TSQ trả lời vòng vo, cư dân Euroland "quyết kiện đến cùng"

TSQ trả lời vòng vo, cư dân Euroland "quyết kiện đến cùng"

"Sốc" trước câu trả lời vòng vo, thiếu căn cứ của chủ đầu tư TSQ, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Làng Việt kiều châu Âu "quyết kiện đến cùng".

Như chúng tôi đã đưa tin, để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại hai tòa nhà T1 và T2 chung cư CT01 – Làng Việt kiều châu Âu Euroland ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), đã gửi đơn khiếu nại tới chủ  đầu tư TSQ Việt Nam.về việc thu thêm tiền chênh lệch mua bán căn hộ theo tỷ giá đô la Mỹ cũng như tiền lãi 24% phạt chậm thanh toán.

Trước  tố cáo của khách hàng làng Việt kiều châu Âu, TSQ Việt Nam đã cử "luật sư ra xin lỗi khách hàng về thái độ không đúng mực suốt thời gian qua. Đồng thời, ủy quyền cho luật sư Lê Thanh Sơn và văn phòng luật sư AIC tiếp quản vụ việc.

Trong công văn gửi khách hàng vào ngày 22/8/2011, văn phòng luật sư AIC một lần nữa gửi lời xin lỗi về những hành xử văn bản gây bức xúc cho khách hàng” trong thời gian qua đồng thời, phúc đáp về tất cả các kiến nghị mà khách hàng mua căn hộ tại dự dán làng Việt kiều châu Âu quan tâm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân: Công văn này về bản chất chẳng khác gì so với những gì mà TSQ đã giải thích trước đây, chỉ “trả lời cho lấy lệ, vòng vo và rất…buồn cười”.

 

Dân “tố” chủ đầu tư chiếm dụng tiền, AIC cho rằng: TSQ thiện chí

Trước đó, khách hàng mua căn hộ tại dự án Làng Việt kiều châu Âu “tố” chủ đầu tư về việc áp lãi suất phạt cao đến 24% và mong muốn TSQ Việt Nam trả lời thỏa đáng cho việc thu phí khủng 24% thay vì 22% như lãi suất do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết.

Công văn trả lời cư dân của chủ đầu tư TSQ do văn phòng luật sư AIC soạn thảo 

 

Nhưng trong công văn mới gửi, luật sư Lê Thanh Sơn (AIC) giải thích: “Việc áp dụng lãi suất phạt chậm thanh toán 24% cao hơn lãi suất do Vietcombank niêm yết, Công ty TSQ chỉ áp dụng những trường hợp chậm thanh toán theo thông báo của công ty TSQ trên 15 ngày, trong khi đó, công ty Công ty TSQ có thể áp dụng khoản 13.1.3 điều 13 của  Hợp đồng bán căn hộ để chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại.

Do vậy, việc áp dụng lãi suất phạt cao hơn mức lãi cho vay do Vietcombank công bố mà không áp dụng quyền chấm dứt hợp đồng là thể hiện thiện chí thực hiện hợp đồng cũng như đánh giá cao sự hợp tác của Quý khách hàng trong thời gian qua....".

Tuy nhiên, theo ghi nhận của người dân: AIC hoàn toàn “né tránh” hay nói cách khác là trả lời vòng vo không đúng trọng tâm của vấn đề. Thậm chí, không ít khách hàng còn bực tức cho rằng: “Với cách giải thích của AIC thì chẳng lẽ, chúng tôi phải mang ơn chủ đầu tư vì đã không chấm dứt hợp đồng?!”.

Thêm vào đó, các cư dân của làng Việt kiều châu Âu khẳng định: “Chúng tôi có ai để quá 15 ngày mới nộp đủ tiền đâu, mới chỉ quá có tối đa là 10 ngày thôi, chưa đủ điều kiện để chấm dứt Hợp đồng”.

Trước lời tố chủ đầu tư chiếm dụng vốn, thu 70% giá trị căn nhà khi chưa xong phần thô, AIC cho rằng: Lời “cáo buộc” này chưa chính xác.

AIC giải thích: “Theo Hợp đồng mua bán căn hộ, Tổng giá trị Hợp đồng bao gồm: Giá trị giai đoạn 1 được ghi trong hợp đồng bán căn hộ và giá trị giai đoạn II (giai đoạn hoàn thiện nội thất) được thể hiện trong Phụ lục Hợp đồng giai đoạn II.

Theo AIC, hiện tại, Quý khách hàng đã nộp 90% tổng giá trị giai đoạn I của Hợp đồng mà chưa nộp tiền giai đoạn II…Trong khi đó, “thực tế giá trị nội thất của một căn hộ chung cư cao cấp hiện nay không thấp hơn 30% giá trị căn hộ, do vậy, số tiền Quý khách hàng nộp cho toàn bộ cả hai giai đoạn vẫn chưa đủ 70% tổng giá trị của hợp đồng và việc vi phạm hay không quy định của luật nhà ở, quý khách hàng phải căn cứ vào nội dung của bản phụ lục hợp đồng giai đoạn II sẽ ký với khách hàng”.

