TTCK năm 2010: Lạc quan thận trọng

TTCK năm 2010: Lạc quan thận trọng

(ĐTCK-online) Mặc dù trong tháng cuối năm, TTCK Việt Nam đã điều chỉnh giảm do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng nhìn chung với một chu kỳ tăng điểm kéo dài hơn 8 tháng trong những tháng giữa năm, thì năm 2009 là một năm tăng trưởng rất ấn tượng của TTCK Việt Nam.

2009 - bất ngờ và ấn tượng

Nếu tính từ ngày 1/1/2009 đến 31/12/2009 thì VN-Index đã tăng thêm 171,96 điểm, từ 312,49 điểm lên đến 494,77 điểm, tương đương 58%. Nếu tính từ đáy thấp nhất trong năm khi VN-Index ở mốc 234,66 điểm vào ngày 24/2/2009 và đỉnh cao nhất là 633,21 điểm vào ngày 23/10/2009 thì VN-Index đã tăng 2,69 lần. Tương tự, mức tăng trưởng trong năm 2009 của HNX-Index là 60,9%; và nếu so từ đáy thấp nhất 78,06 điểm lên đỉnh cao nhất trong năm 218,38 điểm thì HNX-Index đã tăng 2,79 lần.

Theo chúng tôi, sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10 chủ yếu do: nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã thoát khỏi suy thoái và xác lập đáy trong quý II/2009; Chính  phủ  Việt  Nam  thực  hiện  chính  sách  nới  lỏng  tiền  tệ  nhằm  đối phó với khủng hoảng kinh tế, nên lượng tiền được bơm vào nền kinh tế khá nhiều và một số chuyên gia cho rằng, một phần số tiền từ gói hỗ trợ kích cầu đã chảy vào TTCK; các CTCK tăng cường hỗ trợ công cụ đòn bẩy tài chính cho khách hàng, thậm chí có công ty còn cho sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 1:3, 1:5; một số CTCK cho khách VIP bán chứng khoán khi chưa đủ ngày T+4 giúp việc quay vòng đồng vốn của NĐT tăng nhanh đáng kể…

Các sự kiện tác động lớn đến TTCKVN năm 2009

Các sự kiện tác động lớn đến TTCKVN năm 2009

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố trên thì yếu tố nội tại là kết quả kinh doanh của các DN mới là  nhân tố chính giúp TTCK  hồi  phục mạnh mẽ. Hầu hết công ty niêm yết đều công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm khá khả quan và vượt kế hoạch đề ra, thậm chí nhiều DN đã công bố lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm 2009.

Phần lớn lợi nhuận bất thường của các DN chủ yếu đến từ các yếu tố: chi phí lãi vay giảm nhờ gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ; một số ngành có lợi thế mua được nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ khi nền kinh tế thế giới ở giai đoạn khủng khoảng như nhựa, săm  lốp, thép…; một số DN được hưởng lợi từ hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho; các công ty có các khoản đầu tư tài chính lỗ trong năm 2008 được hoàn nhập dự phòng; đánh giá lại tài sản thông qua việc góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất; giá hàng hóa đầu ra tăng nhưng chi phí đầu vào vẫn được giữ mức thấp như cao su tự nhiên.

Tuy nhiên, như tổng kết ở trên, hầu hết các khoản lợi nhuận của DN tăng lên chủ yếu nhờ hoạt động bất thường chứ không thuần túy đến từ tăng trưởng doanh thu. Sang năm 2010, dự kiến phần lớn các nguyên nhân này sẽ không tiếp diễn nữa.

 

Những hiện tượng nổi bật năm qua

Hiện tượng cạnh tranh của CTCK

Năm 2009 chứng kiến sự đổi ngôi  của  CTCK  trong  cuộc  chiến  giành  giật  thị phần,  nhiều CTCK mới ra đời nhưng đã lọt vào Top 10 thị phần môi giới như Kim Eng, VIS. Phân tích của báo chí cho thấy việc một số CTCK vươn lên vị trí dẫn đầu, một phần cũng từ nguyên nhân các công ty này cho sử dụng đòn bẩy, khiến giá trị giao dịch tăng vọt. Tuy nhiên, đây cũng chính    nguyên nhân khiến thị trường sau đó điều  chỉnh  giảm mạnh gần 30% trong những tháng cuối năm và áp lực khiến UBCK, Bộ Tài chính phải tăng cường kiểm soát.

