DN đang hào hứng trở lại với kênh huy động vốn qua TTCK

DN đang hào hứng trở lại với kênh huy động vốn qua TTCK

TTCK lấy lại vị thế kênh dẫn vốn

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ năm nay chưa kết thúc, nhưng có thể kể tên một loạt DN lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với kỳ vọng diễn biến và triển vọng tích cực từ TTCK sẽ là bệ đỡ cho các đợt tăng vốn.

Tăng vốn dễ hơn

CTCP Tập đoàn FLC là một trong những DN thực hiện tăng vốn thành công trong năm 2014, vốn điều lệ tăng gấp đôi, đạt 1.543,6 tỷ đồng. Thời điểm nộp tiền mua cổ phần vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, đúng thời điểm TTCK tăng điểm mạnh, thị giá cổ phiếu FLC đạt xấp xỉ 15.000 đồng/CP nên có tới 88% cổ đông hiện hữu nộp tiền mua, số lượng cổ phiếu không bán hết cũng được chào bán dễ dàng cho NĐT khác. Nếu FLC phát hành sớm hơn, vào cuối năm 2013, dễ nhận thấy đợt chào bán khó thành công.

Nhiều DN khác đã và đang triển khai kế hoạch tăng vốn. CTCP Đầu tư FIT đang thực hiện đợt chào bán 34,25 triệu cổ phiếu với giá 10.000 - 12.000 đồng/CP. Bảo hiểm BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 693 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. CTCP Thực phẩm Sao Ta phát hành 6,5 triệu CP cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 195 tỷ đồng. Khoáng sản Fecon phát hành 14,2 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 410 tỷ đồng. CTCP Mai Linh Miền Bắc phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/CP.

Nhóm DN có thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá như Khoáng sản Vinas A Lưới (ALV), CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI)... cũng lên kế hoạch tăng vốn.

Theo một cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), thời điểm này, Ủy ban chưa nhận được nhiều hồ sơ xin phát hành tăng vốn, chủ yếu các hồ sơ được cấp phép thời gian qua là do chuyển từ năm 2013 sang. Tuy nhiên, nhìn vào nội dung họp ĐHCĐ năm nay của các DN có thể thấy rất nhiều kế hoạch tăng vốn, trái hẳn với diễn biến mùa đại hội năm ngoái.

Khảo sát sơ bộ tại các CTCK cho thấy, bộ phận tư vấn đang nhận được nhiều đơn đặt hàng hỗ trợ thực hiện thủ tục tăng vốn cho các DN. Có lẽ, DN đã quá sợ những cơn sốt lãi suất cho vay tới 20 - 25%/năm của ngân hàng hồi năm 2011 - 2012.

Giám đốc tư vấn một CTCK lớn cho biết, huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, lãnh đạo DN cũng chịu sức ép sử dụng đồng vốn hiệu quả, nhưng dễ chịu hơn nhiều so với vay ngân hàng. Triển vọng TTCK 2014 sáng sủa hơn nhiều năm 2013, đây sẽ là bệ đỡ tích cực cho các đợt tăng vốn.

Thận trọng không thừa

Việc DN hào hứng trở lại với kênh huy động vốn qua TTCK là tín hiệu tích cực, cho thấy xu hướng gia tăng mở rộng đầu tư trở lại. Nhìn nhận hoạt động của DN sẽ thuận lợi hơn, nhưng đại diện nhiều CTCK cho rằng, điều đó không đúng với mọi DN, NĐT cần cân nhắc kỹ khi tham gia các đợt tăng vốn. Thời gian để đưa cổ phiếu phát hành thêm vào giao dịch là tương đối dài, NĐT không thể bỏ qua việc phân tích tình hình tài chính trong quá khứ và xem xét tiềm năng trong một vài năm tới của DN.

Đáng chú ý, có một số DN đưa ra phương án tăng vốn đáng ngờ. Đơn cử, CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) xin ý kiến cổ đông phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 5 triệu cổ phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Công ty sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính (sàn giao dịch bất động sản, xuất nhập khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hoá...) và một phần vốn phục vụ các dự án mà đang triển khai dở dang: Khu nhà ở, phòng làm việc Tây Mỗ; Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp ATK tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Điểm đáng ngờ ở đây là trước đó, SHN công bố chuyển nhượng quyền theo đuổi Dự án Khu nhà ở, văn phòng làm việc Tây Mỗ trị giá 75 tỷ đồng. Nay SHN lại lên kế hoạch dùng tiền tăng vốn để đầu tư cho chính dự án mà Công ty đã bán quyền theo đuổi. Chưa hết, SHN phát hành cho NĐT chiến lược với giá cao gấp hơn 2 lần thị giá cổ phiếu trên sàn. Quý I/2014, SHN tiếp tục lỗ, dòng tiền không có tiến triển đáng kể, Công ty có khoản nợ trên 220 tỷ đồng, NĐT nào sẽ chấp nhận mua cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP?

Hiện giá cổ phiếu SHN dao động quanh ngưỡng 5.000 đồng/CP, sau khi đạt trên 7.000 đồng/CP vào cuối tháng 3; trước đó, giai đoạn tháng 7 - 11/2013, giá cổ phiếu này thường xuyên xoay quanh 1.000 đồng/CP. Do đó, có ý kiến cho rằng, kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược với giá cao nêu trên là một chiêu “đánh bóng”, góp phần đẩy giá cổ phiếu SHN tăng mạnh trong thời gian qua và kích thích NĐT mua cổ phiếu phát hành thêm.

Thị trường tăng mạnh, thông tin về việc cổ phiếu A, cổ phiếu B được “đánh lên” và giữ giá để DN tăng vốn thành công xuất hiện không ít. Tuy vậy, theo tổng giám đốc một CTCK, không có cơ sở để tin rằng, đó là những thông tin chuẩn và DN sẽ giữ được giá cổ phiếu nếu xu hướng thị trường không ủng hộ. Bởi vậy, NĐT phải tỉnh táo để bảo vệ túi tiền của mình. Không nên mua cổ phiếu của phát hành thêm nếu DN không có phương án sử dụng vốn hiệu quả.

Tin bài liên quan