Trên 1.400 loại cổ phiếu, tức khoảng một nửa lượng cổ phiếu của tất cả các công ty niêm yết, vẫn trong tình trạng tạm ngừng giao dịch, TTCK Trung Quốc được coi là “con tin” cần được giải cứu từ các chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể vẫn giữ được TTCK tăng điểm, song khi hoạt động giao dịch trở lại mức bình thường như trước kia, có khả năng giá cổ phiếu sẽ lại rớt và tác động xấu tới lợi nhuận của các nhà đầu tư. Tại thời điểm đó, tâm lý “bầy đàn” trên sàn chứng khoán có thể lại trỗi dậy và phủ bóng lên các nỗ lực của Bắc Kinh.
TTCK đầu cơ giá lên (bull) tại Trung Quốc trong năm ngoái được tiếp động lực rất lớn nhờ giao dịch đòn bẩy, vốn sử dụng tiền đi vay để mua cổ phiếu. Mở rộng sự hỗ trợ “nhân tạo” cho thị trường sẽ chỉ tạm thời xua đi nỗi sợ hãi rằng giá cổ phiếu đã được ngăn chặn khỏi mức đáy “tự nhiên”. Việc kéo giá cổ phiếu lên cũng phơi bày sự bóp méo lớn hơn trong phân bổ nguồn vốn, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và nợ xấu của các chính quyền địa phương gia tăng.
Đến nay, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để khơi thông tín dụng ra thị trường. Giới phân tích cho rằng, các biện pháp tiền tệ nới lỏng có thể là cách tiếp cận mà Bắc Kinh hướng tới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc cấm các cổ đông lớn của các công ty và giám đốc doanh nghiệp bán ra cổ phiếu trong vòng 6 tháng cũng sẽ gây nghi ngờ về nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở cửa thị trường nhiều hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phản ứng của Trung Quốc cũng có thể đẩy lùi những nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Đại lục, nơi các nhà đầu tư cá nhân vẫn nắm phần lớn cổ phiếu.
Tháng trước, MSCI cho biết họ đang cân nhắc bổ sung cổ phiếu hạng A giao dịch trên sàn Shenzen và Shanghai vào các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn của các thị trường đang nổi, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tiến trình minh bạch hóa về sở hữu trên TTCK. Tuy nhiên, “những diễn biến gần đây có thể khiến MSCI lùi lại một thời điểm phù hợp”, nhà phân tích chiến lược Peter Donisanu tại Wells Fargo nhận định.
Đối mặt với nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại và khả năng nguồn tài chính từ bên ngoài chảy vào Trung Quốc bị thu hẹp, đồng nghĩa với Bắc Kinh sẽ tiếp tục phải duy trì các điều kiện tiền tệ “rất lỏng”. Vì thế, nhiều chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong thời gian tới để thúc đẩy nền kinh tế.
Khi nào nên thực sự lo ngại về Trung Quốc?
Sự sụt giảm giá trị cổ phiếu và hoảng loạn trên TTCK thời gian qua là cú sốc với rất nhiều nhà đầu tư, những người trước đó luôn tin rằng bong bóng trên TTCK Đại lục đã bị xóa bỏ hoặc ít nhất là rất khó xảy ra. Cơn lũ bán tháo vừa qua rõ ràng đã nhắc nhở Bắc Kinh về một sự thật nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đối mặt với các thách thức về mức độ tín nhiệm và nguy cơ khủng hoảng tài chính từ một hệ thống còn tồn tại nhiều nợ xấu, Trung Quốc có thể sẵn sàng làm suy yếu đồng nhân dân tệ (NDT) để thúc đẩy xuất khẩu.
Nếu các bước đi này thực sự xảy ra, thì nó sẽ phát đi một tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc và các TTCK của nước này đang trong vấn đề rất đáng lo ngại. Điều đó có thể châm ngòi cho sự leo thang chiến tranh tiền tệ, bất ổn trên thị trường hàng hóa và hoạt động xuất khẩu.
Còn với những nhà đầu tư lạc quan về triển vọng dài hạn của chứng khoán Trung Quốc, họ coi các hoạt động bán tháo và hỗ trợ từ Chính phủ như một cơ hội để tích trữ và mua vào nhiều hơn.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã khuấy động TTCK không chỉ của riêng mình mà còn trên toàn cầu. Và đó có thể chỉ là sự khởi đầu!