Trong cuộc họp tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã không đưa ra quyết định tăng lãi suất như dự kiến, nhưng vẫn để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 hoặc tháng 9 tới. Nếu lãi suất đồng USD tăng, nhiều khả năng chứng khoán toàn cầu, nhất là phố Wall sẽ giảm mạnh. Câu hỏi đặt ra, quyết định chính sách từ bên kia bờ Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng như thế nào tới TTCK Việt Nam?
Trong thông báo mới đây, FED xác nhận vẫn tiếp tục duy trì lãi suất 0% nhưng sẽ linh hoạt trong quyết sách của mình, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới. Mặc dù chưa ấn định thời điểm tăng, nhưng nhiều dự đoán được đưa ra, với mức sớm nhất là khoảng tháng 6/2015 và muộn hơn là cuối năm 2015.
Sau thông điệp này, việc tăng lãi suất của FED gần như là chắc chắn, vấn đề nằm ở thời điểm.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư (BSC) cho biết, nhiều khả năng việc tăng lãi suất có thể được FED thực hiện theo lộ trình, sẽ áp dụng vào tháng 6 tới và sau tháng 6 sẽ nâng lãi suất cao hơn. Lãi suất đồng USD cao cho thấy, chi phí dùng đồng USD cao nên việc chốt lãi, rút vốn ở các thị trường khác quay về Mỹ và điều này sẽ ảnh hưởng đến TTCK toàn cầu.
Còn đối với thị trường Việt Nam, nguồn tiền nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với dòng tiền nước ngoài sẽ suy yếu khi FED nâng lãi suất USD.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng phân tích CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, nhiều năm qua, với chính sách lãi suất thấp, FED đã khuyến khích các doanh nghiệp vay USD để khôi phục sản xuất và đạt lại mức tăng trưởng nhanh. Đã có nhiều doanh nghiệp tại các nước mới nổi vay USD với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất tại nước mình.
“Nếu lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD tăng giá và làm giảm lợi nhuận của các nhà đầu tư vay USD nhưng đầu tư vào các thị trường ngoài Mỹ. Các quỹ đầu tư sử dụng nguồn vốn USD đầu tư ra các thị trường ngoài Mỹ sẽ có xu hướng bán bớt tài sản tài chính, chứng khoán do vậy làm tăng cung và tăng áp lực giảm giá các công cụ tài chính, chứng khoán” ông An nói.
Dù FED chưa tăng lãi suất, nhưng việc đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác cũng làm tăng áp lực bán tài sản của các quỹ đầu tư từ Mỹ. Tại các TTCK có lực cầu mạnh hỗ trợ (nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ) như EU, Nhật, Trung Quốc thì chỉ số chứng khoán vẫn có xu hướng tăng điểm. Nhưng với những thị trường như Việt Nam, không được sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, xu hướng giảm đã xuất hiện khi đồng USD tăng giá.
Thông tin này cũng làm cho giới đầu tư hồi hộp, bởi đây có thể coi là lần nâng đầu tiên sau gần 9 năm lãi suất được giữ ở mức thấp kỷ lục gần 0%.
Theo phân tích của CTCK MB (MBS), khi FED tăng lãi suất đồng USD, khả năng ảnh hưởng đầu tiên sẽ có là sự chuyển dịch dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi và thị trường biên. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu có thể rơi vào nhịp điều chỉnh khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên, nhất là khi các chỉ số chứng khoán của Mỹ đang dao động trong vùng đỉnh sau thời gian dài nới lỏng tiền tệ.
Đồng USD cũng trong xu hướng tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác như Euro, Yên Nhật… Đây là một trong những rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi theo những diễn biến trong quá khứ, mỗi lần FED tăng lãi suất, TTCK Mỹ đều giảm điểm đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới nhất của FED vào 18/3, Mỹ vẫn đang cân nhắc các yếu tố vĩ mô và có thể chưa tăng lãi suất vào tháng 6 tới.
Lo ngại về những phản ứng dây chuyền sau khi FED tăng lãi suất và lo ngại nguồn vốn sẽ chảy ngược lại về Mỹ có thể gây những xáo trộn lớn trên lĩnh vực tài chính tiền tệ ở nhiều khu vực, trong đó có thị trường Việt Nam là có cơ sở.