội nhập, lớn mạnh trong tương lai.