Năm 2010, sẽ là hợp lý nếu lựa chọn cách tiếp cận theo từng cổ phiếu cụ thể chứ không phải theo ngành.

Năm 2010, sẽ là hợp lý nếu lựa chọn cách tiếp cận theo từng cổ phiếu cụ thể chứ không phải theo ngành.

TTCK năm 2010: Sự phân hóa sẽ ngày càng sâu sắc

(ĐTCK-online) TTCK Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2010 đang là mối quan tâm của nhiều người và cũng là một câu hỏi khó có lời giải đáp thỏa đáng.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm của 2 năm qua (2008 - 2009), có thể chắc chắn một điều là thị trường sẽ là chiếc gương phản chiếu, bị chi phối và tác động rất nhiều bởi môi trường kinh tế xã hội đặc thù của Việt Nam trong năm 2010. Do vậy, việc “tiên liệu” được bối cảnh tương lai sẽ là một trong những cơ sở rất quan trọng để dự đoán được đường đi của thị trường.

Từ nền kinh tế…

Về các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Cùng với quá trình chuyển trạng thái nền kinh tế từ “suy thoái” sang “phục hồi”, mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế nước ta cũng đã có sự thay đổi về cơ bản, từ “ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế” sang “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, để tạo đà tăng trưởng kinh tế cao hơn, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại” và như thực tiễn năm 2008 và 2009 cho thấy, các chính sách điều hành vĩ mô sẽ được Chính phủ thiết kế và thực thi đồng bộ, bám sát theo mục tiêu ưu tiên đề ra.

Tuy nhiên, con đường phục hồi nền kinh tế sẽ không hề bằng phẳng và còn rất nhiều trở ngại khó lường. Do vậy, các công cụ và chính sách cụ thể sẽ được các cơ quan điều hành vận dụng linh hoạt tùy thuộc vào tình hình cụ thể và con tàu kinh tế Việt Nam sẽ còn phải điều chỉnh nhịp độ trên con đường phục hồi.

Về dòng vốn đầu tư.  Năm 2010 sẽ là năm thử thách đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân vào thị trường các nước mới nổi, trong bối cảnh các nước trên thế giới đang chuẩn bị thực thi chiến lược thoái lui khỏi các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Chính phủ.

Cho đến nay, Việt Nam đã có tiền đề tốt cho cuộc chạy đua này.

Tổng vốn ODA cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2010 đạt con số kỷ lục 8,063 tỷ USD. Nguồn vốn ODA cam kết tăng sẽ làm cho các NĐT an tâm hơn khi biết rằng Chính phủ nước họ tăng thêm viện trợ cho Việt Nam. Điều này sẽ kích thích dòng vốn FDI và dòng vốn FII của các NĐT tư nhân hướng vào thị trường Việt Nam.

Về hoạt động thương mại. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế toàn cầu năm 2010 sẽ tăng 3,1% và thương mại toàn cầu cũng sẽ phục hồi với mức tăng dự kiến khoảng 2,5%. Tuy nhiên, cùng với đó các nước cũng đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và tăng cường bảo vệ thị trường tiêu thụ nội địa bằng các rào cản kỹ thuật và thuế quan.

Để tạo lợi thế cạnh tranh và tạo thuận lợi cho việc thâm nhập vào thị trường, xu hướng hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trên cơ sở các nguyên tắc của WTO đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cho đến nay, 26 nền kinh tế đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, Ấn Độ, ASEAN… đã được ký kết và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2010.

Ngày 14/12/2009, Chính phủ Mỹ đã chính thức trình lên Quốc hội Mỹ kế hoạch nhằm đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 7 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Liệu có tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức mà những hiệp định này mang lại hay không là tùy thuộc vào năng lực của từng DN.

Về giá cả hàng hóa. Ngày 5/1/2010, IMF dự báo giá hàng hóa sẽ còn tăng cao trong năm 2010 khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn.

Đây cũng sẽ là cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nước ta - một nền kinh tế có độ mở lớn với bên ngoài (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng khoảng 1,6 lần GDP).

Trong năm 2010, chính sách giá sẽ được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tức là, giá cả nhiều mặt hàng sẽ được “thả” chứ không “neo” như trước đây. Nhóm hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống như than, điện, nước… tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường.

 

…đến xu hướng thị trường

Về xu hướng của TTCK Việt Nam trong năm 2010. Nhìn chung, môi trường kinh tế vĩ mô của nước ta trong năm 2010, bên cạnh những thách thức, cũng đã mở ra nhiều cơ hội lớn đối với cộng đồng DN.

Tận dụng được cơ hội và đương đầu được với những thách thức hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực nội tại của từng DN.

Sau khi cùng “rơi tự do” với mức sụt giảm lợi nhuận và thua lỗ nặng nề trong năm 2008, các DN đã cùng hồi sinh với mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2009 do “sự giải cứu” của các chính phủ trên toàn thế giới (thông qua các gói kích thích kinh tế khổng lồ và chưa có tiền lệ trong lịch sử).

Nhưng năm 2010 tình hình sẽ không còn như vậy và các DN sẽ phải tự bước trên đôi chân của mình trên con đường phục hồi và phát triển.

Năng lực cạnh tranh và năng lực tài chính sẽ quyết định khả năng tạo lợi nhuận của từng DN trong năm 2010 và đó là lý do TTCK Việt Nam khó có thể tăng trưởng mạnh như đã từng thấy trong năm 2009 và sự phân hóa cổ phiếu sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh như vậy, sẽ là hợp lý nếu NĐT lựa chọn cách tiếp cận theo từng cổ phiếu cụ thể (chứ không phải theo ngành), tập trung vào tương lai tươi sáng của công ty (chứ không phải vào quá khứ huy hoàng mà công ty đã từng có).