Tác giả Bùi Nguyên Hoàn

Tác giả Bùi Nguyên Hoàn

TTCK phái sinh, phải hiểu thấu vấn đề

(ĐTCK) Hàng triệu người đầu tư Việt Nam đã và đang đầu tư “chay”, đến nay vẫn chưa có công cụ bảo hiểm. Hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, Việt Nam rất cần có một TTCK phái sinh.

Vai trò quan trọng của TTCK phái sinh

TTCK phái sinh là thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền lựa chọn... Đây là một định chế tài chính bậc cao, nhưng lịch sử của nó được bắt đầu từ thị trường nông phẩm - sản phẩm thiết yếu của con người. Những năm “mưa thuận gió hòa”, nông phẩm dồi dào, sử dụng dư thừa; những năm thời tiết khắc nghiệt, nông phẩm trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Trong từng năm, cũng có những nghịch lý giữa các kỳ giáp hạt và sau mùa vụ thu hoạch. Vì thế, từ thế kỷ thứ XI - XII, tại châu Âu và Nhật Bản, trên thị trường nông phẩm, bên cạnh các giao dịch “tiền trao cháo múc”, các nhà buôn và các nông gia đã thực hiện mua bán kỳ hạn, bằng các cam kết tay đôi, mua bán trước, giao nhận hàng sau, theo các kỳ hạn xác định nhằm giảm thiểu rủi ro về giá cho người sản xuất và tiêu thụ, qua đó điều tiết sản xuất.

Năm 1848, tại Chicago (Hoa Kỳ), Hội đồng Mậu dịch kỳ hạn (Chicago Board of Trade - CBOT) đã ra đời, gồm các nông gia có đầu óc kinh doanh và các nhà buôn bán ngũ cốc trong vùng. Một năm sau đó, họ cho ra đời Trung tâm Giao dịch mua bán nông phẩm kỳ hạn, giao dịch đấu giá tập trung, qua đó hình thành các hợp đồng mua bán kỳ hạn, là những cam kết mua bán trước, giao nhận hàng sau, với khối lượng, giá cả và kỳ hạn xác định. Hợp đồng có giá trị bắt buộc, đến kỳ hạn, người nắm hợp đồng mua phải mua, người nắm hợp đồng bán phải bán.

Ví dụ, một nông gia sản xuất cà phê, xác định giá bán cà phê hạt khô mùa vụ tới tối thiểu phải 50.000 đồng/kg mới có thu nhập. Anh ta đến thị trường kỳ hạn và mua được một số hợp đồng kỳ hạn “bán 10 tấn cà phê vào tháng 12, với giá 50.000 đồng/kg”. Đến cuối năm (sau mùa vụ thu hoạch), giá cà phê trên thị trường xuống còn 40.000 đồng/kg, anh ta vẫn bán được ở mức giá 50.000 đồng/kg.

Tương tự, một người chế biến cà phê xác định, giá cà phê hạt khô tối đa là 50.000 đồng/kg mới có lời. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh ta đến thị trường kỳ hạn mua một số hợp đồng “mua 10 tấn cà phê hạt khô với giá 50.000 đồng/kg, kỳ hạn tháng 12”. Đến kỳ giáp hạt, cà phê khan hiếm, giá cao, nhưng anh ta vẫn có nguồn cung ứng ở giá 50.000 đồng/kg, nhờ đó công việc kinh doanh ổn định. Bằng các hợp đồng mua bán kỳ hạn như thế, người sản xuất và người chế biến cà phê đã bảo hiểm được giá cà phê theo ý muốn.

Nhưng với cơ chế thị trường lúc đó, hợp đồng kỳ hạn chỉ bảo hộ, thỏa mãn được một phía của hợp đồng. Để khắc phục nhược điểm đó, năm 1864, người Mỹ thực hiện một sửa đổi quan trọng về cơ chế hoạt động của thị trường kỳ hạn: Trong thời gian hợp đồng chưa đến kỳ hạn thực hiện, người có hợp đồng mua có thể bán lại hợp đồng mua cho người thứ ba và người thứ ba có thể bán cho người kế tiếp; người có hợp đồng bán có thể mua lại nó, để kết thúc vị thế.

