Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cùng một số thành viên làm việc tại Tổ chức quản lý lĩnh vực tài chính của Mỹ (Finra), tháng 7/2015

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cùng một số thành viên làm việc tại Tổ chức quản lý lĩnh vực tài chính của Mỹ (Finra), tháng 7/2015

TTCK Việt Nam: 15 năm để tạo dựng, để trưởng thành

(ĐTCK) TTCK Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng tràn đầy sức sống. Thị trường sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái, có những bước phát triển bền vững, ấn tượng hơn. Đó là chia sẻ của người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội khi nhìn lại chặng đường 15 năm tạo dựng TTCK Việt Nam.

Tôi tin TTck nước ta sẽ tiếp tục đơn hoa, kết trái 

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)
 

Ngày 28/11/1996 đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên của TTCK Việt Nam khi Chính phủ ban hành Nghị định 75/1996/NĐ-CP về việc thành lập UBCK. Đây là kết quả của sự nghiên cứu suốt từ năm 1992 đến năm 1996 với nhiều đề án, dự thảo khuôn khổ pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và nhiều viện nghiên cứu.

Tháng 4/1997, UBCK bắt đầu đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng thứ hai của TTCK. Bên cạnh việc hoàn tất khuôn khổ pháp lý và mô hình thị trường, các vụ chức năng của UBCK bắt tay vào xây dựng thị trường theo từng lĩnh vực được phân công.

Ngày 28/7/2000 đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam khi Trung tâm GDCK TP. HCM tổ chức phiên giao dịch đầu tiên, với hai cổ phiếu niêm yết là SAM và REE.

Sau khi Trung tâm GDCK TP. HCM đi vào hoạt động được 3 năm, trong buổi Lễ tổng kết của UBCK, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trực tiếp chỉ đạo UBCK sớm xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội. Ngày 8/3/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức được khai trương.

Để thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới, UBCK sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như: nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI; quảng bá hình ảnh TTCK với NĐT quốc tế; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu Nhà nước; triển khai các sản phẩm mới, thị trường mới, đặc biệt là TTCK phái sinh; hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK theo đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK.

Về TTCK phái sinh, UBCK cùng các thành viên thị trường đang tích cực triển khai các giải pháp để đưa thị trường này sớm đi vào hoạt động. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Đề án xây dựng TTCK phái sinh ở Việt Nam đầu năm 2014, chúng tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng Nghị định về TTCK phái sinh. Sau hơn 1 năm tích cực chuẩn bị, ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.

Đề án về mô hình TTCK phái sinh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên nguyên tắc phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước và đi từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp. Chúng tôi tin tưởng sẽ vận hành TTCK phái sinh một cách thành công trong thời gian tới, với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu.

Với nền tảng đã có và những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển TTCK đến nay, dưới sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, tôi tin tưởng rằng, TTCK nước ta tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái, ngày càng hội nhập sâu và tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong những năm tới.

TTCK đã khẳng định là kênh huy động vốn của DN và Chính phủ

TTCK Việt Nam: 15 năm để tạo dựng, để trưởng thành ảnh 2

Ông Trần Văn Dũng,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội
 

Ngày 8/3/2005, Lễ khai trương Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC) được tổ chức rất trọng thể, chúng tôi vinh dự đón Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đến tham dự.

Ngay sau ngày khai trương, những cuộc đấu giá DN cổ phần hóa đầu tiên qua HaSTC theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP được tổ chức. Từ đó trở đi, hình ảnh về các cuộc đấu giá lớn được tổ chức đồng thời ở cả hai trung tâm GDCK và được truyền hình trực tiếp bắt đầu quen thuộc với NĐT trong cả nước.

Chúng tôi một mặt duy trì các hoạt động đấu giá, mặt khác tiếp tục chuẩn bị cho ngày ra đời của thị trường truyền thống. Sau quá trình chuẩn bị, ngày 14/7/2005 được chọn để mở sàn thứ cấp với 6 DN được đăng ký giao dịch... 

Cái ngày ấy cách đây trên 10 năm, HaSTC đã chứng kiến biết bao thay đổi. HaSTC nay đã trở thành Sở GDCK Hà Nội (HNX) với 3 thị trường hoạt động song song.

