Mùa Xuân năm 2003, ông Phạm Đức Trung Kiên đã được Nhà Trắng giao trọng trách xây dựng chương trình Vietnam Education Foundation (VEF) nhằm đào tạo các nhà khoa học trẻ tuổi Việt Nam tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ. Từ đó tới nay, ông nỗ lực và miệt mài đi - về giữa Mỹ - Việt Nam để chương trình được thực hiện có hiệu quả.
Ông Phạm Đức Trung Kiên hiện đứng đầu tổ chức từ thiện xã hội Vietnam Foundation với các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục tại Việt Nam. Là nhà đầu tư ở Việt Nam và là cố vấn cao cấp của quỹ đầu tư hàng đầu Hoa Kỳ - TPG (quy mô 75 tỷ USD), ông Kiên cũng đã đầu tư vào các công ty tên tuổi ở Việt Nam như Vinamilk, FPT, Masan, VMG…
Đối với tôi, giáo dục là con đường duy nhất và ngắn nhất để có thể tự giải phóng khỏi sự nghèo khó của cá nhân.
- TS. Phạm Đức Trung Kiên.
Ông cũng đồng thời là Phó chủ tịch và cổ đông sáng lập của Công ty giáo dục Topica tại Việt Nam và là cố vấn cho công ty giáo dục GotIt! nổi tiếng tại Silicon Valley.
Ông Kiên có bằng cử nhân ngành International Marketing tại University of Colorado - Boulder và hai bằng thạc sĩ MBA và MA tại Stanford University - nơi ông đã được vinh danh là một trong số 100 cựu sinh viên thành công nhất trong lịch sử 100 năm đầu của trường đại học lừng lẫy này.
Hiện sống cùng vợ và 3 con tại TP.HCM, nhưng những ngày cuối năm 2016, ông đã quay trở về Mỹ để hưởng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh cùng gia đình. Bởi thế, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Kiên phải thực hiện thông qua Skype và hẳn nhiên, bắt đầu bằng câu chuyện về VEF…
Ông được mệnh danh là “người kết nối giáo dục Việt - Mỹ”. Mọi việc bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Có thể nói, giáo dục là niềm vui, là mùa xuân trong cuộc đời của tôi. Nền tảng và niềm tin vào giáo dục bắt nguồn từ sự đầu tư của bố mẹ tôi, gia đình tôi, thầy cô và xã hội Việt Nam trong suốt 18 năm đầu của cuộc đời, trước khi tôi có cơ hội đặt chân đến Mỹ vào mùa thu năm 1977.
Tại Mỹ, tôi may mắn gặp được những người Mỹ tốt bụng, họ đã khuyến khích và hướng dẫn tôi trong suốt quá trình học tập tại đó. Hiểu về vai trò quan trọng của giáo dục đối với việc phát triển con người, tôi tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm giúp các bạn trẻ ở Việt Nam có được cơ hội học hành trong nước cũng như tại những trường đại học xuất sắc ở Mỹ.
Từ nhận thức đi đến tư duy quan điểm, rồi đến hành động cụ thể, tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng những cây cầu nối liền Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
Được biết, ông từng làm nhiều công việc khác nhau, từ những công việc chân tay đến trợ lý cho các quan chức tại Nhà Trắng. Việc này có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của VEF?
Có thể do tính lạc quan, tôi thấy công việc nào của mình cũng có những điểm thú vị và những kỷ niệm hay. Nhưng thú vị nhất có lẽ là khi thấy niềm tin của mình đã được thực tế chứng minh bằng kết quả tốt đẹp.
Khi tôi bắt đầu xây dựng VEF từ con số 0, rất nhiều người cho rằng, Việt Nam không có những sinh viên ưu tú có đủ trình độ để được nhận vào những trường đại học hàng đầu tại Mỹ như MIT, Harvard, Stanford, Berkeley…
TS. Phạm Đức Trung Kiên
Họ đều là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và họ đều cho rằng, chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cho Việt Nam của chúng tôi sẽ thất bại. Nhưng cá nhân tôi lại có niềm tin khác hẳn.
Tôi tin rằng, mặc dù đất nước còn lạc hậu và xã hội vẫn đang có nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều tài năng trẻ có thể cạnh tranh tại các trường đại học nổi tiếng của Mỹ.
Đối với tôi, chìa khóa của vấn đề là quy trình tuyển lựa nhân tài. Quy trình này cần đảm bảo 3 yếu tố: mở, minh bạch và công bằng. Thêm vào đó, không có bất cứ quyền lực hoặc yếu tố tiêu cực nào có thể can thiệp vào quy trình này.
Và kết quả như thế nào, thưa ông?
Vượt qua bao khó khăn của những ngày đầu, tôi đã xây dựng được một quy trình đúng đắn cho VEF, và chỉ trong vòng 2 năm đầu tiên, đã có hơn 100 nhân tài Việt Nam được các trường đại học hàng đầu ở Mỹ đón nhận vào các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ tốt nhất trên thế giới. Đây là một thành quả tuyệt vời không những cho tôi, mà còn cho hơn 100 gia đình của các bạn trẻ ưu tú đó, và cho các thầy cô đã có công đào tạo ra những bạn trẻ đó.
