TS. Võ Trí Thành: Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp cần đột phá, quyết liệt và nhanh hơn

0:00 / 0:00
0:00
TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) chờ đợi những quyết sách với sự sáng tạo, vượt trội hơn trong sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

Ngày 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc, bắt đầu bàn thảo để quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh chờ đợi, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi nhanh nên là ưu tiên số 1 trong các quyết sách.

Theo lịch trình, trong 4 nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội XV có dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào những chính sách này. Còn ông thì sao?

Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ là tín hiệu tích cực và đáng mừng. Với tinh thần vào cuộc linh hoạt của Quốc hội, có thể kỳ hợp đặc biệt này không phải là duy nhất nếu tình hình còn phức tạp, khó lường.

Lúc này, rất cần những quyết sách nhanh, kịp thời, để xử lý các vấn đề chưa có tiền lệ. Thách thức có không, có, vì có thể các đề xuất chính sách này chưa thể đánh giá hết tác động ở nhiều chiều cạnh, khó đảm bảo sự tròn trịa. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi việc hoạch định chính sách vừa nhanh, vừa hoàn hảo, vừa đảm bảo tuân thủ đúng mọi quy trình như thông lệ được.

Chính sự vào cuộc của Quốc hội, như cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các bên liên quan về các giải pháp cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế sẽ hạn chế bớt những rủi ro từ thách thức này.

Nhưng tôi thực sự chờ đợi những quyết sách với sự sáng tạo, vượt trội hơn trong sự đồng hành này. Trong thế giới đang thay đổi nhanh, nhiều thứ chưa biết đầy đủ, thậm chí không biết, nên đòi hỏi sự sáng tạo, có thể vượt khung, vượt luật để thúc đẩy sự vượt trội, đột phá... Sự vượt trội không chỉ trong nội dung cải cách thể chế mà cần cả tốc độ để đảm bảo bắt nhịp với tốc độ phục hồi và chuyển dịch của thế giới.

Hơn thế, sau những khó khăn vừa qua, tôi rút ra một bài học là không thể chắc chắn được thành công hôm nay sẽ là đảm bảo cho thành công của ngày mai...

Ông đang lo ngại đến điều gì?

Thực tế đang có một số ngáng trở không nhỏ trong việc thực sự cải cách thể chế. Nhu cầu, mong muốn đổi mới, sáng tạo, làm việc tốt hơn có, nhưng nhận thức, tư duy chưa theo kịp với tốc độ thay đổi của thế giới, nên có sự rụt rè. Nhưng cũng có tâm lý sợ rủi ro, sợ sai nên không dám làm, hoặc làm nhưng theo tư duy, chuẩn mực cũ, nên không hiệu quả.

Nhìn lại gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020, một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện chậm, đối tượng hưởng thụ khó tiếp cận dù mục tiêu rất tốt là những điều kiện khó, không phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Lý do theo tôi là do những người thiết kế chính sách không dám đưa ra cách làm mới, không dám thay đổi quy trình, thủ tục hiện hành.

Trong bối cảnh dịch bệnh, khi doanh nghiệp, người dân đang rất cần sự trợ giúp nhanh, thì có thể đặt mục tiêu hỗ trợ đến được đối tượng cần là số 1, là quan trọng, ưu tiên trong thực thi và đánh giá chính sách.

Lần này, với các giải pháp đặc biệt để phục hồi kinh tế, quan điểm của tôi là cần xác định mục tiêu ưu tiên rõ ràng để các bên thiết kế, thực thi chính sách dám làm, dám đưa ra các sáng kiến để hạn chế rủi ro khi thực hiện...

Vừa rồi, tôi đã gặp một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, họ chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ, tựu chung lại 1 điểm là họ có thể đợi 1 năm để làm thủ tục triển khai dự án, chứ 2 hay 3 năm thì lâu quá, họ không thể chờ quá lâu được, mà cơ hội phục hồi cũng không thể chờ được. Tại sao chúng ta không tìm giải pháp để làm làm nhanh hơn?

Nói về cơ hội từ bên ngoài, có thể nói đến sự phục hồi của kinh tế thế giới, dù các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ không đồng đều và còn bất định...

Một điều tôi muốn nhắc đến ngoài xu hướng phục hồi đang nhìn thấy rõ là sự quan tâm của thế giới, của các đối tác lớn đến Việt Nam. Đây là thực tế.

Tất nhiên, có lợi ích kinh tế của các đối tác, vì Việt Nam là một thị trường khá hấp dẫn với quy mô thị trưởng nội địa, tốc độ tăng trưởng tiềm năng nhanh, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh, độ mở kinh tế lớn...

Họ không chỉ quan tâm mà nhiều nhà đầu tư lớn đã hiện hữu. Hơn thế, thông qua các chuyến thăm làm việc của các nhà lãnh đạo đất nước trong vài tháng qua đã ghi nhận thêm nhiều ký kết, cam kết...

Nhưng cũng có thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, khi các chính phủ đang điều chỉnh chính sách tiền tệ, theo hướng siết lại, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của thế giới, có thể chậm lại. Khi đó, việc tận dụng cơ hội của Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn, dịch chuyển dòng vốn sẽ khác..

Khi đó, các chính sách của ta cũng phải khéo léo hơn, nhưng mấu chốt là sẽ phải làm, làm nhanh.

Ông chờ đợi gì vào kỳ họp bất thường lần này?

Ở bên ngoài, đó là sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, công nghệ, từ góc độ quan tâm của đối tác, tiềm năng của đất nước và các dòng vốn hiện hữu của các nhà đầu tư. Trong nước, mong mỏi, khát vọng phục hồi, tăng trưởng rất lớn.

Lúc này, cả Quốc hội, Chính phủ và cả doanh nghiệp cần đột phá, quyết liệt và nhanh hơn.

Trong dòng chảy tốc độ rất nhanh này, đừng để những râu ria làm khó mục tiêu chính. Hơn thế, thiệt hại về chi phí cơ hội vô cùng lớn. Tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế chứ không chỉ nhìn vào rủi ro để xây dựng chính sách.

Tin bài liên quan