Ví dụ, người nông dân đang sở hữu hợp đồng bán với giá 50.000 đồng/kg thì thị trường lên giá, mọi thông tin cho thấy giá cà phê có thể đạt 55.000 đồng/kg vào cuối năm. Để kết thúc vị thế bán ở giá 50.000 đồng/kg, thì tại thời điểm thị trường có giá 51.000 đồng/kg, anh ta mua về số hợp đồng bán đó, chịu lỗ 1.000 đồng/kg, sau đó tìm các giao dịch khác để có các hợp đồng bán với giá cao hơn, hoặc để cuối năm đưa ra bán trên thị trường giao ngay theo thời giá. Ngược lại, giả sử sau đó thị trường xuống giá, dự đoán có thể còn 45.000 đồng/kg vào cuối năm. Để kết thúc vị thế mua ở giá 50.000 đồng/kg, thì tại thời điểm thị trường có giá 48.000 đồng/kg, người chế biến bán hết số hợp đồng đó, chịu lỗ 2.000 đồng/kg, sau đó tìm các giao dịch khác để có số hợp đồng mua ở giá 45.000 đồng/kg, hoặc ra thị trường giao ngay mua theo thời giá.

Cuộc “cách mạng” đó đã làm thay đổi căn bản bản chất của thị trường kỳ hạn, hợp đồng kỳ hạn trở thành hợp đồng tương lai (future contracts), giao dịch mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp như một thứ chứng khoán, thuật ngữ tài chính gọi là chứng khoán phái sinh. Hợp đồng tương lai là chứng khoán phái sinh thì người đầu tư vào cuộc.

Chẳng hạn, tại thời điểm người chế biến cà phê bán ra số hợp đồng “mua 10 tấn cà phê với giá 50.000 đồng/kg...” ở giá 48.000 đồng/kg, một người đầu tư nhận định, cà phê rớt giá chỉ là tạm thời, nó sẽ lên, có thể đạt 53.000 đồng/kg vào cuối năm. Anh ta có một quyết định mạo hiểm, mua vào số hợp đồng mua đó ở giá 48.000 đ/kg. Sau đó, như dự đoán, cà phê lên giá, tại thời điểm thị trường có giá 53.000 đồng/kg, anh ta bán ra, kết thúc cuộc đầu tư, thu về 50 triệu đồng tiền lãi. Khi mua vào 10 hợp đồng này, giá trị của giao dịch là 480 triệu đồng, nhưng anh ta chỉ phải bỏ ra 48 triệu đồng, vì thị trường thực hiện giao dịch ký quỹ, giả sử ký quỹ 10% (cao nhất), anh ta đạt trên 100% lợi nhuận. Nhưng nếu cà phê tiếp tục rớt giá, xuống 45.000 đồng/kg, anh ta phải bán ra, chịu lỗ 30 triệu đồng, lỗ trên 60% vốn đầu tư.

Thời kỳ đầu, thị trường chỉ giao dịch các loại nông phẩm, về sau có thêm nguyên liệu công nghiệp (kim loại, năng lượng...). Từ khi người đầu tư vào cuộc, là một thành phần chủ chốt giao dịch trên thị trường, thì các công cụ đầu tư tài chính (chứng khoán, chỉ số chứng khoán, ngoại tệ, vàng bạc...) lần lượt tham gia.

Mua bán hàng hóa trên thị trường hàng hóa tương lai chưa phải là mua bán thực sự, vì chưa có hàng hóa đi kèm, cho nên thị trường thực hiện giao dịch ký quỹ, mức ký quỹ thấp, khoảng 3 - 10%. Người giao dịch chỉ cần bỏ ra một số vốn rất nhỏ là có thể kiểm soát được một giao dịch, đưa đến thu nhập hoặc bị thua lỗ có giá trị lớn hơn rất nhiều.

Để khắc phục nhược điểm đó của hợp đồng tương lai, đáp ứng nhu cầu đầu tư của số đông, hợp đồng quyền lựa chọn ra đời. Hợp đồng quyền lựa chọn, trước hết cũng là công cụ bảo hộ giá, đặc biệt là bảo hộ giá cho các công cụ đầu tư tài chính, nhưng hấp dẫn hơn, nó còn là công cụ đầu cơ, rủi ro đã được giới hạn và được tính toán. Sử dụng chiến thuật đầu tư đa quyền lựa chọn, hoặc chiến thuật kết hợp, vừa đầu tư cổ phiếu vừa đầu tư vào quyền lựa chọn chính cổ phiếu đó là những giải pháp đầu tư hiệu quả, an toàn, thế giới đã áp dụng hàng trăm năm nay.

Thực tế hoạt động của các thị trường phái sinh trên thế giới cho thấy, thị trường phái sinh đã góp phần quan trọng vào việc bảo hiểm hoạt động đầu tư tài chính, bảo hộ giá hàng hóa, giúp cân đối cung cầu hàng hóa và định hướng sản xuất, đặc biệt là trong nông nghiệp.

 

Không hiểu thì không thể có

Việt Nam tuy là một nền kinh tế nhỏ, nhưng đã là một nước xuất khẩu lớn, nông phẩm xuất khẩu được đánh giá là mặt hàng tiềm năng. TTCK Việt Nam đã qua hơn một thập kỷ hoạt động, nhưng giao dịch vẫn đơn điệu, phổ biến chỉ là cổ phiếu phổ thông và một ít chứng chỉ quỹ đầu tư. Hàng triệu người đầu tư Việt Nam đã và đang đầu tư “chay”, đến nay vẫn chưa có công cụ bảo hiểm.

TTCK phái sinh, phải hiểu thấu vấn đề ảnh 1

Hàng triệu người đầu tư Việt Nam chưa có công cụ bảo hiểm

Thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những hoạt động cho việc ra đời TTCK phái sinh: Năm 1998, Bộ Thương mại có Đề án Phát triển thị trường hàng hóa giao sau về nông sản. Năm 2002, Trung tâm GDCK TP. HCM (nay là Sở giao dịch) hợp tác với một tổ chức tài chính Hoa Kỳ tổ chức Sàn giao dịch kỳ hạn hạt điều. Năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk cho ra đời Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột và Ngân hàng TMCP Techcombank cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch mua bán cà phê trên các thị trường cà phê quốc tế. Năm 2005, Quốc hội ban hành Luật Thương mại, trong đó có quy định giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Năm 2010, Công ty TNHH Triệu Phong cho ra đời Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giao dịch quyền lựa chọn về cà phê, cao su và sắt thép. Năm 2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu xây dựng đề án và tổ chức nhiều cuộc hội thảo về TTCK phái sinh.

Tuy nhiên, cho đến nay, các hoạt động kể trên vẫn chưa có kết quả cụ thể: Sàn giao dịch hạt điều không có phiên giao dịch thứ hai; Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột hiện vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu; Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã phải đóng cửa sàn giao dịch sau gần ba năm khai trương hoạt động; giao dịch mua bán cà phê qua Techcombank có kết quả rất hạn chế, bởi trong hoạt động này, Techcombank chỉ là một tổ chức môi giới của một tổ chức môi giới ở nước ngoài.

Đại văn hào Goethe đã từng nói: “Cái gì bạn không hiểu thì bạn không thể có”. Hiểu không đúng và hiểu lơ mơ cũng là không hiểu. Vậy muốn có thị trường phái sinh, phải hiểu và hiểu thấu đáo vấn đề. Đó và việc đầu tiên phải làm, để có một thị trường phái sinh hiệu quả.