Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, trong khi chờ khung pháp lý hoàn thiện, bản thân DN cần chủ động xây dựng hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) dựa trên đặc thù riêng của DN và lĩnh vực mà DN hoạt động.
UBCK đã có hoạt động gì giúp DN hiểu hơn về vai trò của hệ thống QTRR, thưa ông?
UBCK đã hợp tác với Công ty Kiểm toán Ernst & Young nghiên cứu và ban hành cuốn cẩm nang hướng dẫn về nhận thức rủi ro. Tài liệu này đã được phát hành từ năm 2012, tuy nhiên, do mới dừng lại là cẩm nang hướng dẫn, nên vẫn có nhiều DN chưa “biết” đến cẩm nang này.
Trong thời gian tới, UBCK sẽ xem xét để xây dựng những tài liệu mang tính chất pháp quy liên quan đến vấn đề QTRR đối với công ty đại chúng/niêm yết. Hiện UBCK đang phối hợp với các công ty kiểm toán, các tổ chức khác nghiên cứu và dựng tính pháp lý, kỳ vọng có thể ban hành trong thời gian tới.
Riêng đối với lĩnh vực chứng khoán, UBCK đã ban hành Quyết định 105 về QTRR đối với CTCK và đã được các CTCK áp dụng thực hiện. Với khối ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng có những quy định riêng về QTRR đối với khối này.
Quyết định 105 có quy định, CTCK phải có 3 thành viên độc lập thực hiện 3 chức năng trong bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT, QTRR và kiểm soát nội bộ trực thuộc tổng giám đốc. Với CTCK quy mô nhỏ, thực hiện tốt quy định trên là rất khó, thưa ông?
Trước đây, các CTCK tự vận hành theo những quy định riêng và tự kiểm soát. Hệ lụy là đã có nhiều CTCK vượt ngưỡng an toàn, mất thanh khoản và phải tái cấu trúc. Quyết định 105 ra đời trong bối cảnh như vậy. Ngay với CTCK lớn, khi tập huấn triển khai cũng “bở hơi tai” vì quy định trong Quyết định 105 rất chặt chẽ.
Tại một số CTCK có nền tảng tốt, tiềm lực tài chính mạnh, có thể thuê những nhân sự tốt để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ. Đối với công ty quy mô nhỏ, đang tái cấu trúc hoặc trong giai đoạn hình thành và phát triển, việc xác lập một đội ngũ, phòng ban đầy đủ là rất khó. Vấn đề này UBCK ghi nhận và đang nghiên cứu để có những điểu chỉnh cho phù hợp hơn.
Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn thiện, các DN cần làm gì để hạn chế rủi ro trong kinh doanh?
Khó có thể đưa ra ngay một khung pháp lý hoàn chỉnh về QTRR, bởi ngay đến hệ thống và tiêu chí phân loại rủi ro cũng chưa có chuẩn áp dụng.
Về cơ bản, có thể tạm phân thành 4 nhóm rủi ro, đó là rủi ro về chiến lược (vốn, ngành hàng, đối tác); rủi ro hoạt động (quản trị nội bộ); rủi ro tài chính và rủi ro tuân thủ (những thay đổi về mặt pháp lý, thể chế, chính sách).
Đối với mỗi ngành nghề đặc trưng lại có sự khác nhau trong mỗi nhóm rủi ro. Vì vậy, bản thân công ty cần tự chủ động xây dựng hệ thống QTRR dựa trên đặc thù riêng của DN và lĩnh vực mà DN hoạt động.
Tại phần lớn DN, bộ phận kiểm soát rủi ro giao cho kiểm soát nội bộ, ít DN có ban kiểm soát rủi ro trực thuộc HĐQT hoặc trực thuộc ban điều hành. Trong vấn đề quản trị công ty, nếu áp dụng thông lệ trên thế giới thì phải có 1/3 thành viên trong HĐQT độc lập, nhưng việc này cũng khiến DN “hụt hơi” vì không kiếm được thành viên độc lập đúng nghĩa. Hiện xếp loại về bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ của Việt Nam đứng thứ 159/187 quốc gia, điều đó cho thấy vấn đề quản trị của các DN Việt Nam đang rất kém.
Thực tế, các văn bản pháp quy liên quan như Quyết định 105, Thông tư 52 đều có yêu cầu công ty đại chúng/niêm yết thực hiện báo cáo thường niên phải có mục đánh giá rủi ro hoạt động. Tuy nhiên, mới có số ít DN thực hiện tốt điều này, phần lớn vẫn mang tính hình thức, đối phó. Đây là vấn đề cần được xử lý sớm. UBCK hiện đang xây dựng những yêu cầu cụ thể bắt buộc DN phải phân tích trong mục QTRR của công ty, giúp cổ đông, NĐT hiểu và nhìn nhận được rủi ro trong hoạt động ngành hàng của DN năm qua và năm tới.
Thông tư 52 dự kiến sửa đổi sẽ bổ sung thêm quy định công bố thông tin (CBTT) bằng tiếng Anh, trong khi với những quy định hiện hành, DN vẫn chưa thực thi tốt. Liệu điều này có gây thêm khó khăn đối với các DN trong việc áp dụng, thưa ông?
Để nâng hạng TTCK Việt Nam, thu hút NĐT nước ngoài, một trong những yêu cầu đặt ra là phải hướng tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó có yêu cầu về ngôn ngữ. Không chỉ đối với DN, mà với cơ quan quản lý như UBCK cũng cần xây dựng website, các văn bản pháp lý bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, để NĐT nước ngoài có thể đọc hiểu.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Thông tư 52 sẽ theo hướng phân loại DN nào phải công bố thông tin đầy đủ bằng cả tiếng Anh, DN nào chỉ cần bằng tiếng Việt. Bởi với DN quy mô nhỏ, chi phí CBTT bằng tiếng Anh lớn sẽ khó thực thi.