Gần 700 DN niêm yết, trên 1,5 triệu nhà đầu tư, hàng trăm tổ chức tài chính trung gian và gần 2 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động qua TTCK, là những con số nổi bật trong dấu ấn 15 năm đầu tiên vận hành thị trường.
Tuy nhiên, so với mục tiêu Chiến lược đến 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, còn nhiều chỉ tiêu phải cố gắng mới có thể tạo nên một thị trường vững chắc và đủ sức hội nhập.
Đi được nửa chặng đường
5 mục tiêu định lượng được đưa ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến 2020 do Thủ tướng ban hành gồm: tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 70% GDP; tái cấu trúc Sở GDCK theo hướng cả nước chỉ có 1 Sở và từng bước cổ phần hóa Sở GDCK; hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin cho TTCK để đi vào hoạt động trước năm 2015; xây dựng thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai (năm 2015) với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, tiếp cận các thông lệ quốc tế; phát triển TTCK phái sinh từ đơn giản đến phức tạp.
Cùng với đó, nhiều mục tiêu quan trọng khác cũng được đặt ra cho TTCK đến năm 2020 như từng bước kết nối Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vào khu vực ASEAN; phát triển thị trường trái phiếu công ty; áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị công ty và xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nhỏ...
Nhìn vào những mục tiêu trên, có thể thấy, TTCK Việt Nam 2015 đã đi được nửa chặng đường để đến đích chiến lược 2020.
Cụ thể, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện khoảng 34% GDP; hoạt động tái cấu trúc 2 Sở GDCK đã có đề án trình Chính phủ; dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trên TTCK đang được Sở GDCK TP. HCM triển khai; TTCK phái sinh đang từng bước được tạo dựng, dự kiến sẽ mở cửa hoạt động vào cuối năm 2016...
Ở vị thế TTCK của năm 2015, chưa có mục tiêu cụ thể nào trong định hướng chiến lược 2020 được hoàn tất, nhưng chặng đường trước mắt còn 5 năm để thực thi các mục tiêu đã định.
Trong Lễ công bố sử dụng điện tín chuẩn ISO15022 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán ngày 21/7 vừa qua - sự kiện được đánh giá là bước nền giúp TTCK Việt Nam hướng đến các chuẩn mực quốc tế, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhận định, 5 năm tới sẽ là khoảng thời gian diễn ra sự thay đổi về chất trên TTCK Việt Nam.
“Mục tiêu của UBCK trong thời gian tới là nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi để hội nhập tốt hơn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn”, ông Sơn nói và cho biết, UBCK đang tiến hành nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Cùng với việc hiện đại hóa tổ chức TTCK, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, thực hiện tái cấu trúc và mở cửa TTCK phái sinh, UBCK sẽ thúc đẩy các DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia TTCK, nâng cao chất lượng quản trị công ty, phát triển sản phẩm mới... “Những giải pháp này sẽ tạo ra sự thay đổi về chất cho TTCK”, ông Sơn nói.
Ở quy mô vốn hóa khoảng 55 tỷ USD vào tháng 7/2015, TTCK Việt Nam bằng 50% TTCK Philippines; bằng 20% TTCK Thái Lan; bằng 15% TTCK Malaysia và chỉ bằng 8% TTCK Singapore. Tuy nhiên, quyết tâm cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết của Chính phủ sẽ giúp TTCK có cơ hội tăng đột biến về quy mô vốn hóa trong 2 năm tới.
Theo kế hoạch, năm 2015, cả nước sẽ cổ phần hóa gần 300 DNNN và hàng trăm DN đã cổ phần hóa phải có lộ trình lên sàn, sẽ tạo nguồn hàng khổng lồ cho TTCK. Đây là lần thứ hai, Chính phủ thể hiện quyết tâm tạo hàng cho TTCK, từ quá trình cổ phần hóa DNNN.
Trước đó, vào năm 2006, Chính phủ cũng đã có biện pháp mạnh khuyến khích các DN đưa cổ phiếu lên sàn khi cho phép áp dụng chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm, giảm 50% thuế này trong 2 năm tiếp theo cho các DN tham gia niêm yết.
Khi quy mô của TTCK cải thiện, ngang bằng với một số quốc gia trong khu vực, TTCK Việt Nam có cơ hội cạnh tranh thu hút các dòng vốn lớn và tính đến bài toán hội nhập trong chặng đường 5 năm tới đây.