Vào ngày kỷ niệm 15 năm TTCK Việt Nam, thị trường niêm yết ở HNX đã có 359 DN niêm yết, với tổng giá trị niêm yết đạt 98.000 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có trên 200 công ty đăng ký giao dịch. Điều quan trọng hơn hết chính thị trường này đã góp phần làm giảm nhiệt thị trường giao dịch chứng khoán tự do và trở thành nguồn cung cấp hàng hóa cho thị trường niêm yết. Nhiều công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM đã lên niêm yết tại HOSE và HNX.

Đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) qua HNX đã trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đến nay huy động được 654.493 tỷ đồng. Tổng giá trị TPCP niêm yết đạt xấp xỉ 680.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP.

Thị trường TPCP Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á, cũng như khu vực ASEAN + 3. Hệ thống giao dịch TPCP ở HNX đã kết nối với Hãng thông tin kinh tế tài chính Bloomberg, cho phép người sử dụng hệ thống Bloomberg trên thế giới có thể tìm kiếm thông tin, đặt lệnh và giao dịch TPCP của Việt Nam.

15 năm qua, TTCK đã phát huy được hiệu quả, thực sự trở thành kênh huy động vốn của DN, của Chính phủ và là kênh đầu tư được đông đảo công chúng quan tâm. Chúng tôi tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, TTCK Việt Nam sẽ có những bước phát triển bền vững, ấn tượng hơn, mang lại cơ hội huy động vốn cho DN, cơ hội đầu tư cho người dân và phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Nếu không có TTCK, có lẽ không có DN lớn đủ sức hội nhập

TTCK Việt Nam: 15 năm để tạo dựng, để trưởng thành ảnh 3

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE)
 

So với các nước trong khu vực, quy mô TTCK của chúng ta còn rất nhỏ, nhưng thị trường đã khẳng định được vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, cho DN.

Các số liệu thống kê cho thấy, DN huy động vốn rất tốt thông qua TTCK. Các DN bình thường tăng vốn gấp đôi sau khi niêm yết, có DN tăng vốn gấp vài lần, có DN tăng vốn gấp hàng chục lần. Với khối ngân hàng niêm yết, ngân hàng huy động vốn thấp nhất cũng tăng thêm được 50% vốn điều lệ, có ngân hàng tăng vốn lên gấp 6 lần.

Nếu không có TTCK, có lẽ không thể có những DN như REE, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Hoa Sen…, không có những ngân hàng như Sacombank, ACB hiện nay, đủ độ lớn để cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thị trường còn tuổi “teen”, con non trẻ, nhưng đã khẳng định được vai trò đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần quan trọng thay đổi cung cách quản lý, thực hiện tự do hóa nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường.

Bản thân HOSE cũng như các cơ quan quản lý cũng đã trưởng thành rất nhiều cùng với thị trường. Vì TTCK còn rất mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm năm 2000 khi mới ra đời, nên chúng ta, các thành viên tham gia thị trường đều vừa học, vừa làm.

Trải qua những sóng gió, những bỡ ngỡ, những nhận thức có phần ngô nghê về thị trường ban đầu, chúng ta đã liên tục học hỏi đế đến thời điểm này thấu hiểu thị trường hơn. Tôi cho rằng, Sở cũng như UBCK và các cơ quan quản lý cấp cao hơn đã nhìn thấy những việc cần làm, các bước đi để TTCK Việt Nam phát triển xứng tầm với nền kinh tế. Thậm chí, TTCK còn phải đi trước một bước để đón đầu độ mở của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Công việc phía trước còn rất bộn bề, như hiện thực hóa chính sách mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu hàng hóa , xây dựng một Sở giao dịch, đẩy mạnh cổ phần hóa và IPO, tăng hàng hóa có chất lượng, vận hành thị trường phái sinh, hoàn thành hệ thống công nghệ giao dịch mới hiện đại ngang tầm thế giới… Nhưng tôi tin rằng, với sự thống nhất về nhận thức cao hơn, hiểu rõ hơn, chúng ta phải làm gì và làm thế nào, TTCK sẽ phát triển mạnh mẽ, bước vào tuổi thanh niên cường tráng, đầy sức sống.

Tin bài liên quan