Vĩ mô lạc quan
Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2014, ông Nghĩa cho biết, nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi tương đối tốt. Cụ thể, GDP tăng trưởng liên tục từ quý III/2013 đến nay và theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, GDP sẽ tiếp tục đà phục hồi trong 2 quý cuối năm, cả năm 2014 có khả năng đạt 5,7 - 5,8%. Mặc dù chỉ số lạm phát đang giảm là điều không vui, song khu vực nông nghiệp phục hồi có thể là yếu tố giúp cho lạm phát xuống chậm hơn và nhiều khả năng, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm thêm 1%.
Bên cạnh đó, chỉ số CCI (đo mức độ lạc quan của người tiêu dùng) trong tháng 6 đã cải thiện đáng kể so với đầu năm, sau khi bị sụt giảm trong tháng 5 do tình hình căng thẳng trên biển Đông. Ổn định vĩ mô được duy trì khi mức lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm rõ rệt từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, TTCK có mối liên hệ và chịu tác động rất lớn từ thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng. Hiện tại, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc khi tồn kho bất động sản tính đến thời điểm cuối tháng 6/2014 là 83,518 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tình hình giải quyết nợ xấu tại hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thực sự quyết liệt.
“Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị cho Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) được tăng thêm quyền xử lý nợ, đẩy nhanh tiến trình thủ tục về đất đai và chuyển nhượng tài sản, để tìm lối thoát cho việc xử lý nợ xấu”, ông Nghĩa nói và cho biết, nếu nhìn nhận như vậy, TTCK từ nay đến cuối năm sẽ khó có đột biến như nửa đầu năm, nhưng sẽ nghiêng về xu hướng tích lũy theo chiều hướng tăng dần.
Triển vọng TTCK
Cùng quan điểm lạc quan về kinh tế vĩ mô, bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng phân tích VCBS cho rằng, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã duy trì sự ổn định, kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường về sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 vẫn đang được đáp ứng và tiếp tục nuôi dưỡng.
Trong khi đó, TTCK cũng đã trải qua những nhịp tăng điểm dài và mạnh, vì vậy, sau khi phản ánh các thông tin và kỳ vọng tích cực cả từ phía nền kinh tế lẫn các doanh nghiệp, thị trường tất yếu cần có giai đoạn tích lũy đi ngang và xây dựng mặt bằng giá mới trước khi tăng trưởng bền vững trở lại.
Về động thái của khối ngoại, dữ liệu lịch sử cho thấy, tháng 8 và trong quý III, thường là thời điểm các nhà đầu tư cơ cấu danh mục. Hoạt động mua/bán mạnh (tính theo giao dịch khớp lệnh) ít diễn ra, nên ảnh hưởng tâm lý tích cực lan tỏa ra khối nhà đầu tư trong nước như trong 6 tháng đầu năm là không cao. Do đó, tính chất hỗ trợ cho khả năng tăng điểm mạnh của hai chỉ số là thấp.
Tính đến cuối quý II, P/E của TTCK Việt Nam (sàn HOSE) ở mức 13,6 lần, giảm nhẹ so với cuối quý I, nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2013 (12,54 lần). Với mặt bằng giá như hiện tại, theo bà Linh, sức hấp dẫn của thị trường đã phần nào giảm bớt so với thời điểm cuối năm 2013, tuy nhiên, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác và so với các thị trường trong khu vực. Điều này thể hiện qua mức tăng hơn 15% của 2 chỉ số trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2014.
Đứng trên góc độ nhà đầu tư, những cổ phiếu có nền tảng và tiềm năng tăng trưởng tốt sẽ vẫn là lựa chọn ưa thích. Tuy nhiên, theo VCBS, trong mỗi ngành nghề đều có những công ty nổi bật nhất định, nhưng nếu nhìn chung về triển vọng từng ngành từ nay đến cuối năm 2014, nhà đầu tư nên lưu ý một số ngành.
Trước hết là ngành dầu khí, với ưu thế đặc thù, ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khó khăn của nền kinh tế trong nước, đồng thời cũng là ngành được Chính phủ định hướng là một trong những đầu tàu hỗ trợ cho đà hồi phục của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một số ngành như xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và kho vận cũng đáng quan tâm, khi chính sách phát triển kinh tế khá ưu ái và theo yếu tố mùa vụ, những ngành này thường có kết quả tốt hơn về cuối năm.