Sẽ tăng vốn lên gần 1.500 tỷ đồng
Tại Đại hội, các cổ đông đã thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 1.478,46 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, TSC sẽ tăng vốn lên trên 738 tỷ đồng, dự kiến thực hiện ngay trong quý I/2015. Việc tăng vốn gồm 4 hình thức: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2011 theo phương án đã điều chỉnh, tỷ lệ 7% vốn điều lệ. Cổ đông cũng được chia cổ phiếu theo tỷ lệ 10:6 từ thặng dư vốn cổ phần và các quỹ thuộc nguồn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, TSC sẽ thực hiện chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:2 và thêm 15 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược; 790.645 cổ phiếu cho cán bộ - công nhân viên.
Giai đoạn 2, TSC sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Vốn huy động được từ các đợt chào bán sẽ chủ yếu để đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết (giai đoạn 1 là 374 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 638 tỷ đồng); phần còn lại để bổ sung vốn lưu động (mỗi giai đoạn là 100 tỷ đồng).
Theo Nghị quyết HĐQT của TSC ngày 16/9/2014, TSC sẽ nâng vốn điều lệ các công ty con là CTCP Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood) và CTCP Nông dược TSC lên 500 tỷ đồng; CTCP Hạt giống TSC lên 300 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc TSC đã có đối tác chiến lược cho đợt phát hành này hay chưa? Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT TSC cho biết: “Phương án phát hành riêng lẻ không có trong kế hoạch tăng vốn ban đầu, tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ với đại lý, nhà cung cấp, chúng tôi đã nhận được đề nghị của đối tác, mong muốn trở thành cổ đông chiến lược nhằm tăng tính gắn kết với TSC.
Hiện nay, Công ty đã nhận được đề nghị mua nhiều hơn mức này và cũng đang thương thảo để có mức giá tốt nhất cho cổ đông”.
Kiềng 3 chân: Thực phẩm - Nông dược - Hạt giống
Theo mục đích huy động vốn của 2 đợt phát hành, ngoài 200 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động, TSC dành toàn bộ nguồn lực để đầu tư vào 3 mảng chính mà Công ty hoạch định là thực phẩm (thông qua Westfood), nông dược (thông qua Nông dược TSC) và hạt giống.
Chia sẻ tầm nhìn với các cổ đông, Ban lãnh đạo TSC cho hay, các lĩnh vực mà TSC hướng tới đều là lĩnh vực mà quy mô thị trường quá lớn. “Khi tôi tham gia triển lãm tại Pháp, tôi nhận thấy tiềm năng các lĩnh vực này còn quá lớn. Việt Nam dù là quốc gia nông nghiệp, nhưng lại có thị phần rất nhỏ bé, đầu tư manh mún, không có sức cạnh tranh. Để phát triển ngành nông nghiệp một cách toàn diện, phải có sự tham gia của rất nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp, người làm khoa học…, nhưng tôi cho rằng, tại sao chúng ta phải chờ có sự tham gia đồng bộ đó? Có cơ hội khả thi, hiệu quả cao thì tự mình phải đi đầu tư”, ông Sang lý giải về lý do đầu tư mạnh của TSC trong thời gian tới.
Về mảng nông dược, Nông dược TSC được đầu tư rất bài bản, hiện đại, nhưng trong quá khứ, sau khi nhà máy đầu tư xong thì… công ty mẹ hết vốn đầu tư tiếp; nên công ty này chưa phát triển đúng với tiềm năng của mình. Việc đầu tư tiếp tục vào Nông dược TSC được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá cho TSC trong thời gian tới.
Đối với mảng thực phẩm, Ban lãnh đạo TSC cho biết, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế, nhưng TSC vẫn đang trong giai đoạn… chọn đối tác để bán, chứ không phải đi tìm kiếm khách hàng. “Mỗi ngày chúng tôi nhận được cả trăm đơn hàng, nhưng do quy mô hoạt động vẫn chưa đủ lớn, nên chúng tôi vẫn chọn đối tác nào mua giá cao hơn để bán. Phải tăng quy mô của Westfood lên 10 lần, Công ty mới có thể đáp ứng được hết nhu cầu của các khách hàng hiện tại”, ông Sang nói.
Đối với mảng giống, hiện TSC mới chủ yếu phân phối giống cho một số hãng lớn. Trong kế hoạch kinh doanh giai đoạn tới, Công ty sẽ thực hiện phân phối cho nhiều đối tác lớn cả trong nước và quốc tế.
