TTCK tháng 10: Tùy cơ ứng biến

TTCK tháng 10: Tùy cơ ứng biến

(ĐTCK-online) Trong tháng 10, KQKD trong quý III/2011 sẽ là nhân tố được nhiều NĐT kỳ vọng cho việc dòng tiền quay trở lại. Nếu KQKD tại một số nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ như ngành chứng khoán vượt kỳ vọng, thị trường sẽ quay trở lại thời kỳ sôi động.

 >> Chiến lược đầu tư tháng

Phân tích cơ bản

CPI tháng 9 tăng 0,82% so với tháng trước và là tháng tăng thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. So với cùng kỳ, lạm phát giảm xuống còn 22,42% từ mốc 23,02% trong tháng 9 và đây cũng là tháng kết thúc chu kỳ tăng giá CPI chậm tại Việt Nam. Bước vào tháng 10, nhiều NĐT lo ngại rằng, lạm phát sẽ quay trở lại đà tăng trên 1%, do những tháng cuối năm thường là giai đoạn tăng giá mạnh ở Việt Nam khi Tết Nguyên đán tới gần và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho người lao động được các DN áp dụng từ ngày 1/10/2011. Hơn nữa, trong bối cảnh chi phí lãi vay vẫn ở mức cao sẽ khiến DN thu hẹp sản xuất. Điều này làm giảm tổng cung khiến giá cả lại tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đợt tăng lương lần này sẽ ít gây tác động lên lạm phát khi đó đơn thuần chỉ là động tác phân phối lại thu nhập. Tiền công lao động ở các khu vực DN hiện tại hầu hết đều trên mức tối thiểu. Đa phần nhóm được hưởng lợi sau quyết định tăng lương tối thiểu đều đang duy trì mức sinh hoạt tối thiểu.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, sau một thời gian dài lạm phát duy trì ở mức cao, thu nhập danh nghĩa của người dân đang giảm rất mạnh, cùng với đó, đa số DN đang rất khó khăn. Do đó, những khoản thưởng cuối năm sẽ suy giảm mạnh khiến tổng cầu không tăng nhiều trong thời gian tới. Bộ Công thương đã công bố chương trình bình ổn giá Tết Nguyên đán, theo đó yêu cầu 22 đơn vị tham gia tăng thêm 20% lượng hàng trong kho so với cùng kỳ năm trước, để đảm bảo giá cả không tăng đột biến. Giá cả hàng hóa thế giới đang bước vào thời kỳ suy giảm nên khó có khả năng giá cả hàng hóa Việt Nam tăng đột biến, thậm chí nhiều mặt hàng có thể tiếp tục điều chỉnh giảm như xăng dầu bán lẻ nếu giá xăng dầu thế giới xuống thấp hơn mốc 80 USD/thùng.

Lạm phát ở Việt Nam đang trong xu hướng giảm và nhiều chuyên gia kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, còn quá sớm để kết luận thời kỳ lạm phát tâm lý đã kết thúc, bởi tại Việt Nam, công chúng có khuynh hướng lưu giữ ấn tượng về lạm phát trong quá khứ, đồng thời kỳ vọng nhạy cảm về lạm phát trong tương lai. Những ký ức lưu giữ về lạm phát trong quá khứ thường kéo dài  6 tháng ngay cả trong thời kỳ lạm phát thấp. Chính phủ cần duy trì lạm phát thấp tối thiểu 6 tháng và do đó, cam kết tiếp tục ổn định vĩ mô cả trong những năm tới của Chính phủ có lẽ là một điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian qua. Kiểm soát được lạm phát sẽ khiến niềm tin của người dân tăng lên và dòng vốn dài hạn quay trở lại TTCK.

Đối với thị trường tín dụng ngân hàng, lãi suất cho vay đã giảm về mức 17 - 19%/năm đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và lãi suất huy động cũng đã giảm về mức 14%/năm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý mạnh tay một số tổ chức tín dụng vượt trần lãi suất huy động. Những ngày cuối tháng 9, NHNN ban hành Thông tư 30/2011/TT-NHNN quy định chi tiết lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 1 tháng không quá 6%/năm và từ 1 tháng trở lên không quá 14%/năm.

Sử dụng các biện pháp này, mục đích của NHNN là giúp DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất rẻ, qua đó phục hồi sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp vì những lý do sau: với cách thức vẽ đường cong lãi suất bằng biện pháp hành chính như hiện nay thì người gửi tiền sẽ bị thiệt hại khá lớn và do vậy, một lượng tiền gửi tiết kiệm sẽ rút ra khỏi hệ thống, chuyển vào các kênh đầu cơ khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… Các NHTM sẽ phân bổ tiền vào trái phiếu khi kỳ vọng vào lãi suất dài hạn sẽ giảm và hoạt động OMO sôi động trở lại. Do lãi suất kỳ hạn ngắn ở mức thấp và lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, nên các NHTM sẽ tập trung vào thị trường liên ngân hàng, chứ không có động lực đẩy mạnh hoạt động cho vay. Chính vì điều này, có một nguy cơ là các NHTM nhỏ sẽ thiếu hụt thanh khoản khi quản trị rủi ro của nhóm này không thực sự tốt. Để chuẩn bị cho tình huống này, NHNN đã soạn thảo nghị định về việc tái cấp vốn theo hình thức góp vốn và chiến lược G12+1 giữa 12 NHTM lớn cộng với NHNN. Điều này làm dấy lên những đồn đoán về khả năng sẽ thu hẹp quy mô của hệ thống NHTM trong thời gian tới.