Sở GDCK TP. HCM, nơi mở phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam vào ngày 28/7/2000
Niềm tin TTCK Việt Nam sẽ phát triển
Bắt đầu với 2 DN niêm yết là REE và SAM, sau 15 năm hoạt động, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) - nơi đầu tiên vận hành TTCK - hiện có trên 300 DN niêm yết, trong đó 30 DN lớn nhất chiếm khoảng 54% về giá trị vốn hóa tại sàn này.
Thống kê của HOSE cho biết, nhiều DN niêm yết đã huy động được lượng vốn khổng lồ phục vụ cho đầu tư phát triển.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Vingroup, CTCP Cơ điện lạnh, CTCP ITA là 3 DN có mức độ tăng trưởng vốn trên 1.000% kể từ ngày đưa cổ phiếu lên sàn.
Tiếp sau đó, CTCP Kinh Đô, CTCP Cao su Đà Nẵng, CTCP Gemadept, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật CII, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk, Ngân hàng TMCP Sài Gòn -Thương Tín có tốc độ tăng trưởng vốn từ 500%-1.000% kể từ khi chào sàn.
Hàng loạt DN khác, như FPT, IJC, FLC, PVD, SSI, HAG, HPG, HCM, VCB, HVG... có tốc độ tăng trưởng vốn từ 100%-500%, từ việc huy động được vốn từ nhà đầu tư trên TTCK.
Từ nguồn vốn này, các DN đã mở rộng hoạt động, tạo ra hàng nghìn việc làm mới, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước và trở thành những ngôi sao sáng trong khối các DN cổ phần tại Việt Nam.
Sự thành công của nhiều DN gắn với quyết định niêm yết trên TTCK, tạo sức hấp dẫn tự thân của thị trường đối với các DN đại chúng có mong muốn phát triển lành mạnh và vượt bậc.
Chia sẻ với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh nói: “Niêm yết, REE được tất cả”. “Cái được lớn nhất không phải là vốn, mà là được hoạt động trên thị trường phải minh bạch, chịu áp lực cạnh tranh huy động vốn và điều đó cuốn hút REE như một niềm đam mê trên thương trường”, bà Thanh chia sẻ.
Trong khi các DN đại chúng hướng đến việc lên sàn hoặc phải thực hiện trách nhiệm lên sàn theo chỉ đạo của Chính phủ, thì nhà đầu tư quốc tế đang chia sẻ những góc nhìn tích cực về triển vọng TTCK Việt Nam.
Nếu như Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản tháng 4/2014 thu hút được trên 100 tổ chức lớn quan tâm, thì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại New York đầu tháng 7 vừa qua đã có gần 170 nhà đầu tư Mỹ đến tìm cơ hội.
Đặc biệt, một số tỷ phú Mỹ, những người giàu lên từ TTCK, từ quá trình M&A các DN yếu kém, đã có mặt và không ngần ngại nhận định, Việt Nam đang mở ra cơ hội đầu tư rất tốt cho người có tiền.
Tỷ phú Wibur L. Ross, người giàu thứ 200 tại nước Mỹ cho biết, trong cảm nhận của ông, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là đầu tư cổ phiếu khi Chính phủ kiên quyết cổ phần hóa, quyết định nới room và UBCK, Bộ Tài chính quyết tâm giảm các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đang trải qua giai đoạn thay đổi trong mối quan hệ giữa Chính phủ và tư nhân về sở hữu. Đây chính là lúc có thể tìm thấy nhiều cơ hội thú vị”, tỷ phú Ross nói.
15 năm tạo dựng, 15 năm định vị mình trong nền kinh tế Viêt Nam, TTCK Việt Nam đã bước được nửa chặng đường trong mục tiêu chiến lược đến 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Trong chặng đường phía trước, khi cấu trúc TTCK hoàn chỉnh hơn và các chính sách của Chính phủ thúc đẩy các nguồn lực bên ngoài vào phát triển DN, phát triển TTCK, mục tiêu xây dựng TTCK thành kênh huy động vốn trung - dài hạn, công khai, minh bạch và chủ động hội nhập với thị trường tài chính quốc tế sẽ không quá xa với Việt Nam.