Ông đánh giá thế nào về sức khỏe doanh nghiệp (DN) và sức hấp thụ vốn hiện nay?
Hiện tại, sức khỏe của các DN được phân hóa theo nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất gồm các DN hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, luôn được ngân hàng săn đón, chào mời vay vốn (với lãi suất cho vay hấp dẫn, chỉ 7- 8%/năm). Thế nhưng, các DN này lại chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay, mà chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có để tiết kiệm chi phí trước tình hình sức mua của thị trường còn chậm.
Nhóm thứ hai gồm những DN đã vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng và đang cố gắng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các DN này có nhu cầu vay vốn và có điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng, do nợ xấu không nhiều, nhưng lại gặp khó về đầu ra của sản phẩm. Vì thế, các DN này chưa “mặn mà” vay vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhóm DN còn lại gồm những DN có nợ xấu cao, nên dù có nhu cầu vay vốn và có dự án kinh doanh, song các ngân hàng vẫn rất thận trọng khi cho vay, vì lo ngại rủi ro. Vì vậy, dòng chảy tín dụng chưa thể khơi thông, cho dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm.
Theo ông, cần có giải pháp nào để khơi thông được tín dụng?
Hiện tại, nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của DN là sức mua của thị trường còn yếu, kéo theo nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN không tăng, nên vốn tín dụng ngân hàng không đến được nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cũng không thể nóng vội trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế, mà cần kiên nhẫn, cần có thêm thời gian, ít nhất là cuối năm 2014 hoặc sang cả năm sau, tình hình mới có thể dần được cải thiện.
Hơn nữa, các chính sách kích cầu đưa ra cũng đòi hỏi phải có thời gian, độ trễ để phát huy tác dụng, nhưng cũng chỉ tác động đến một phân khúc nào đó của thị trường, chứ không thể làm tăng ngay sức mua. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản đã có gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, cũng chỉ tác động tới phân khúc nhà ở dành cho đối tượng có thu nhập thấp, nên chưa thể kỳ vọng làm tan băng thị trường bất động sản trong thời gian ngắn. Vì thế, các chương trình kích cầu đưa ra cũng đòi hỏi có thời gian để lan tỏa, tác động lên thị trường.
Tình hình này liệu có được cải thiện tốt hơn trong nửa cuối năm nay?
Khả năng hấp thụ vốn của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm nay còn khó khăn, cho dù lãi suất của ngân hàng có thể giảm thêm. Theo tôi, bức tranh này sẽ được cải thiện kể từ cuối quý II trở đi và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay là điều không dễ.
Vấn đề quan trọng hiện nay là, với DN nhóm 2, các ngân hàng cũng cần có những biện pháp để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, để từ đó, có thể thu hồi được nợ xấu. Còn các DN thuộc nhóm 3 là những DN “nợ chồng chất, mất thị trường”, không thể cứu vãn được, nên khó tiếp cận vốn vay và không kỳ vọng hồi phục hoạt động. Thực tế cho thấy, đã có nhiều DN bỏ luôn cả tài sản đảm bảo, nên ngân hàng phải rất thận trọng trong rót vốn.
Lãi suất đã được ngân hàng điều chỉnh giảm, song DN vẫn “kêu” cao, thưa ông?
Ngành ngân hàng đã nỗ lực trong việc cắt giảm lãi suất cho vay, song cũng nên xem xét để giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn so với mặt bằng 11 - 12%/năm hiện nay. Theo tôi, lúc này, lãi suất không còn là yếu tố quyết định trong việc vay vốn của DN, mà chính là sản phẩm có tiêu thụ được hay không. Thực tế, mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh giảm dần xuống mức phù hợp. Vả lại, lãi suất còn liên quan đến lạm phát kỳ vọng (năm nay dự kiến khoảng 6%). Vì thế, khả năng lãi suất huy động khó giảm thêm so với mức trần 6%/năm hiện nay, do đó, ngân hàng cũng sẽ phải cân nhắc và áp dụng mức lãi suất cho vay tùy vào sức khỏe của DN.