Đòn bẩy tài chính tăng kỷ lục trong tháng 9 và 10

Mặc dù tốc tăng trưởng tín dụng mạnh nhất vào thời điểm tháng 3 đến tháng 6, nhưng có vẻ như dòng tiền chảy vào TTCK lại diễn ra chậm hơn, khoảng 3 tháng sau đó, từ tháng 9 đến tháng 10. Thời gian này, các CTCK, đặc biệt là các đơn vị có ngân hàng mẹ đứng sau đã tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ công cụ đòn bẩy tài chính cho NĐT.

Các đợt sóng theo ngành diễn ra rất mạnh với thời gian rất ngắn

Các đợt sóng này chủ yếu xuất hiện trong tháng 9 và 10, là thời kỳ khối lượng giao dịch kỷ lục do yếu tố đòn bẩy. Lý do là các CTCK cho khách hàng VIP bán trước ngày T+4, điều nay đã tạo ra những đợt sóng siêu ngắn trên thị trường, khi mức lời đạt kỳ vọng từ 5 - 10% từ một đến hai ngày đã tạo ra những áp lực chốt lời.

Chính  sách  tiền  tệ  nới lỏng đầu  năm  sang  thắt  chặt  vào những tháng cuối năm

Chính sách nới lỏng được mở ra mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 khi các ngân hàng bắt đầu giải ngân gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Trung bình tăng trưởng dư nợ tín dụng trong các tháng giai đoạn này là 3,54%/tháng và dư nợ cho vay chứng khoán và bất động sản cũng tăng vọt. Tuy nhiên, trước lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh lại thì bắt đầu tư nửa cuối năm 2009, Chính phủ đã bắt đầu có những chính sách nhằm thu hẹp dư  nợ tín dụng bằng các văn bản yêu cầu các NHTM kiềm chế dư nợ tín dụng, hạn chế tối đa cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản, và động thái cuối cùng của NHNN là tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% kể từ ngày 01/12.

 

Hướng về năm mới

Với đà tăng của năm 2009, năm 2010 nhiều khả năng vẫn là năm tăng trưởng của TTCK Việt Nam, nhưng tốc độ tăng có thể thấp hơn năm 2009. Chúng tôi cho rằng, có 3 yếu tố lớn hỗ trợ và cũng có 3 yếu tố không có lợi cho thị trường trong năm 2010 so với năm 2009.

Về các yếu tố hỗ trợ…

Thứ nhất, sự phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt sẽ hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cao su tự nhiên, may mặc, đồ gỗ...

Thứ hai, đà phục hồi của DN Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam duy trì được tăng trưởng GDP 5,32% là một thành tích rất ấn tượng so với rất nhiều nước khác  trên  thế  giới. Chúng tôi tin tưởng năm 2010 Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%/năm.

Thứ ba, năm 2010 dự kiến sẽ là một năm có nhiều thay đổi lớn trong các quy định giao dịch, và sẽ rất tích cực với thị trường. Đó là khả năng thực hiện giao dịch ký quỹ, cho phép thanh toán và nhận chứng khoán ngày T+ sớm hơn, khả năng NĐT được mở nhiều tài khoản,  được  phép  mua  bán  cùng loại chứng khoán  trong phiên...

 

… và những hạn chế

Thứ nhất, việc tăng lãi suất và thu hẹp tiền tệ làm giảm dòng tiền vào TTCK. Tuy nhiên, thời gian này dự kiến sẽ chỉ trong quý 1 hoặc cùng lắm là trong quý II/2010.

Thứ hai,  trong  năm  2009,  nhiều DN  thu  được  lợi  nhuận  từ việc  mua hàng hóa cơ bản với giá rẻ, ví dụ như cao su, thép, hóa chất, dầu... Điều này sẽ khó diễn ra trong năm 2010.

Thứ ba, trong năm 2009 có được lợi nhuận lớn từ hòa nhập dự phòng tài chính. Nguồn lợi nhuận này dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm 2010.

Với những tác động tích cực và tiêu cực trên, chúng tôi cho rằng, nửa cuối năm 2010 thị trường sẽ thuận lợi hơn nửa đầu năm. Dự kiến, nửa đầu quý I/2010 thị trường diễn ra thuận lợi trong bối cảnh ổn định lãi suất, đón lợi nhuận quý IV và cả năm 2009 khả quan của các DN. Nửa cuối quý I và có thể sang quý II là thời kỳ điều chỉnh tăng lãi suất,đi kèm với các chính sách tài khóa thắt chặt. Do đó, đây là thời kỳ không thuận lợi cho TTCK. Cuối quý II có thể là giai đoạn cuối của thời kỳ thắt chặt tiền tệ.

Nửa cuối năm 2010 là thời kỳ thuận lợi hơn cho TTCK khi chính sách tiền tệ đã ổn định hơn.