Phản hồi về cách giải thích này, bà T. - cư dân của làng Việt kiều châu Âu cho rằng: Nó “quá ngây ngô và buồn cười” bởi lẽ “hợp đồng không hề đề cập đến giá trị của phần nội thất, vì thế, chúng ta không thể biết phần giá trị thô chiếm bao nhiêu phần trăm”.

Ngoài ra, “giá trị nội thất theo tôi nghĩ không thể là giá trị Hợp đồng được vì chủ nhà có thể tự hoàn thiện không qua chủ đầu tư TSQ!” – Chị Cao Phương Liên nói.

“Nếu nói như LS. Sơn của AIC: Số tiền đã thu không vượt quá 70% vì còn phải hoàn thiện nội thất, điều đó có nghĩa là khi bàn giao căn hộ (đã hoàn thiện) bắt buộc phải có các tiện ích tối thiểu (hay có thể gọi là nội thất) như: tủ lạnh, ti vi, lò vi sóng, máy lạnh, giường, tủ áo, bàn ghế sofa, ... và tất cả những thứ đó đều nằm trong số tiền được thể hiện trong giá trị hợp đồng à? Liệu tôi có thể hiểu như thế được không, thưa luật sư?” – Chị Nguyễn Hoàng Anh chất vấn trên diễn đàn của khu dân cư.

 

Mua nhà theo tỷ giá USD là…do dân tự nguyện?

Tố chủ đầu tư về việc bắt chẹt, thu khống vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi căn hộ khi tính tiền mua nhà theo tỷ giá USD, khách hàng dự án làng Việt kiều châu Âu lại nhận được câu trả lời: Đó là “sự thỏa thuận tự nguyện của các bên tham gia ký kết hợp đồng”.

Văn phòng luật sư AIC lý giải: Tại khoản 3.2a điều 3 của hợp đồng quy định: “Phát sinh được tính tăng hoặc giảm nếu mức điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa đồng Đô la Mỹ và Việt Nam Đồng công bố tăng hoặc giảm 2% so với thời điểm ký Hợp đồng”.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng bán căn hộ, tỷ giá bán ra đồng Đô la Mỹ (USD) của Vietcombank, 1 USD = 17.831 VND. Tỷ giá này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố hàng ngày để áp dụng cho hệ thống các Ngân hàng thương mại Việt Nam .

Đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD bán ra của Vietcombank ngày 19/8/2011 là 1 USD = 20.800 VNĐ, như vậy, tỷ giá giữa USD và VNĐ đã tăng so với thời điểm ký hợp đồng là (20.800 – 17.831)/17.831x100%=16,65% (>2% quy định tại khoản 3.2a điều 3 của Hợp đồng bán căn hộ). Vì vậy, theo luật sư của AIC, công ty TSQ thông báo với Quý khách hàng ký Phụ lục phát sinh Hợp đồng là phù hợp với các quy định trong Hợp đồng mua bán mà Quý khách hàng đã ký kết.

“Việc thỏa thuận phát sinh hợp đồng như trên là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên tham gia ký kết hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự… AIC xin lưu ý Quý khách hàng là khi ký hợp đồng bán căn hộ, Quý Khách hàng đã được xem xét và nghiên cứu kỹ các điều khoản quy định trong Hợp đồng và tự mình ký kết mà không đưa ra bất kỳ một ý kiến nào khi ký hợp đồng” – Luật sư Lê Thanh Sơn nói.

Trước câu trả lời này, người dân vô cùng bất bình và hoàn toàn không đồng tình khi cho rằng đó là “ngụy biện vô căn cứ”.

“Thứ nhất, nếu hiểu theo cách của TSQ và của luật sư thì thực tế, trong hợp đồng không qui định nguyên tắc điều chỉnh cụ thể khi biên độ tỷ giá tăng hoặc giảm 2% hay nói cách khác là không có điều khoản nêu cụ thể cách thức tính phát sinh. Vì thế, nếu có phát sinh thì sẽ phải căn cứ vào thỏa thuận của hai bên như điều 14 mục 1.1.2 của hợp đồng: “....phát sinh của Hợp đồng này trước tiên sẽ được giải quyết thông qua thương lượng hoà giải giữa hai bên....”. Trong các thư trả lời trước, TSQ áp đặt cách tính điều chỉnh giá trị hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của khách hàng là vi phạm hợp đồng” – Chị Phương Liên, đại diện cư dân đưa ra ý kiến phản biện.

Ngoài ra, trước kiến nghị về việc sử dụng USD làm đơn vị để tính giá trị của hợp đồng, vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam , AIC cũng giải đáp không thỏa đáng.

“Chúng tôi mong chờ sự thiện chí của chủ đầu tư nhưng sau công văn này, chúng tôi cảm thấy “sốc” thực sự. Nó gần như bác bỏ mọi cáo buộc của khách hàng và chúng tôi ngầm hiểu: TSQ vẫn coi mình là đúng và sẽ không có bất cứ một động thái nào thay đổi sau hàng loạt những đơn từ và trao đổi giữa 2 bên. Chúng tôi sẽ sớm tiến hành thủ tục để kiện TSQ ra tòa và chúng tôi tin rằng: Chúng tôi sẽ thắng” – Đại diện dân cư Làng Việt kiều châu Âu tin tưởng.