Như chúng tôi đã phân tích, tổng tiền tạm thời sẽ giảm xuống và dòng tiền này sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác… Với kênh bất động sản, chúng tôi không cho rằng dòng tiền sẽ quay trở lại sớm, bởi nguồn cung hiện tại vẫn quá lớn, tỷ suất sinh lời của ngành này đang bị điều chỉnh giảm mạnh. Thời gian qua, chúng ta thấy dòng tiền đang chuyển vào thị trường vàng khi giá vàng giảm mạnh, nhưng nếu giá vàng tiếp tục suy giảm, chứng khoán có lẽ sẽ là kênh tiếp theo được hưởng lợi khi giá cổ phiếu lại tiếp tục quay trở lại mức thấp.

Với sự sụt giảm mạnh của lãi suất huy động tiền đồng thì chênh lệch lãi suất thu hẹp lại và người dân chuyển từ trạng thái nắm giữ VND sang USD. Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế khiến dòng chảy vàng từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam (cả chính thức và nhập lậu), làm cho tỷ giá trở nên nóng hơn. Những bất ổn vĩ mô thường làm NĐT cảm thấy e ngại trong việc nắm giữ cổ phiếu. Đây không phải là điểm tích cực với TTCK.

 

Phân tích kỹ thuật

Sau khi vận động theo mẫu hình 1-2-3 Bullish, chỉ số VN-Index đã đạt tới vùng giá mục tiêu của mình trong tháng 9 và đang điều chỉnh giảm trở lại. Hiện tại, có hai cách nhìn nhận hướng di chuyển của chỉ số VN-Index. Trường hợp 1, chỉ số VN-Index sẽ vận động theo kênh tăng giá như hình vẽ và có thể điều chỉnh về vùng giá 385 điểm. Trường hợp 2, chúng ta sẽ quan sát sự vận động của chỉ số VN-Index theo nguyên tắc giao dịch "Pull Back" thường thấy mỗi khi thoát khỏi xu hướng giảm giá trung hạn kể từ tháng 3/2011 trở lại vào ngày 1/9/2011. Với cách nhìn nhận này, chỉ số VN-Index sẽ kiểm tra lại kênh kháng cự đã phá vỡ mà nay trở thành kênh hỗ trợ ở mốc 418 điểm (gần trùng với ngưỡng hỗ trợ động MA 50 là 420 điểm). Nếu thị trường tạo đáy và phục hồi từ vùng hỗ trợ này, NĐT có thể mua vào cổ phiếu. Trong trường hợp ngược lại, NĐT nên xem xét vùng giá 385 điểm.

 Đối với HNX-Index, sau khi vận động theo mô hình hai đáy Eve-Eve, chỉ số đã tăng tới đường kháng cự viền cổ (Confirmation Line), nhưng tiếc là HNX-Index không vượt qua được mốc kháng cự này để hoàn tất mô hình hướng tới giá mục tiêu 96 điểm. Do vậy, trước mắt HNX-Index cũng biến động theo hai kịch bản có khả năng xảy ra. Trường hợp 1, HNX-Index tiếp tục vận động theo mẫu hình Falling Wedge như hình vẽ với vùng giá mục tiêu là 64,8 điểm. Trường hợp 2, HNX-Index sẽ tạo đáy quanh vùng giá 70 điểm, bởi trước đó mốc điểm này đã đóng vai trò kháng cự mạnh khi chỉ số HNX-Index tăng trở lại từ mức đáy hồi tháng 8/2011.

Tóm lại, HNX-Index dù đã có sự trở lại tích cực của dòng tiền đầu cơ nhưng vẫn chưa vượt được mốc 82 điểm để quay lại xu hướng tăng giá lớn. Vì vậy, trước mắt chúng ta vẫn phải chờ đợi thêm những tín hiệu giao dịch tiếp theo. Trong tháng 10, kết quả kinh doanh trong quý III/2011 sẽ là nhân tố được nhiều NĐT kỳ vọng cho việc dòng tiền quay trở lại. Nếu kết quả kinh doanh của DN tại một số nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ như ngành chứng khoán vượt kỳ vọng, thị trường sẽ quay trở lại thời kỳ sôi động. Một nhân tố khác cũng cần được chú ý chính là sự biến động của TTCK thế giới. Nếu một sự sụt giảm quá mạnh dẫn tới sự hoảng loạn của thị trường này cũng sẽ khiến tâm lý NĐT bất an và thị trường nội địa sẽ lại chìm vào giấc ngủ đông kéo dài.

Đồ thị phân tích kỹ thuận HNX-Index

TTCK tháng 10: Tùy cơ ứng biến ảnh 1
 

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index