TS. Trần Du Lịch
Theo ông, tham nhũng vặt có đáng lo ngại không?
Tham nhũng vặt không phải chuyện vặt vãnh, mà là vấn đề vô cùng lớn. Một khi tham nhũng vặt được, thì khi có cơ hội, chắc chắn họ sẽ tham nhũng lớn. Hơn nữa, nhiều người tham nhũng vặt có thể làm tê liệt cả bộ máy quản lý nhà nước và hậu quả là, thành quả của công cuộc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nguy cơ trở thành “công dã tràng”.
Nhưng người dân, doanh nghiệp dường như coi việc “bồi dưỡng” cho công chức, viên chức khi đến cơ quan công quyền là bình thường?
Tuyệt đại đa số người dân, doanh nghiệp coi việc “bồi dưỡng” là đương nhiên, là “giấy thông hành” khi đến cơ quan công quyền. Thậm chí, việc quà cáp, phong bì cho nhân viên y tế, giáo viên cũng được coi là lẽ đương nhiên, ai không làm bị coi là lập dị. Hành vi “bồi dưỡng” và nhận “bồi dưỡng” khi đã trở thành thói quen, trở thành bình thường trong xã hội thì rất đáng lo ngại, bởi bản chất của hành vi này không phải là “cảm ơn” như người ta thường biện minh, mà là đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Tôi cho rằng, trách nhiệm của báo chí phải lên án, lên án thật mạnh hành vi “bồi dưỡng”, “cám ơn” đó. Báo chí làm sao để cho mọi người phải hiểu rằng, đưa quà cáp cho công chức, viên chức là hành vi hối lộ, vi phạm pháp luật và có thể bị truy tố.
Tham nhũng vặt được đề cập từ lâu, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ bức xúc về vấn đề này. Theo ông, vì sao tham nhũng vặt vẫn là sự nhức nhối mỗi khi người dân, doanh nghiệp phải đến cơ quan công quyền?
Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống văn bản pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng, nên tạo điều kiện cho một bộ phận công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân. Văn bản quy phạm pháp luật hiểu thế nào cũng được nên khi giải quyết công việc, ai “biết điều” thì được vận dụng các điều khoản làm sao đơn giản nhất, nhanh gọn nhất, ngược lại sẽ bị vận dụng các điều khoản khác.
Muốn chấm dứt được tham nhũng vặt, phải xây dựng được một hệ thống văn bản minh bạch, rõ ràng, chỉ được hiểu theo một nghĩa duy nhất và có chế tài xử lý đủ mạnh bảo đảm công chức, viên chức không thể lạm quyền, không dám lạm quyền. Ngoài ra, phải chuyển đổi nền hành chính từ quản lý xã hội sang phục vụ xã hội; coi công vụ là dịch vụ công ích, cơ quan nhà nước có nghĩa vụ, trách nhiệm phục vụ, chứ không coi công vụ là việc mà cơ quan nhà nước ban phát cho người dân.
Nhưng thưa ông, với chế độ lương như hiện nay, nếu công chức, viên chức không tham nhũng vặt thì làm sao sống được?
Một cử nhân, bác sỹ, kỹ sư mới ra trường, làm việc cho cơ quan nhà nước, thu nhập từ lương và một ít phụ cấp là 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, chỉ bảo đảm 40% nhu cầu tối thiểu của họ, chứ chưa nói đến chuyện phải nuôi gia đình. Như vậy, muốn tồn tại, công chức, viên chức phải tìm mọi cách kiếm thêm bằng nhiều cách, trong đó có cách lợi dụng công việc để kiếm thêm thu nhập. Tôi cho rằng, chắc người dân cũng biết điều này, nên khi có việc “nhờ vả”, họ sẵn sàng “bồi dưỡng” và coi đây như việc trả thêm lương cho công chức, viên chức.
Vì thế, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống văn bản minh bạch, rõ ràng, có chế tài xử lý đủ mạnh với trường hợp tham nhũng, thì bắt buộc phải tinh gọn bộ máy, có cơ chế lương, phụ cấp, phúc lợi xã hội xứng đáng với công sức của những người làm việc trong bộ máy công quyền. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tham nhũng vặt.
Lương tối thiểu 2 năm nay không được điều chỉnh, thu nhập của công chức, viên chức không thay đổi, song tham nhũng vặt đã giảm ở một số địa phương. Theo ông, vì sao vậy?
Chỉ ở nơi nào chính quyền địa phương nhận thấy, tham nhũng vặt đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp, làm mất cơ hội thu hút đầu tư và ngáng trở quyết tâm cải cách hành chính, thì ở đó, tham nhũng vặt mới giảm.
Doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nam chỉ cần bỏ vốn, còn mọi thủ tục hành chính từ khi có ý định đầu tư cho đến khi đi vào sản xuất, kinh doanh đều được chính quyền thực hiện, bảo đảm đúng thời gian, doanh nghiệp không mất thêm bất cứ chi phí không chính thức nào cả. Ở Bình Định và một số nơi khác cũng vậy, khi đến đầu tư, doanh nghiệp chỉ thực hiện ở một đầu mối duy nhất và không phải “bôi trơn” cho bất cứ công chức, viên chức nào.
Tuy nhiên, những địa phương ít tham nhũng vặt như vậy không nhiều và cũng sẽ rất khó duy trì môi trường trong sạch này, nếu không cải cách nền hành chính đồng bộ từ thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy và con người. Nếu thủ tục được ban hành rõ ràng, minh bạch, nhưng vẫn duy trì bộ máy cũ, thu nhập của công chức, viên chức không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, thì chưa thể chống được tham nhũng vặt.