20 năm không phải là một quãng thời gian ngắn, và tôi đã bắt đầu nhìn thấy những kết quả cụ thể từ những nỗ lực của tôi, gia đình và bạn bè. Tuy mới chỉ có những bông hoa đầu tiên được đơm, nhưng tôi tin rằng, mùa xuân đang đến với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam, và từ những nụ hoa của hiện tại, chúng ta sẽ có những trái ngọt trong vòng 15 năm sắp tới.
Nhưng chương trình VEF sẽ kết thúc vào năm 2018. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Theo đạo luật dành riêng cho chương trình VEF, cam kết tài trợ 5 triệu USD mỗi năm của Quốc hội Mỹ sẽ chấm dứt vào năm 2018 và VEF sẽ phải đóng cửa.
Có thể nói, qua chương trình VEF, Chính phủ Mỹ đã giúp Việt Nam mở được cánh cổng đưa các tài năng Việt Nam vào những trường xuất sắc nhất ở Mỹ. Bước kế tiếp tùy thuộc hoàn toàn vào người Việt Nam. Các tài năng trẻ Việt Nam có thể trực tiếp nộp hồ sơ vào các chương trình đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ tại các trường đại học đã quen thuộc với các tài năng VEF. VEF sẽ có những chương trình cụ thể để hỗ trợ các tài năng trẻ này.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam hoặc một nhóm các doanh nhân thành công trong nước cũng có thể chung tay đóng góp để thành lập một chương trình học bổng tương tự như VEF. Tôi đã vận động được Viện Hàn lâm Hoa Kỳ sẵn sàng chung tay hỗ trợ một chương trình mới nếu có nguồn tài trợ từ trong nước.
Đầu tư 5 triệu USD/năm cho chương trình đào tạo các nhân tài trẻ trong ngành công nghệ là một khoản đầu tư “đáng đồng tiền bát gạo” và sẽ không bao giờ thất bại.
Nhìn lại, ông có hài lòng về những gì mình đã làm được cho giáo dục Việt Nam?
Công việc của mình chưa xong, chưa hoàn tất nên khó có thể dùng chữ hài lòng. Tuy nhiên, tôi rất vui và cũng rất hãnh diện về những thành công của các bạn trẻ mà tôi đã có may mắn góp tay hỗ trợ và khuyến khích họ trong việc học tập.
Đây là những con người sẽ tạo ra sự khác biệt và góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội Việt Nam và đặt Việt Nam vào một vị trí đáng khâm phục, sánh vai cùng các nước văn minh khác trên thế giới.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tặng tôi một bức thư pháp với dòng chữ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Có lẽ, tôi cần thêm 100 mùa xuân nữa mới có thể thốt lên 2 tiếng “hài lòng”. (cười).
Nếu không gọi bằng tên thật, ông muốn được mọi người gọi bằng biệt danh nào khác?
Tôi chỉ là người đi xây cầu. Mỗi cây cầu đều có một cái tên riêng của nó, còn người xây cầu thì thông thường vẫn là người vô danh. Và tôi tự mỉm cười với sự vô danh mặc định đó.
Là người trưởng thành trong môi trường giáo dục Mỹ, đồng thời cũng là người sáng lập VEF, ông nghĩ thế nào về những hạn chế trong ngành giáo dục Việt Nam?
Đối với tôi, một nền giáo dục tốt cần có 3 yếu tố chính: thầy tốt, trò tốt và giáo trình tốt. Chúng ta thực sự không cần những khuôn viên đại học nguy nga, những cơ sở vật chất quá đắt tiền, mà nên tập trung vào 3 yếu tố nói trên.
Rất may mắn là hiện nay, qua những chương trình học liệu mở quốc tế như VOER, OCW, OpenStax, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận những giáo trình tốt nhất trên thế giới. Tất cả các giáo trình này đều được cung cấp miễn phí trên Internet. Nhờ thế, chúng ta có thể tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng thầy tốt và trò tốt. Khó có thể là thầy tốt nếu người thầy phải dạy theo kiểu “chạy show” ở 3-4 trường đại học khác nhau nhằm kiếm đủ thu nhập cho gia đình.
Khó có thể là trò tốt nếu mỗi kỳ thi lại phải gom góp tiền phong bì cho thầy thay vì tập trung học tập. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế và mạnh tay chấm dứt những hành động tiêu cực dễ dẫn đến sự xuống cấp về chất lượng và đạo đức của nền giáo dục trong nước.
Đối với tôi, giáo dục là con đường duy nhất và ngắn nhất để có thể tự giải phóng khỏi sự nghèo khó của cá nhân. Giáo dục tốt cũng là con đường để Việt Nam tiến tới thành công trong tương lai.
Là một trong những người Việt thành công nhất tại Mỹ, ông Kiên đã từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan, trong vai trò trợ lý đặc biệt phụ trách các hiệp định thương mại quốc tế và đã được Tổng thống Reagan biểu dương trong một bài diễn văn tại Nhà Trắng vào mùa thu năm 1985. Khi đó ông Kiên mới 27 tuổi.
Năm 31 tuổi, ông được Tổng thống George Bush bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc, làm việc tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh thế giới.
Trong thời gian này, ông tham gia Ban chỉ đạo chiến lược của kế hoạch giải phóng Kuwait và tái lập ổn định tại vùng Trung Đông năm 1991.
Ông cũng đã từng là một trong những nhà quản lý trẻ tuổi của đại công ty Procter & Gamble (P&G), và là Phó tổng giám đốc phụ trách toàn khu vực Á châu của Tập đoàn Tenneco, nằm trong danh sách Fortune 50 trên thế giới.