TTCK là thị trường của nghiêm minh và lừa bịp

TTCK là thị trường của nghiêm minh và lừa bịp

Sau hơn 8 năm chơi chứng khoán, tôi đã rút ra những cụm khái niệm về TTCK với các mặt đối lập nhau, trong đó có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực.

TTCK là gì? TTCK là thị trường của lòng tin và chán chường; là thị trường của thông tin và bưng bít; là thị trường của nghiêm minh và lừa bịp; là thị trường niêm yết giá và thao túng giá; là thị trường minh bạch và nội gián; là thị trường của luật pháp và vi phạm; là thị trường của quy luật và lên xuống bất thường; là thị trường của đầu tư và đầu cơ; là thị trường giá trị và lướt sóng; là thị trường hốt bạc và rủi ro; là thị trường làm giàu và khuynh gia bại sản; là thị trường hạnh phúc tràn đầy và chia ly bất hạnh; là thị trường niềm vui và cay đắng; là thị trường công bằng và bất công…

Sau hơn 8 năm chơi chứng khoán, tôi rút ra những cụm khái niệm nói trên, bởi đó là những thực tế mà tôi đã trải qua và chắc chắn trong tương lai dài hạn, tình hình vẫn có thể như thế, nếu không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu đối với các vế sau, vế tiêu cực. Mỗi cụm từ trên đều có 2 vế, vế trước là tích cực, vế sau là tiêu cực (chỉ trừ các vế sau của cụm từ "đầu tư và đầu cơ", "giá trị và lướt sóng", vì đầu cơ và lướt sóng trên TTCK là chuyện bình thường, nếu không có đầu cơ và lướt sóng, thì thị trường sẽ không sôi động).

Tôi cho rằng, trên TTCK các nước phát triển, đều có các hiện tượng nói trên, nhưng mặt tích cực của họ nhiều hơn và phổ cập hơn nước ta rất nhiều. Tuy nhiên, TTCK các nước phát triển, vẫn không phải không có những vụ xì căng đan động trời. Ngay ở Mỹ, các tổ chức tài chính lớn như Bank of America, JP Morgan, Goldman Sachs, Citigroup đã biến một loạt tài sản thế chấp của người vay tiền ngân hàng thành chứng khoán và họ (các ngân hàng lớn nói trên) đã bán các chứng khoán này cho 2 tập đoàn khổng lồ là Fannie Mae và Freddie Mac. Các ngân hàng này sau đó đã bị Chính phủ Mỹ cáo buộc là đã bỏ qua khả năng chi trả của người vay tiền, họ cũng không thông báo trung thực về chất lượng chứng khoán thế chấp, khiến thị trường bất động sản của Mỹ bị sụp đổ năm 2008, người vay mất khả năng trả nợ và giá chứng khoán thế giới tuột dốc không phanh…

Nêu lên sự kiện này, chủ yếu tôi muốn minh chứng cho các cụm khái niệm mà tôi đã rút ra ở trên. Trên thực tế chúng ta thấy rằng, kinh tế - tài chính Mỹ và thế giới có thể còn có những biến động bất thường, tuy nhiên, chắc chắn nền kinh tế lớn nhất thế giới này có khả năng vượt qua mọi thách thức và khó khăn, chúng ta có thể từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình và vững bước trên con đường phát triển.

Sự vận động của xã hội cũng như TTCK luôn rất đa dạng và phức tạp. Điều quan trọng mà các nhà đầu tư như chúng tôi mong muốn là làm thế nào để TTCK Việt Nam cũng được như TTCK ở các nước phát triển. Tức là tuy không thể triệt tiêu hoàn toàn những hiện tượng tiêu cực, nhưng mặt tích cực phải luôn nhiều hơn, luôn dẫn dắt thị trường đi lên một cách lành mạnh. Đó là điều mà các nhà quản lý TTCK Việt Nam phải học hỏi, phải nỗ lực hơn nữa, nhất là trong bối cảnh dù đã có một số dấu hiệu tích cực hơn, nhưng niềm tin và sự minh bạch trên TTCK Việt Nam vẫn mong manh như một dấu hỏi lớn.