“TSC sẽ phải trở thành công ty số 1. Đó là cam kết của tôi, của HĐQT với quý vị”, Chủ tịch HĐQT TSC nói.
Lợi nhuận tiếp tục tăng 300% năm 2015
Năm 2013, TSC chỉ lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng. Năm 2014, việc ĐHCĐ thường niên thông qua kế hoạch lãi sau thuế gần 15 tỷ đồng, dù so với quá khứ của TSC là rất khiêm tốn, nhưng so với việc lỗ sốc vào năm 2012, thì lại là mục tiêu không hề đơn giản. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi có sự tham gia của các nhân tố mới vào HĐQT, Ban tổng giám đốc, TSC tiếp tục gây sốc khi đưa ra mục tiêu lãi năm 2014 tối thiểu 55 tỷ đồng.
Thay đổi liên tục kế hoạch lợi nhuận theo hướng tăng lên không ngừng khiến câu chuyện lợi nhuận thực hiện của TSC được các cổ đông đặc biệt quan tâm. Tại cuộc họp ĐHCĐ lần này, một cổ đông băn khoăn, liệu TSC có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 55 tỷ đồng không? Và nếu như năm 2014, lợi nhuận chủ yếu dựa vào việc bán tài sản, thì sang năm 2015, lợi nhuận của TSC có bị giảm trở lại và hiệu quả kinh doanh vốn chủ có đảm bảo lợi ích cho cổ đông?
Trả lời câu hỏi này, ông Sang cho biết, là một doanh nghiệp thành viên của hệ thống F.I.T, TSC cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung là luôn gia tăng lợi ích cho cổ đông, nên đương nhiên những kế hoạch kinh doanh của TSC cũng phải đáp ứng yêu cầu này.
Theo đó, mặc dù 9 tháng đầu năm, TSC mới hoàn thành khoảng 50% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng do đã có điều chỉnh về cơ cấu kinh doanh, tiết giảm chi phí và thanh lý những tài sản không hiệu quả, lợi nhuận của TSC đã bắt đầu tăng đột biến từ quý III/2014.
“Các công ty con và toàn bộ hệ thống kinh doanh phải phấn đấu hoàn thành tối đa kế hoạch lợi nhuận cho Công ty. Ngoài ra, sau khi rà soát toàn bộ hệ thống, chúng tôi cũng thấy TSC có quá nhiều tài sản nằm yên, không sinh lợi cho cổ đông, nên đã được Ban lãnh đạo Công ty lên danh mục tài sản cần tái cấu trúc, thanh lý nhằm tăng năng lực tài chính cho Công ty. Tôi khẳng định, mục tiêu 55 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014 chắc chắn sẽ đạt được”, ông Sang nói.
Về kế hoạch lợi nhuận 2015, ông Sang cho hay, bản thân TSC vẫn còn nhiều tài sản cần thanh lý và sẽ mang lại lợi nhuận cho cổ đông, tuy nhiên, xác định giai đoạn 2015 - 2016 là năm bản lề của đột phá, nên năm 2014, Công ty chỉ bán một phần tài sản, đảm bảo mục tiêu xóa lỗ lũy kế để có thể huy động vốn. Điều này có nghĩa, năm 2015, TSC sẽ tiếp tục có lợi nhuận từ thanh lý tài sản.
Quan trọng hơn, các mảng kinh doanh của TSC được lên kế hoạch sẵn sàng cho mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh từ năm 2015; như mảng thực phẩm sẽ góp khoảng 60 - 70 tỷ đồng; mảng nông dược sẽ góp khoảng 15 tỷ đồng (năm 2014 chưa đóng góp lợi nhuận), mảng giống dù còn non trẻ, cũng dự kiến sẽ đóng góp khoảng 15 tỷ đồng vào lợi nhuận năm. Trong khi đó, các mảng kinh doanh, thương mại khác của Công ty mẹ cũng sẽ được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường các mảng thương mại hiện có và mở rộng ngành nghề kinh doanh.
“Năm 2015, riêng một số mảng lớn đã có thể đảm bảo mức trên 100 tỷ đồng lợi nhuận. Thêm lợi nhuận từ thanh lý tài sản và bán hàng thương mại, con số 150 tỷ đồng lợi nhuận sẽ là mục tiêu khả thi”, ông Sang nhấn mạnh.