Đồng thời, phía NHNN cũng nên điều chỉnh tỷ lệ trích dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt mà các ngân hàng nhận về sau khi bán nợ xấu cho VAMC, nhằm giảm áp lực chi phí, tạo điều kiện để ngân hàng hạ lãi suất đầu ra.
Xin ông cho biết đánh giá của mình về tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng hiện nay?
Khả năng nợ xấu vẫn gia tăng, nhưng chúng ta cũng không nên kỳ vọng sớm xử lý được nợ xấu mà quan trọng hơn là làm thế nào để kiểm soát được nợ xấu phát sinh chậm hơn tiến độ xử lý nợ xấu. Thực tế, nợ xấu phát sinh là bình thường và là bạn đồng hành của các NHTM, bởi bản chất hoạt động của các NHTM là kinh doanh rủi ro.
Nợ xấu tăng nhanh thời gian gần đây một phần do các NHTM phải áp dụng quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 09. Nhưng ngoài việc tăng cường bán nợ xấu cho VAMC, thu hồi tiền mặt và phát mãi tài sản… các ngân hàng cũng đã nỗ lực lớn trong việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, nếu nợ xấu nằm trong phạm vi kiểm soát của các NHTM thì cũng không có gì đáng để quá lo ngại.
Giảm tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ giúp ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay
Một vấn đề được NHTM kiến nghị hiện nay là nên xem xét giảm dự phòng rủi ro 20% đối với trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC, liệu có khả thi?
Tôi cho rằng, đây là một kiến nghị rất hợp lý. Vì nếu sau khi bán nợ cho VAMC, các NHTM nhận được giấy nợ là trái phiếu đặc biệt, nhưng vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cũng là điều hết sức khó khăn đối với họ.
Kể từ khi áp dụng Thông tư 09, nếu khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng A trở thành nợ xấu thì khoản vay của doanh nghiệp đó tại ngân hàng B dù chưa rơi vào nợ xấu, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng rủi ro. Nói cách khác, nếu một doanh nghiệp vay vốn ở 2 - 3 ngân hàng, nhưng 1 trong 3 khoản vay đó có nợ xấu thì các khoản vay còn lại cũng phải trích dự phòng.
Do đó, nếu giảm được tỷ lệ trích dự phòng rủi ro và tháo gỡ thủ tục thanh lý tài sản đảm bảo thì sẽ bớt được khó khăn cho các ngân hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động giảm, nhưng các ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay rất nhỏ giọt, nên khả năng sinh lời trong hoạt động tín dụng vẫn lớn, ông nghĩ sao về chuyện này?
Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay theo tôi là đã phù hợp. Duy chỉ còn lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn là rào cản đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn. Các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có những kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn để từ đó tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn so với mặt bằng trên 11%/năm hiện nay.
Hiện có một chốt chặn được các NHTM kêu khó cho tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn là họ chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ý kiến của ông?
Theo báo cáo của các NHTM, hiện vốn trung, dài hạn chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng. Điển hình trên địa bàn TP. HCM, tỷ lệ vốn cho vay, trung dài hạn chiếm trên 50% tổng dư nợ tín dụng. Đây là điều đáng mừng.
Trong khi đó, hiện chúng ta vẫn có một chốt chặn là các NHTM chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Nhưng hiện nguồn vốn huy động kỳ hạn ngắn chiếm đến 85% tổng vốn huy động của các NHTM. Như vậy, các ngân hàng chỉ có thể sử dụng được một tỷ lệ rất ít vốn huy động để cho vay trung, dài hạn.
Do đó, theo tôi, phía NHNN cũng cần nghiên cứu, chẳng hạn như tái cấp vốn trung, dài hạn, hạ lãi suất tái chiết khấu… để hỗ trợ các ngân hàng có thêm điều kiện trong việc phát triển vốn trung, dài hạn, giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện lãi suất cho vay trung, dài hạn cũng còn cao so với mặt bằng lạm phát, trên 11%, cho dù lãi suất huy động liên tục giảm. Vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này bằng cách xem xét nới tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay trung, dài hạn, đồng thời giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn.