Bà Lê Mai Hương, Nhà đầu tư tại TP. HCM
Tôi không hình dung nổi vì sao thị trường lại xuống mạnh như vậy. Khi VN-Index lên trên 600 điểm, tôi được 1 môi giới mời đầu tư với những hứa hẹn hấp dẫn. Cậu ấy đưa ra những nhận định của nhiều chuyên gia rằng, VN-Index sẽ lên đến 750 điểm vào cuối năm và bản thân công ty của cậu ta có những tin nguồn từ DN, nên chỉ báo đầu tư là rất an toàn. Tôi có 1 tỷ đồng, gửi ngân hàng chẳng được lãi bao nhiêu. Thị trường tăng thực sự là rất hấp dẫn, lãi một ngày có thể bằng tôi gửi tiền tiết kiệm cả năm. Tôi quyết định đầu tư và qua mối quan hệ này, tôi được đầu tư đến 2 tỷ đồng. Từ khi mua cổ phiếu đến nay, chưa ngày nào tôi vui vẻ cả. Giá xuống quá nhanh, mỗi ngày tôi mất vài chục triệu đồng, từ giá trị danh mục giảm và phải trả phí cho khoản vay 1,5 tỷ đồng từ ngân hàng. Hiện tôi rất mệt mỏi vì nếu thoát khỏi thị trường lúc này, đồng nghĩa với việc nhận khoản lỗ hơn 200 triệu đồng. Nhưng nếu tôi không ra khỏi thị trường thì liệu có còn mất tiếp hay không?
Thực sự, tôi không dám quy trách nhiệm gì người môi giới cho mình, vì anh ta là người cùng họ, trước làm ngân hàng, mới chuyển sang làm môi giới. Thị trường quá rủi ro mà tôi lại quá tin người và không kiểm soát được hành động đầu tư của mình.
Ông Nguyễn Hữu Phong, Nhà đầu tư tại Hà Nội
Tôi may mắn khi bán hết danh mục đầu tư tại thời điểm VN-Index ở mốc trên 620 điểm và lãi hơn 5 tỷ đồng, giờ chỉ mong giá xuống tiếp để mua. Đợt thắng đậm này của tôi có sự góp sức của đòn bẩy tài chính. Mức độ sử dụng đòn bẩy đối với tôi gần như không có giới hạn, vì có khi chỉ có 100 - 200 triệu đồng trong tài khoản, nhưng CTCK sẵn sàng cho mua chứng khoán trị giá 3 - 4 tỷ đồng và vài ngày sau mới phải nộp tiền.
Quyết định bán hết chứng khoán vừa rồi của tôi dựa trên mấy suy nghĩ. Đó là, khi VN-Index chạm ngưỡng trên 620 điểm, thì giá nhiều cổ phiếu đã khá đắt, thậm chí có loại rất đắt so với hiệu quả sản xuất - kinh doanh thực của DN. Vậy điều gì xảy ra khi kết quả kinh doanh quý III của các cổ phiếu đang có giá "bong bóng" không được tốt? Rõ ràng là nguy cơ lao dốc không phanh rất khó tránh khỏi. Bởi vậy không có lý do gì nấn ná cầm giữ cổ phiếu tiếp. Hơn nữa, khi thông tin quý III được công bố hết, thì thị trường hầu như không có thông tin hỗ trợ đáng giá nào. Hơn nữa, tuy tình hình kinh thế giới được cải thiện, nhưng trong bối cảnh nhà đầu tư lo sợ thông tin xấu (dù là nhỏ) hơn là tác dụng tích cực của thông tin tốt, thì thị trường sẽ rất nhạy cảm với những thông tin không "đẹp", nên tốt hơn hết là nắm giữ tiền chờ cơ hội mới.
Ông Hoàng Hải Minh, Nhà đầu tư tại Hải Phòng
Tôi kiếm được chút ít khi VN-Index trên 600 điểm. Bình thường tôi sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng 100%, cao điểm lên đến 300 - 400%. Vì tôi giao dịch thường xuyên với số vốn lớn, nên CTCK tạo thuận lợi tối đa cho sử dụng đòn bẩy tài chính, vấn đề là mình dám sử dụng đến đâu mà thôi. Thú thật, sau khi kiếm được chút tiền, tôi tự nhủ tạm thời nghỉ ngơi, nhưng khi thấy VN-Index lùi về gần mốc 570 điểm lòng tham lại nổi lên, nên đã ném gần 8 tỷ đồng, trong đó có 4 tỷ đồng đòn bẩy tài chính "ôm" con TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công. Khi thấy VN-Index xuyên ngưỡng 550 điểm tôi đã cố tháo chạy, nhưng vẫn không thoát được hết. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, mỗi ngày "bốc hơi" hơn 500 triệu đồng, chưa kể chi phí tiền vay. Bây giờ chỉ rình có cơ hội là thoát ra bằng hết, chứ không dám "ôm" thêm. Thực sự thị trường lúc này không biết đâu mà lần.
Ông Ngô Đức Long, Nhà đầu tư tại Hà Nội
Do đầu tư lướt sóng nên "hàng" luôn được quay vòng liên tục. Hiện tỷ lệ tiền mặt/chứng khoán là 50%. Hôm nay, tôi đã mua vào 1 số mã cổ phiếu tốt (thanh khoản cao, có tin tăng vốn, chia thưởng vào cuối năm) giảm hơn đà giảm điểm của thị trường (có mã giảm tới 25% giá trị), với hy vọng khi thị trường tăng trở lại, số cổ phiếu này sẽ lấy lại giá trị đã mất.
Thực tế, thị trường Mỹ đang có xu hướng lên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2 ngày gần đây, đó là những thông tin tích cực. Hiện tại, áp lực cắt lỗ đối với tôi là không lớn, bởi lẽ trước đó, tôi đã thấy được xu hướng thị trường, nên sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức vừa phải.
Ngoại trừ trường hợp các vị quá tham (sử dụng tối đa đòn bẩy tài chính với kỳ vọng quá lớn nên không chịu bán cổ phiếu khi xu hướng xuống được xác lập), hay nhà đầu tư nhỏ lẻ sử dụng đòn bẩy tài chính vượt quá khả năng mới đáng ngại. Sẽ không quá đáng ngại đối với những VIP sử dụng hết khả năng đòn bẩy tài chính, bởi lẽ họ là có tiềm lực tài chính mạnh, cảm nhận thị trường tốt, được hỗ trợ tối đa bởi nhiều công cụ khác nhau: thông tin, làm giá…
Tôi thấy, đòn bẩy tài chính thực sự tốt nếu các nhà đầu tư biết cách sử dụng nó và nhiều nhà đầu tư đã kiếm lời đáng kể, nhân đôi, nhân ba giá trị tài sản của mình. Tất nhiên, cũng có nhiều người bị mất nhiều tiền, mà chủ yếu là do quá tham hoặc do không nắm được thông tin.