TS. Nguyễn Sơn và cái duyên chuyên lo đề án

(ĐTCK) Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2016 và triển khai với lộ trình hợp lý nhằm tránh gây xáo trộn cho thị trường.

LTS: Ngày 1/9/2016, TS. Nguyễn Sơn được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Trước đó, TS. Nguyễn Sơn đã có gần 20 năm gắn bó với Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dưới đây là chia sẻ của ông về một số công việc tại cơ quan cũ - đơn vị chịu trách nhiệm về xây dựng các đề án, chiến lược và chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán.

Năm 1990, tôi vào làm việc tại Viện Nghiên cứu tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là chuyên viên, biên tập viên Tập san Ngân hàng (tiền thân của Tạp chí Ngân hàng ngày nay). Vì công việc nên tôi thường xuyên qua lại Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính - một đơn vị rất mạnh trong nghiên cứu về thị trường tài chính quốc tế, để tìm kiếm tài liệu về thị trường vốn. Đây cũng là căn nguyên để tôi có những định hướng sau này khi đam mê lĩnh vực thị trường vốn và làm nghiên cứu sinh về thị trường vốn.

Tháng 4/1997, theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi được chuyển sang làm việc ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cụ thể là Vụ Phát triển thị trường chứng khoán. Vụ này có nhiệm vụ xây dựng các đề án, chính sách, khung pháp lý cho việc ra đời và vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ duyên đến với tôi như là một định mệnh gắn với các đề án.

Tôi nhớ vào cuối năm 1997, khi chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tờ trình của Bộ Tài chính về xây dựng Trung tâm mua bán cổ phiếu để hỗ trợ công tác hậu cổ phần hóa là “giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu”.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao Vụ Phát triển thị trường nghiên cứu xây dựng đề án Trung tâm giao dịch cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam. Đây là nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM năm 2000.

Việc ra đời và đi vào vận hành Trung tâm Giao dịch chứng khoán gắn liền với sự hỗ trợ chân tình của các chuyên gia quốc tế, trong đó có các chuyên gia của Hàn Quốc. Lúc đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có Vụ Pháp chế như bây giờ, các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đều do Vụ Phát triển thị trường chịu trách nhiệm xây dựng.

Có lẽ, sẽ không kể hết nỗi vất vả của chúng tôi như thế nào, từ một anh gần như “i tờ” về thị trường chứng khoán bỗng dưng trở chuyên gia, vừa học, vừa hỏi các bạn quốc tế, vừa làm… vừa dạy các thành viên thị trường. Ngày đó, chúng tôi sống và làm việc với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ của sự đam mê với một ngành, một lĩnh vực mà trước đây được xem là “một thiết chế riêng có của chủ nghĩa tư bản”.

TS. Nguyễn Sơn và cái duyên chuyên lo đề án ảnh 1

 TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

Nhóm đề án thứ hai mà chúng tôi triển khai xây dựng là hai đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Đề án thứ nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quyết định số 163/QĐ-TTg về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2015 và đề án thứ hai là Quyết định số 252/QĐ-TTg về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.

Với hai đề án này, chúng tôi khá vất vả và lúng túng, bởi lẽ làm đề án cho 5 năm, 10 năm với một ngành non trẻ là quá khó. Nhưng dưới sự chỉ đạo của bác Lê Văn Châu, anh Nguyễn Đức Quang, anh Trần Xuân Hà, anh Vũ Bằng..., cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đề án thứ ba mà chúng tôi xây dựng đó là đề án Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt nhằm tập trung, thống nhất trong việc tổ chức thị trường trái phiếu chính phủ từ khâu đấu giá (phát hành sơ cấp) cho đến niêm yết, giao dịch thứ cấp. Nhiều năm qua, thị trường trái phiếu chính phủ có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho xây dựng đất nước và bù đắp phần nào thiếu hụt ngân sách tạm thời hàng năm.

Đề án thứ tư là Tổ chức giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Đây là sàn giao dịch cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoặc được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhưng không đủ điều kiện niêm yết, hoặc cần có thời gian tập dượt trước khi lên niêm yết.

Với cơ chế giao dịch đơn giản, dựa trên hình thức công bố báo cáo tài chính và công bố thông tin ở mức hợp lý, doanh nghiệp có thể đăng ký lên hệ thống UPCoM để cho các nhà đầu tư dễ dàng giao dịch và thanh toán, chuyển quyền sở hữu qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Có thể nói, việc ra đời mô hình UPCoM là kết quả nghiên cứu các mô hình đăng ký thông tin giao dịch trên thế giới “pink sheet’, hay “bulletin board” và thực tiễn của Việt Nam sau thời gian dài thị trường tự do (chợ đen) hình thành tự phát, với nhiều rủi ro lừa đảo, giả mạo.

Đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh khung pháp lý cho UPCoM, vai trò của thị trường này ngày càng lớn trong việc thu hẹp thị trường tự do để đưa vào quỹ đạo quản lý và giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Đề án thứ năm mà chúng tôi xem là phức tạp nhất và có sự chuẩn bị mất nhiều thời gian nhất cho hình hình thành một thị trường mới, đó là Đề án Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Bởi lẽ, đây là sản phẩm tài chính có hiệu ứng đòn bẩy cao, lợi ích lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát thì có thể dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính.

Trên nền tảng đề án, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh đến năm 2020 và ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Quyết định cho ra đời thị trường chứng khoán phái sinh trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở Việt Nam hoạt động được 15 năm là một bước tiến bộ rất lớn. Theo thông lệ trên thế giới, thị trường chứng khoán phái sinh thường được ra đời rất muộn so với thị trường chứng khoán cơ sở và nhiều quốc gia trong khu vực mất hàng thập kỷ nghiên cứu để xây dựng hình mẫu cho thị trường này.

Hiện nay, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán hoàn tất những công việc cuối cùng để có thể quý I/2017 chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh với lộ trình phát triển các sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp là bước đi thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đề án thứ sáu mà chúng tôi triển khai cũng mất khá nhiều thời gian, đó là đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai Sở Giao dịch chứng khoán hiện tại là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc tái cấu trúc tổ chức thị trường không chỉ đặt ra đối với yêu cầu của Việt Nam, mà hiện nay còn là một xu hướng phổ biến trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…).

Việc tổ chức lại mô hình tổ chức giao dịch chứng khoán trên cơ sở hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán và tổ chức phân định lại các khu vực của thị trường là thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường chứng khoán phái sinh, giúp cho thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả, tiết giảm được các chi phí cho các thành viên thị trường. Hiện nay, đề án đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2016 và triển khai với lộ trình hợp lý nhằm tránh gây xáo trộn cho thị trường.

Có thể nói, trong gần 20 năm làm việc tại Vụ Phát triển thị trường (trong đó gần 10 năm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường), bên cạnh nhiệm vụ công việc phải triển khai, điều mà chúng tôi yêu thích là được tiếp cận và xây dựng các sản phẩm mới, chính sách mới và thị trường giao dịch các sản phẩm mới. Trong đó, được tiếp cận với các bạn chuyên gia nước ngoài giúp đỡ trong suốt nhiều năm, không chỉ chúng ta học hỏi được kinh nghiệm chuyên môn, mà còn phương thức, phong thái làm việc trong một môi trường mới đòi hỏi sự quyết đoán, tính trách nhiệm và áp lực lớn. 

Gần 20 năm qua, đối với những người làm công việc tham mưu hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược cho phát triển thị trường chứng khoán, chúng tôi tự hào vì đã có những đóng góp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tin bài liên quan