TTCK không dễ hứng khởi với dòng vốn ngoại

TTCK không dễ hứng khởi với dòng vốn ngoại

(ĐTCK) “Do một số khó khăn của tình hình vĩ mô chưa được khắc phục rõ nét, nên nhiều dự báo cho thấy, TTCK không dễ hứng khởi với dòng vốn ngoại từ nay đến hết năm…”.

Đó là nhận định của ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, CTCK SSI khi trao đổi với ĐTCK.

Báo cáo phân tích của các CTCK gần đây đánh giá, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ đang có dấu hiệu suy yếu, nên dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển mạnh vào khu vực Đông Nam Á. Ông có thể phân tích cụ thể hơn diễn biến này?

Theo một thống kê mới được công bố đầu tháng 7/2012 do Liên hiệp quốc thực hiện, thì dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào châu Âu đã giảm từ 646 tỷ USD/năm trong gia đoạn 2005 - 2007 xuống còn 365 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2009 - 2011. Trái lại, trong giai đoạn này, dòng vốn đầu tư FDI vào châu Á tăng từ 286 tỷ USD/năm lên 374 tỷ USD/năm. Trong đó, luồng vốn chảy mạnh vào các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm 2012 giải ngân được 5,4 tỷ USD, dự kiến cả năm nay sẽ giải ngân khoảng 11 tỷ USD, tương đương năm 2011.

Theo một khảo sát về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) do Bank of America thực hiện, các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu đã cắt bớt tỷ trọng đầu tư của các quỹ vào TTCK Trung Quốc. Ngược lại, họ tăng tỷ trọng đầu tư vào Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo HSBC Việt Nam, dòng vốn FII vào Việt Nam đã tăng khoảng 500 triệu USD trong quý I/2012. Tuy nhiên, theo ước tính mới đây của các chuyên gia, NĐT nước ngoài đã giảm đôi chút khoản đầu tư này trong quý II/2012. 

 

Sự sụt giảm này có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

TTCK Việt Nam còn non trẻ và có rủi ro cao, do rủi ro chính sách, sự thiếu minh bạch của các công ty niêm yết và tính thanh khoản thấp. Từ nay đến cuối năm 2012, tình hình vĩ mô của Việt Nam có vài dấu hiệu cải thiện đáng kể, vì lạm phát và các mức lãi suất sẽ xuống nhiều hơn so với năm trước. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế còn yếu, bởi doanh thu và lợi nhuận của đa số DN tiếp tục giảm, nhu cầu tiêu thụ của người dân chưa tăng trở lại. Điều này dẫn đến lượng hàng tồn kho còn cao, khối lượng sản xuất giảm xuống.

Có hai khó khăn quan trọng khác đang tác động không tích cực đến diễn biến vĩ mô từ nay đến cuối năm. Thứ nhất, NHNN vẫn chưa xử lý được vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Điều này tiếp tục gây khó khăn cho các DN về tiếp cận vốn, nên kết quả sản xuất - kinh doanh chưa dễ được cải thiện, nếu không muốn nói là sẽ xuất hiện thêm những DN thuộc một số nhóm ngành đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Thứ hai, thị trường, cộng đồng NĐT trong và ngoài nước nhận thấy còn ít tiến bộ trong cải cách DNNN. Khi tiến trình này tiếp tục diễn ra chậm, thì không chỉ khó có thêm các DN niêm yết, mà còn khiến NĐT chưa thể lạc quan về việc các nguồn lực của nền kinh tế được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn.

 

Trong bối cảnh không có nhiều yếu tố hỗ trợ như vậy, ông nhận định ra sao về diễn biến dòng vốn ngoại vào TTCK từ nay đến hết năm 2012?

Trong quý II vừa qua, việc khối ngoại giảm nhẹ lượng vốn đầu tư vào TTCK rất có thể sẽ khó có được sự đảo chiều trong những tháng tới, bởi bối cảnh vĩ mô vẫn còn không ít khó khăn. Bởi vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó vào TTCK nhiều trong 6 tháng cuối năm nay.

 

Ngoài sớm tháo gỡ những vướng mắc cũ về thủ tục mở tài khoản, nới room cho NĐT nước ngoài, theo ông, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên ưu tiên triển khai các giải pháp nào để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại cho thị trường cả trong trước mắt lẫn dài hạn?

Để có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới, cần sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, chứ không chỉ là sự vào cuộc của Bộ Tài chính, UBCK. Trước mắt, cần ưu tiên giải quyết hiệu quả tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và đẩy mạnh cải cách DNNN.

Riêng đối với TTCK, cần có các chính sách ổn định và thường xuyên được cải thiện tốt hơn theo diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế; cần sớm cổ phần hóa gắn với niêm yết các DNNN quy mô lớn, có vốn hóa và tỷ lệ tự dự do chuyển nhượng cao, tính thanh khoản tốt hơn.