Cổ phần hóa cung cấp hơn 50% hàng hóa cho TTCK
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn đầu, cổ phần hóa DNNN là một trong những tiền đề cho sự hình thành TTCK ở Việt Nam. Việc cổ phần hóa các tổng công ty, DNNN quy mô lớn với phương thức đấu giá công khai trên Trung tâm giao dịch chứng khoán (GDCK) trước đây, nay là Sở GDCK, đã cung cấp cho TTCK một lượng lớn hàng hoá chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; tạo sự phát triển ổn định cho thị trường (do chất lượng cổ phiếu niêm yết tăng lên), hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá chứng khoán trên thị trường (nhờ số lượng doanh nghiệp nhiều, quy mô lớn).
Cụ thể, xét ở khía cạnh cổ phần hóa góp phần mở rộng quy mô của TTCK, không kể hơn 200 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, trong đó có nhiều doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa DNNN, hiện trên hai Sở GDCK có 340 doanh nghiệp được hình thành từ cổ phần hóa DNNN, chiếm trên 50% tổng số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.
Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết của 340 doanh nghiệp trên đạt xấp xỉ 295.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Quy mô của khối doanh nghiệp này liên tục tăng qua từng năm trong thời gian gần đây. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2014, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng khoảng 18%/năm (xem Bảng 1).
Quy mô của các DNNN cổ phần hóa niêm yết tăng chủ yếu từ nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên TTCK thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần rất tốt. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa thực hiện niêm yết đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách cổ phần hóa, đồng thời cơ chế hoạt động theo mô hình mới năng động hơn, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp có nguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, đồng thời có uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua phát hành thêm cổ phần.
Kết quả kinh doanh của các DNNN cổ phần hóa sau niêm yết (Bảng 2) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Bình quân, tổng doanh thu tăng khoảng 3,5%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 8,6%/năm.
Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các DNNN cổ phần hóa niêm yết chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu chiếm từ 75 - 80% toàn thị trường, tỷ trọng lợi nhuận sau thuế chiếm từ 77 - 82% toàn thị trường.
Việc cổ phần hóa các DNNN gắn với niêm yết đã tăng cường sự kiểm tra, giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp (các cổ đông trong và ngoài doanh nghiệp cùng giám sát, nhà đầu tư có cơ hội tiếp xúc nghiên cứu thông qua thông tin trong các bản cáo bạch); tạo áp lực đòi hỏi các doanh nghiệp này phải tiếp cận với phương thức quản trị mới, minh bạch hơn, tự chủ và hiệu quả hơn trong hoạt động; nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu; tăng khả năng huy động vốn để đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh.
TTCK thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa
TTCK ra đời đã hỗ trợ tích cực, thúc đẩy tiến trình đổi mới DNNN, mà trọng tâm là cổ phần hóa. Giai đoạn 2011 - 2013, tình hình cổ phần hóa DNNN và tiến trình thoái vốn nhà nước diễn ra chậm chạp, trong đó có nguyên nhân TTCK diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK, nên tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực (xem Bảng 3).
Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn qua hai Sở GDCK trong năm 2014 tăng mạnh so với giai đoạn 2011 - 2013. Riêng năm 2014, số doanh nghiệp đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn gấp 1,3 lần tổng số doanh nghiệp đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn trong 3 năm 2011 - 2013. Số cổ phần bán được trong năm 2014 tăng 2,4 lần tổng giá trị cổ phần bán được của cả 3 năm 2011 - 2013. Tỷ lệ tổng số cổ phần bán được/tổng số cổ phần chào bán năm 2014 đạt 66%, tăng so với năm 2011 và 2012.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được thực hiện qua Sở GDCK trong giai đoạn 2011 - 2014 cho thấy, nhiều doanh nghiệp không bán được hết số lượng cổ phần chào bán, thậm chí có một số doanh nghiệp chỉ bán được dưới 10% số lượng cổ phần đưa ra đấu giá.
Nguyên nhân là do trong giai đoạn này, tình hình kinh tế đi xuống dẫn đến TTCK sụt giảm, thanh khoản kém nên một số doanh nghiệp nhỏ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia. Điều này một lần nữa thể hiện, khi TTCK khởi sắc thì hỗ trợ tích cực cho tiến trình cổ phần hóa. Ngược lại, TTCK đối mặt với khó khăn, hoạt động trầm lắng thì tác động bất lợi đến nỗ lực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Đặc biệt, năm 2014, nhằm tận dụng hiệu quả hơn vai trò của TTCK trong thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa vốn đang đi vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN.
Nhờ quyết sách mới này cùng với triển khai một số giải pháp đồng bộ khác, hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2015, hai Sở GDCK đã tổ chức 34 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn, với giá trị đạt trên 2.200 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị cổ phần hóa ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 11%; giá trị thoái vốn đạt gần 717 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2014.