Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2015 tăng trưởng khá cao so với nhiều năm gần đây. TTCK được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng tại sao điểm số và thanh khoản lại giảm, theo ông?
Dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi cũng như thực tế diễn biến của nền kinh tế Việt Nam cho thấy, nền kinh tế đang ở vào giai đoạn phục hồi ngày một rõ nét hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu… đang diễn biến tích cực. Mức độ phục hồi của nền kinh tế trong năm 2016 cũng như giai đoạn sau đó sẽ còn mạnh mẽ và bền vững hơn.
Ở thời điểm hiện tại, mức độ phục hồi của nền kinh tế còn hạn chế, cộng với các yếu tố hỗ trợ mà thị trường chờ đợi từ nhiều năm nay như nới “room” cho NĐT nước ngoài chưa có lời giải rõ ràng, nâng hạng TTCK khó thành công trong thời gian ngắn, mức độ linh hoạt cho dòng vốn ngoại ra vào thị trường thiếu những bước cải cách đột phá so với các thị trường lân cận…, nên khối ngoại có chút dè dặt trong tham gia thị trường. Hiệu ứng này đã lan tỏa sang cả NĐT nội địa, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.
Tuy nhiên, do dòng tiền đang chực chờ cơ hội đầu tư, nên một khi các điểm nghẽn trên được giải tỏa, cùng với GDP trong quý II/2015 tiếp tục có mức tăng trưởng cao, thì dòng vốn sẽ dần quay lại thị trường. Trong một kịch bản không quá lạc quan, VN-Index có thể đạt 650 điểm vào cuối năm nay.
Các ngành bất động sản, xây dựng, thép… sẽ có tốc độ phục hồi nhanh
Với động thái bán ròng trong thời gian qua, liệu các NĐT nước ngoài có rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Mỹ phát đi tín hiệu có thể sẽ tăng lãi suất USD vào cuối năm nay?
Việc khối ngoại bán ròng gần đây, với nhiều khoản đầu tư chỉ đơn thuần là hành động chốt lời sau 2 - 3 năm đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý, hoạt động chốt lời này không đồng nghĩa với việc dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường, mà ngược lại, tôi cho rằng, họ chờ cơ hội giải ngân tiếp vào TTCK Việt Nam.
Ví dụ trường hợp của Asian Deep Value Fund, chúng tôi vừa thoái một số khoản đầu tư, trong đó có khoản đầu tư vào cổ phiếu TIG của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, với tỷ suất lợi nhuận khá cao. Lượng vốn thu về, chúng tôi có kế hoạch tham gia đợt phát hành tăng vốn của TIG trong năm nay, cũng như đầu tư vào một số doanh nghiệp tiềm năng khác. Chúng tôi tin rằng, giai đoạn hiện nay là cơ hội tốt để giải ngân vào các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, thép… Kinh nghiệm từ các thị trường lân cận đã trải qua các thang bậc phát triển tương tự như Việt Nam hiện tại cho thấy, một khi chu kỳ phục hồi kinh tế trở nên rõ nét hơn, thì các ngành bất động sản, xây dựng, thép… sẽ có tốc độ phục hồi nhanh.
Ông có cho rằng, tương tự như Asian Deep Value Fund, khối ngoại sẽ tăng giải ngân vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
Vào những năm 1998 - 1999, giá trị giao dịch của khối ngoại trên TTCK Indonesia chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường/ngày, tương đương với mức mà khối ngoại đang giao dịch trên TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Thế nhưng, hiện tại giá trị giao dịch của khối ngoại trên TTCK Indonesia đã chiếm tới 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường/ngày. Họ đã làm gì để hút được dòng vốn ngoại mạnh đến như vậy? Bí quyết là tạo thuận lợi tối đa cho dòng vốn ngoại tham gia thị trường. Kinh nghiệm này cũng đã được chứng minh ở các thị trường Thái Lan, Philipppines…
Việc nới “room” cho khối ngoại đối với TTCK Việt Nam không bao giờ là muộn. Dĩ nhiên, việc quá chậm trễ sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của thị trường. Trường hợp Chính phủ Việt Nam nới “room” cho NĐT nước ngoài ngay trong năm nay, thì lập tức sẽ có hàng tỷ USD đổ vào TTCK Việt Nam. Ngược lại, nếu Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc nới “room”, thì giá trị giao dịch của khối ngoại cũng như thanh khoản của thị trường sẽ khó có yếu tố đột biến so với hiện tại.