Ông Trần Thăng Long
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định.
Trong bối cảnh nửa đầu năm nay, TTCK sẽ có diễn biến tích cực như phân tích của ông, thì đâu là những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường?
Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo triển vọng ngành công bố từ tháng 1/2015, sự phục hồi của kinh tế vĩ mô sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2015. Điều này sẽ hỗ trợ cho sự hồi sinh của rất nhiều ngành kinh tế và khối DN trong nước. Nhóm ngành tài chính, ngân hàng và bất động sản (BĐS) sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Sau 6 - 7 năm nằm trong vùng suy thoái, hiện tại sức cầu về BĐS đã phục hồi tại các thành phố lớn. Điều này không chỉ hỗ trợ cho ngành BĐS có diễn biến tích cực trong năm nay, mà hơn thế nữa sẽ là sự phục hồi của một loạt ngành có liên quan như: xây dựng, vật liệu, nội thất…
Bên cạnh nhóm BĐS, ngân hàng và nhóm cổ phiếu hưởng lợi theo, còn những nhóm ngành nào khác có triển vọng khả quan?
Dù lạc quan về triển vọng chung của TTCK trong 6 tháng đầu năm, nhưng NĐT cần rất thận trọng trong lựa chọn nhóm ngành và cổ phiếu, do mức độ phân hóa sẽ rất lớn trong năm nay. Nhóm cổ phiếu lớn cần được quan tâm nhiều hơn. Xét theo nhóm ngành, chúng tôi kỳ vọng, giá dầu sẽ duy trì mặt bằng giá thấp trong 2015 và sẽ tác động tích cực đối với Việt Nam, một quốc gia nhập khẩu phần lớn xăng dầu và các chế phẩm dầu khí (phân bón, hóa chất, nhựa đường, nhựa…).
Bởi vậy, cơ hội sẽ đến với nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp (vận tải, ô tô, phân bón, nhiệt điện), hưởng lợi gián tiếp (hóa chất, nhựa đường, nhựa…) và nhóm vận chuyển nhiều (thép, xi măng…). Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, việc giá dầu tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian, nên cơ hội sẽ đến nếu mức định giá của cổ phiếu dầu khí rơi về mức đủ hấp dẫn.
Mặt khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (JCB) nới lỏng tiền tệ, nên cả hai đồng tiền EUR và JPY cùng giảm giá. Điều này đương nhiên không có lợi cho các DN định hướng xuất khẩu vào các thị trường này, nhưng với các DN đang vay EUR và JPY thì khó có tin tức nào tốt lành hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng thấp trong năm 2015 khiến cho việc điều chỉnh giá điện và có thể là cả xi măng sẽ sớm diễn ra, nên sẽ hỗ trợ thêm cho triển vọng cổ phiếu ngành xi măng (HT1, BCC, BTS) và nhiệt điện (NT2, PPC).
Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thị trường kỳ vọng sớm đi đến ký kết, qua đó mang lại tác động đột biến cho thị trường trong thời gian qua, nhưng thực tế cho thấy khả năng kết thúc đàm phán TPP hiện vẫn bất định. Theo ông, việc đón đầu cơ hội đầu tư vào các nhóm ngành có triển vọng được hưởng lợi từ các FTA nên như thế nào?
Năm 2015, 2016 sẽ là thời kỳ chưa từng có trong lịch sử, khi Việt Nam đang tiến đến việc kết thúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác quan trọng nhất. Do vậy, xét về logic, các ngành sẽ hưởng lợi nhất là ngành xuất khẩu như: dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ… Ngược lại, một số ngành có thể chịu tác động tiêu cực như dược phẩm, thép, phân bón...
Vì sao ông cho rằng, triển vọng của TTCK trong nửa cuối năm nay khó tích cực so với giai đoạn đầu năm?
Nguồn tiền trên thị trường nhiều khả năng sẽ thu hẹp, trong khi cung tăng do sức ép từ cổ phần hóa. Nguồn tiền đầu tư chứng khoán trong nước không dồi dào như mọi năm, do ảnh hưởng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với dòng tiền nước ngoài sẽ suy yếu khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất USD. Điều này sẽ dẫn đến sang nửa cuối năm 2015, TTCK chịu nhiều thử thách. Do vậy, nửa cuối năm 2015, việc lựa chọn nhóm ngành và cổ phiếu cần cẩn trọng hơn.
Các nhóm ngành mà NĐT cần quan tâm là điện, dược, dệt may, thủy sản, săm lốp, thực phẩm tiêu dùng. Các nhóm này sẽ có nhiều cơ hội bứt phá do vào mùa hoạt động sản xuất - kinh doanh chính trong năm. Ngành dầu khí có thể phục hồi cùng giá dầu sau giai đoạn dư cung lên cao nhất trên thế giới (dự kiến là khoảng tháng 6/2015). Nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng giá tốt nhất giai đoạn này sẽ là cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ.