TTCK hút vốn ngoại bằng sức hấp dẫn riêng

TTCK hút vốn ngoại bằng sức hấp dẫn riêng

(ĐTCK) Triển vọng nới room cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng đang có tín hiện hiện thực hơn.

TTCK Việt Nam đang có yếu tố riêng trong hấp dẫn dòng vốn ngoại, nên ngay cả trong bối cảnh NĐT ngoại đua nhau rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thì 9 tháng đầu năm nay, dòng vốn vào thuần tại TTCK Việt Nam vẫn đạt 404 triệu USD, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Top 5 TTCK đáng đầu tư nhất toàn cầu

Kết quả một cuộc khảo sát ý kiến các NĐT nước ngoài mới đây, theo TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho thấy TTCK Việt Nam hiện nằm trong Top 5 thị trường đáng đầu tư nhất toàn cầu, bất chấp trào lưu NĐT nước ngoài đang đua nhau rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trong bối cảnh Mỹ đang đi gần hơn đến quyết định rút gói kích thích kinh tế QE3, diễn biến thực tế cho thấy, khối NĐT nước ngoài vẫn đang trong quá trình rút vốn đầu tư từ các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Mỹ.

 TTCK hút vốn ngoại bằng sức hấp dẫn riêng ảnh 1

9 tháng qua, lượng vốn ngoại vào TTCKViệt Nam cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái

 

Tuy nhiên, theo ông Alan, trào lưu rút vốn của khối ngoại ít tác động tới TTCK Việt Nam hơn so với các thị trường mới nổi lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines… Với thị trường Việt Nam, trong tháng 7 - 8/2013, NĐT nước ngoài rút khoảng 300 - 400 triệu USD ra khỏi thị trường trái phiếu, trong khi con số này trên thị trường cổ phiếu khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 tới nay, dòng vốn ngoại đã có tín hiệu khởi sắc trở lại. Sở dĩ có diễn biến tích cực này, là do đồng tiền của Việt Nam hiện ít được giao dịch trên thị trường quốc tế, trong khi lạm phát được kiểm soát khá tốt, nên giá trị VND khá ổn định so với USD, trong khi đồng Rupee của Ấn Độ, hay đồng Bath của Thái Lan, đồng Rupiah của Indonesia… mất giá tới trên dưới 10% so với USD trong thời gian qua. Sau khi đã mất giá 1%, dự kiến cả năm nay, VND chỉ mất giá khoảng 2% so với USD. Đây đang là một trong những yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam thành công trong giữ chân và hút thêm dòng vốn ngoại.

Một yếu tố khác khiến TTCK Việt Nam đang được các NĐT nước ngoài xem là một trong những TTCK đáng đầu tư nhất toàn cầu, là chỉ số VN-Index ở thời điểm cuối tháng 9/2013 tăng trưởng tới gần 19% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng so với nhiều TTCK có mức tăng trưởng cao trên toàn cầu trong 9 tháng qua.

“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có thêm những tín hiệu tích cực, trong đó một trong những mối quan tâm lớn nhất của NĐT nước ngoài là việc xử lý nợ xấu đã đi vào thực chất, bắt đầu mang lại kết quả cụ thể, nên từ nay đến cuối năm, VN-Index có triển vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa. Đây cũng đang là yếu tố kích thích dòng vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam nhiều hơn…”, ông Alan nói và cho biết thêm, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và TTCK đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy hơn, nên mang lại triển vọng phát triển mới cho nền kinh tế, cũng như TTCK thời gian tới.

 

Ngóng quyết định nới room

Một yếu tố quan trọng khác cũng khiến dòng vốn ngoại đang chực chờ tìm cơ hội vào Việt Nam, là triển vọng nới room cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng đang có tín hiệu hiện thực hơn.

“Ngay khi quyết định nới room cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán được phê duyệt, chúng tôi sẽ đàm phán ngay với đối tác phía Việt Nam hiện nắm 51% vốn để mua lại thêm 30 - 40% nữa, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại lên 80 - 90%...”, lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tiết lộ và cho biết thêm, thực ra nhu cầu thoái vốn của đối tác Việt Nam đã xuất hiện từ hơn 1 năm nay, nhưng do quy định hiện hành chỉ cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu 49% hoặc 100% CTCK hoạt động tại Việt Nam, nên ý muốn bán cổ phần của đối tác Việt Nam và mong muốn mua toàn bộ lượng cổ phần này của đối tác ngoại bị đình trệ cả năm nay. Phía công ty mẹ của đối tác nước ngoài hiện rất mong đợi phương án nới room được phê duyệt, để sớm triển khai kế hoạch giải ngân. Mức vốn đầu tư này không chỉ bao gồm phần mua lại phần lớn lượng cổ phần do phía đối tác Việt Nam đang nắm giữ, mà còn tăng vốn điều lệ của công ty lên đáng kể, để mở rộng các nghiệp vụ kinh doanh.

“Giới đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm tới ý định nới room trong lĩnh vực ngân hàng lên trên mức 30% hiện tại. Khi điều này được triển khai trên thực tế, sẽ tạo thêm hiệu ứng mới trong thu hút dòng vốn ngoại…”, ông Alan dự báo.