Lạm phát tăng bị tác động phần lớn từ việc tăng giá các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng cơ bản và giá của nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt nguyên liệu nhập ngoại.
Không như cơ cấu CPI của các nước phát triển, giá thực phẩm tiêu dùng cơ bản có tỷ trọng lớn nhất (40%) trong CPI của Việt Nam. Đối với nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cơ bản, giá cả thường không có tính co giãn (giá phản ứng chậm so với sự biến động), bởi vì người tiêu dùng không thể giảm chi tiêu ít hơn, ngay cả khi giá cả tăng đáng kể. Do vậy, một khi đã ghi nhận biến động lớn của CPI, tức là biến động giá thực phẩm tiêu dùng cơ bản đã đạt mức đáng báo động.
Tác động về vĩ mô, do cán cân thanh toán xuất - nhập khẩu liên tục mất cân đối, với giá trị nhập khẩu luôn vượt giá trị xuất khẩu, Việt Nam một cách gián tiếp đã nhập khẩu luôn cả lạm phát từ các nước xuất khẩu, vì giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn bao gồm lạm phát của nước xuất khẩu hàng hóa.
Trong môi trường lạm phát luôn rình rập, phần lớn công ty sản xuất đang vật lộn giữ lợi nhuận tối thiểu trong khi nhu cầu thị trường còn rất yếu. Rất khó cho DN trong nước phải khống chế “lạm phát nhập khẩu”. DN tất yếu phải đưa sự tăng giá nguồn nguyên vật liệu vào chi phí sản xuất và như vậy sẽ làm cho lợi nhuận biên giảm sút. Ngoài ra, một phần của sự tăng giá nguyện vật liệu sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng qua việc nâng giá bán, như một vòng tròn của lạm phát. Hiệu quả của chính sách này có thể đem lại một bước tranh đẹp cho bản báo cáo hoạt động kinh doanh, trong đó các kết quả hoạt động kinh doanh được nâng lên một cách giả tạo, còn ở chiều ngược lại, báo cáo cân đối tài chính sẽ xấu đi.
Tất cả những nhà phân tích tài chính đều hiểu rằng, báo cáo kết quả kinh doanh là trình bày của quá khứ, còn báo cáo cân đối kế toán là nói về tương lai. Sự xấu đi của báo cáo cân đối kế toán thông thường sẽ tác động lên TTCK và thị trường tài chính qua việc nâng mức rủi ro cao hơn đối với cổ phiếu nắm giữ. Như vậy, giá cổ phiếu có chiều đi xuống là hoàn toàn hợp lý trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam.
Các biện pháp của Chính phủ nhằm kích thích tiêu dùng có thể thực hiện gián tiếp bằng cách giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và chi tiêu hay bằng cách trực tiếp tăng chi tiêu công, tăng đầu tư công. Cách đầu là tăng nguồn cung, còn cách sau là tăng nhu cầu, nhưng mục đích tổng thể là như nhau, nhằm kích thích chi tiêu trong giai đoạn nền kinh tế đi xuống. Từ đầu năm đến nay, nhiều tiếng nói và đề xuất về việc giảm lãi suất cho vay, nhưng đến giờ việc thực hiện vẫn còn rất giới hạn. Như vậy, các DN gần như ít nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách kích cầu của Chính phủ. Các chính sách hiện nay của Chính phủ để kích thích tiêu dùng vẫn chủ yếu dựa vào việc tăng trưởng đầu tư công. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam được đánh giá thấp.
Mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc niên khóa 2010, nhưng ở Việt Nam, hai tháng cuối năm lại là những tháng CPI có biến động đáng kể, nhất là đối với giá thực phẩm tiêu dùng cơ bản. Chính phủ đang cố gắng giữ CPI của năm 2010 dưới hai con số, bởi nếu CPI ở mức hai con số thì đó là tín hiệu nền kinh tế đi vào giai đoạn trì trệ.