Cùng với đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần xây dựng trong mối quan hệ tổng thể với các văn bản luật khác, để tạo nên cơ chế pháp lý đồng bộ, điều tiết hoạt động của DN.
Hãy trao quyền chủ động hơn cho DN
Luật Doanh nghiệp 2005 dù được coi là bước tiến rất dài, giúp tăng bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, sở hữu cũng như thu hẹp khoảng cách giữa quy định pháp lý của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm áp dụng cho thấy, vẫn còn một số điểm quy định cần phải sửa đổi để đảm bảo tính chủ động cho DN; chặt chẽ, phù hợp về kinh tế cho các giao dịch phát sinh của DN.
Thực tiễn cho thấy, các cơ hội kinh doanh luôn xuất hiện trong quá trình hoạt động của mỗi DN. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, DN phải “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Để tuân thủ quy định này và không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh chưa thuộc phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì DN phải tiến hành đăng ký bổ sung ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005, Điều lệ công ty phải bao gồm ngành nghề kinh doanh, tức là muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh thì phải sửa đổi Điều lệ - là vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (đối với CTCP) và Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH).
Đòi hỏi này sẽ rất phức tạp đối với các công ty có số lượng cổ đông (hoặc thành viên) lớn, nhất là đối với các CTCP đã niêm yết, có số lượng cổ đông hàng ngàn, hàng vạn người, do tốn kém thời gian và chi phí. Hơn nữa, có đến hàng ngàn ngành nghề kinh doanh khác nhau theo phân loại mã ngành cấp 4 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; DN không thể liên tục bổ sung ngành nghề để phục vụ nhu cầu thực tế kinh doanh luôn biến động.
Do vậy, tôi kiến nghị bãi bỏ quy định phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh tại Điều lệ để trao quyền chủ động hơn nữa cho DN, và xa hơn nữa là bãi bỏ quy định phải kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký (chỉ cần quy định đăng ký thành lập DN, không có ngành nghề gì cụ thể, trừ những ngành nghề có điều kiện thì có thể đăng ký để cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kiểm tra có đủ điều kiện chưa).
Cần cụ thể hơn các quy định về hợp nhất, sáp nhập
Điều 152 và 153 Luật Doanh nghiệp 2005 về hợp nhất, sáp nhập DN hiện đang quy định, chỉ những công ty cùng loại mới được thực hiện việc hợp nhất hoặc sáp nhập. Điều này gây nên nhiều khó khăn khi thực hiện trên thực tế, bởi lẽ có nhiều trường hợp mua bán DN, các DN phải thực hiện qua một thủ tục chuyển đổi loại hình trước khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập. Do đó, Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn nữa các quy định về hợp nhất, sáp nhập đối với các DN có loại hình khác nhau. Điều này cũng phù hợp với quy định của nhiều nước trên thế giới.
Bản thân quy định vấn đề sáp nhập DN cũng chưa rõ ràng. Hiện cả Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn đều không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp sáp nhập DN; cơ quan Đăng ký kinh doanh coi việc sáp nhập hai DN là cộng gộp vốn điều lệ của DN bị sáp nhập vào vốn điều lệ của DN nhận sáp nhập.
Theo quy định trên, khi CTCP đã quá thời hạn 90 ngày kể từ thời điểm thành lập thì vốn điều lệ chính là vốn thực góp của các cổ đông, nhưng thực tế cho thấy giá trị vốn hóa thị trường của CTCP có thể lớn hơn rất nhiều vốn điều lệ, nhất là đối với những CTCP đã niêm yết cổ phiếu. Do đó, khi sáp nhập, nếu coi chỉ là cộng gộp vốn điều lệ với mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng thì sẽ dẫn tới việc phủ nhận giá trị vốn hóa thực tế. Tôi cho rằng cần quy định nguyên tắc khi sáp nhập DN phải phản ánh đúng giá trị DN tại thời điểm sáp nhập.
Khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005, tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo cũng phải xem xét đồng thời với dự án sửa đổi Luật Phá sản hiện nay để tạo ra một cơ chế đồng bộ cho việc phá sản, sắp xếp và tái cấu trúc các doanh nghiệp thông qua cơ chế sáp nhập.
Bảo vệ quyền của cổ đông tại DN TS. LS Trịnh Văn Quyết Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005, cổ đông chỉ có quyền được “xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác” mà không có cơ chế bắt buộc HĐQT và Ban Kiểm soát cung cấp danh sách cổ đông. Theo TS.LS Trinh Văn Quyết, nếu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát không hợp tác thì cổ đông, nhóm cổ đông không thể thực hiện được việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường. Ngoài ra, một loạt khó khăn như là: điều kiện tiến hành; chương trình và nội dung đại hội... cũng được quy định chưa hợp lý khiến cho việc tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường của nhóm cổ đông khó có thể thực hiện được. |