TTCK quý I/2016: Kỳ vọng trụ vững từ nội lực doanh nghiệp

TTCK quý I/2016: Kỳ vọng trụ vững từ nội lực doanh nghiệp

(ĐTCK) TTCK Việt Nam có sự khởi đầu năm 2016 không thuận lợi, khi VN-Index mất tới 20 điểm trước đà lao dốc của TTCK toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Theo các chuyên gia, TTCK Trung Quốc tiếp tục là ẩn số lớn với chứng khoán Việt trong quý I. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội cho NĐT với các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô.

TTCK Trung Quốc vẫn là ẩn số lớn

Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng
 

Dù đang phải đối mặt với nhiều rủi ro mang tính hệ thống đến từ thị trường tài chính toàn cầu, vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan và đặt niềm tin vào triển vọng tích cực của TTCK Việt Nam trong quý I.Đầu tiên là xuất phát từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, năm 2015 ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế đang diễn ra nhanh hơn. Thứ hai, sự kỳ vọng đến từ những thay đổi quan trọng, cũng như những nỗ lực tích cực từ cơ quan quản lý đối với TTCK Việt Nam, cụ thể như vấn đề gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cải thiện hoạt động giao dịch (rút ngắn thời gian thanh toán T+2, cho phép giao dịch trong ngày, cho phép mua bán cùng ngày…) và các sản phẩm mới (chứng khoán phái sinh, cover warrant).

Ngoài ra, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ hấp dẫn khối ngoại hơn khi vấn đề nới room trở nên cụ thể hơn, đi kèm với đó là việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước khỏi nhiều công ty niêm yết hiện nay tạo ra cơ hội tham gia nhiều hơn cho khối ngoại.

Bên cạnh những thuận lợi vừa nêu, cũng còn đó không ít thách thức có thể đe dọa đến triển vọng của thị trường như: tình trạng bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu, căng thẳng tỷ giá và nợ công. Trong đó, ẩn số lớn nhất và khó lường nhất là sự biến động của TTCK toàn cầu (mà TTCK Trung Quốc là nơi có khả năng tạo ra rủi ro cao khi đang có những diễn biến rất bất thường thời gian qua).

Thị trường sẽ tăng giảm đan xen

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam Chi nhánh TP. HCM
 

Trong quý I, có một vài điểm bất lợi với TTCK trong nước, gồm Fed có thể tăng lãi suất 0,25%/năm trong khoảng tháng 3. Khi đó, các quốc gia khác cũng sẽ có hành động bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, dự đoán là 2%, những nước có giao thương với Trung Quốc sẽ phải phá giá để bảo hộ hàng hóa trong nước. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể sẽ chỉ phá giá VND 1-2%, bởi hiện Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng chính sách mới là tỷ giá trung tâm, giúp việc thay đổi tỷ giá trở nên linh hoạt hơn, không gây hoang mang và giảm tính đầu cơ. Tuy vậy, việc lo ngại biến động tỷ giá USD/VND sẽ khiến khối ngoại hạn chế giải ngân.

Trong quý I, các DN sẽ công bố kết quả kinh doanh cả năm 2015 với dự báo hầu hết DN đều có kết quả tăng trưởng. Điều này giúp NĐT có thêm niềm tin, là chất xúc tác để NĐT giải ngân vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Ngoài ra, tháng 3 thường là thời điểm nhiều DN trả cổ tức , điều này sẽ có tác động tích cực đến TTCK.

Do vậy, thị trường quý I sẽ có sóng dựa theo thông tin, nếu yếu tố tích cực xuất hiện trước thì xuất hiện sóng tăng và khi yếu tố tích cực yếu dần thì thị trường chuyển sang sóng giảm. Xu hướng chính sẽ là tăng giảm đan xen và nếu so với mốc 560 điểm hiện tại sẽ là giảm nhẹ. Riêng trong tháng 1, chỉ số VN - Index nếu giảm sâu nhất thì về khoảng 530 điểm.

Khả năng thị trường có thể tiệm cận vùng hỗ trợ mạnh 540 điểm

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
 

Thị trường có thể diễn ra kịch bản giảm sâu và nhanh trong quý I. Cơ sở cho nhận định này là sự xuất hiện tín hiệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc; dòng tiền của NĐT nước ngoài tiếp tục rút ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, giá dầu thô tiếp tục tạo đáy mới, tiệm cận mức 30 USD/thùng, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu dầu khí trên toàn cầu.

Nhìn lại các đợt sụt giảm trước đây, TTCK Việt Nam đều rất đồng pha với các diễn biến giảm điểm của toàn cầu và khả năng đó sẽ tiếp diễn trong lần này, bởi những lo ngại tỷ giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá tại Việt Nam. TTCK toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý và dòng vốn ngoại tại Việt Nam.

Khả năng VN-Index tiệm cận vùng hỗ trợ mạnh 540 (+/- 10) điểm và xác suất mua tích lũy dần trong vùng này khả năng lãi sau đó là rất cao bởi hiệu ứng giảm sâu bật mạnh. Năm 2016, thị trường sẽ có những biến động lớn với dạng đồ thị răng cưa, do đó, nên ưu tiên mua tại các thời điểm thị trường giảm mạnh gần các mốc kỳ vọng và bán ra khi thị trường phục hồi.

Nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát kỹ diễn biến thị trường, tránh bắt đáy sớm, chờ đợi cơ hội giải ngân khi thị trường có các nhịp giảm mạnh vào các cổ phiếu đầu ngành, thanh khoản cao, hưởng lợi từ TPP và giá dầu thấp. Ưu tiên lựa chọn đối với cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như cổ phiếu ngành ngân hàng/bảo hiểm, bất động sản, dệt may, vật liệu xây dựng, nhựa/hóa chất..

Cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư dài hạn

 Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc phân tích kỹ thuật và thị trường, CTCK VPBS

Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016, ngoại trừ nhóm cổ phiếu dầu khí với các đại diện như PVD, PVS, GAS, PXS, PVC giảm mạnh do tác động từ giá dầu, sự giảm điểm của các cổ phiếu khác chủ yếu là do lực bán của nhà đầu tư nội do bị tác động tâm lý từ sự sụt giảm mạnh của TTCK toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như hoạt động giải chấp margin tại một số cổ phiếu có thị giá giảm mạnh trong suốt giai đoạn vừa qua.

Theo quan sát của chúng tôi, diễn biến TTCK có hệ số tương quan khá cao với TTCK toàn cầu trong vòng 1 năm trở lại đây. Hiện tại, không chỉ các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market), nên rủi ro giảm điểm của TTCK trong nước thời gian tới là khá cao.

Theo số liệu hiện tại của VPBS, các công ty đang niêm yết có tỷ lệ tăng trưởng EPS năm 2015 ước đạt khoảng 7% so với năm 2014 và chỉ số VN-Index cũng có mức tăng trưởng tương ứng 6,1% trong năm 2015 khi kết thúc năm sát ngưỡng 580 điểm. Với mặt bằng lãi suất cũng như giá cả hàng hóa đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì ở mức thấp, thị trường bất động sản và các chỉ số vĩ mô vẫn đang cho tín hiệu phục hồi tích cực, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS của các công ty đang niêm yết sẽ tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ 7% trong năm 2016.

Với hệ số P/E bình quân của sàn HOSE là 11,3 lần và được giả định là không đổi cho năm tới, về mặt nội tại, VN-Index có thể tăng lên mức 610 - 620 điểm vào cuối năm. Do đó, trong trường hợp VN-Index tiếp tục giảm điểm trong quý I này, theo kịch bản tiêu cực của chúng tôi xuống vùng hỗ trợ dài hạn 510 - 520 điểm, do hiệu ứng của chứng khoán thế giới, cơ hội đầu tư giá trị hấp dẫn sẽ mở ra cho các nhà đầu tư dài hạn.

Thị trường sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phân tích VietinBankSc
 

Trong năm 2016, TTCK được ủng hộ bởi sự phục hồi rõ nét của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực từ bối cảnh vĩ mô thế giới sẽ khiến TTCK Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc đồng USD tiếp tục mạnh lên. Việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam trong cả năm 2016. Trong khi đó, khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc có hiệu ứng toàn cầu do quy mô nền kinh tế lớn cũng như quan hệ thương mại của Trung Quốc với các khu vực trên thế giới. Tâm lý NĐT Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, tuy nhiên, ảnh hưởng có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn khoảng 3 – 6 tháng.

TTCK Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội bởi sự phục hồi ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành hoặc của chính những cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Trong quý I, những cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh khả quan năm 2015 sẽ được nhà đầu tư chú ý.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành có triển vọng phát triển trong năm 2016 cũng sẽ được quan tâm: nhóm ngành dệt may, đồ gia dụng, vận tải hàng hóa là nhóm ngành được hưởng lợi từ TPP, nhóm ngành hàng tiêu dùng sẽ đón cơ hội nhu cầu tăng cao dịp Tết. Những doanh nghiệp đầu ngành sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước và khi chứng khoán giảm điểm, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt sẽ ở vùng giá hấp dẫn. Đó là cơ hội đối với các nhà đầu tư.

TTCK Việt Nam chịu tác động từ các yếu tố ngoại biên là không thể tránh khỏi

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK BVSC
 

Những thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên đầu tiên của năm 2016. Cùng với độ mở của nền kinh tế và diễn biến liên thông của thị trường tài chính toàn cầu thì việc TTCK Việt Nam chịu tác động từ các yếu tố ngoại biên là không thể tránh khỏi.

Tôi cho rằng, trong quý I, có 2 vấn đề lớn đáng lưu ý đối với TTCK trong nước.

Đầu tiên và được xem là yếu tố rủi ro nhất hiện nay, đe dọa sự ổn định của TTCK toàn cầu là những tín hiệu suy yếu về tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, diễn biến bất ổn trên thị trường tiền tệ và xu hướng lao dốc của TTCK nước này. Bên cạnh những tác động ở góc độ cơ bản đến các nền kinh tế có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số đó, thì những ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư cũng cần phải được lưu ý.

Tiếp đó là chu kỳ tăng lãi suất của Fed (theo dự tính trong biên bản ghi nhớ các cuộc họp thị trường mở, sẽ tăng thêm khoảng 1% cho cả năm 2016) sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến TTCK trong nước, đặc biệt là vào tháng cuối của mỗi quý. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, mức độ ảnh hưởng của câu chuyện này sẽ giảm dần, do thực ra đã được phản ánh vào diễn biến thị trường trong 2 năm qua.

Về cơ hội đối với thị trường trong quý I, tôi kỳ vọng vào một số thông tin, nếu xuất hiện kịp thời, có thể nâng đỡ cho diễn biến của thị trường trong quý I. Đầu tiên là những thông tin chính thức về việc ký kết và lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do, sẽ tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế và hỗ trợ cho các nhóm ngành được hưởng lợi.

Kế đến là các quy định về mở room ngoại cho các ngành nghề cụ thể từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ chế giao dịch T+0, bán cổ phiếu chờ về và các sản phẩm chứng quyền sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và tác động tích cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm CTCK.

Ngoài ra, những thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2015 có thể sẽ tạo ra bức tranh phân hóa và tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp.

Tin bài liên quan