TS. Nguyễn Hữu Huân: Tăng lãi suất điều hành khó phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
NHNN vừa tăng một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp. TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trao đổi với báo Đầu tư xung quanh điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn hiện nay.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Ngân hàng Nhà nước vừa tăng một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Fed tăng lãi suất. Theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thời điểm này hợp lý không?

Năm 2021-2022, hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên rất cao, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn ổn định lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đang gây áp lực mạnh lên tỷ giá và chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thời điểm này là hợp lý và cần thiết.

Chúng ta đã biết, Fed tuyên bố sẽ còn tiếp tục tăng mạnh lãi suất thời gian tới, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng, chúng ta cần hành động sớm để hạn chế các tác động bất lợi. Tuy vậy, việc tăng lãi suất điều hành thời gian tới (nếu có) của Ngân hàng Nhà nước cần diễn ra từ từ và có lộ trình cụ thể để phát tín hiệu rõ ràng để thị trường nắm được, tránh gây tâm lý hoang mang.

Hiện nay, doanh nghiệp đang khó khăn tiếp cận vốn, việc tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động sẽ tác động như thế nào tới tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế, thưa ông?

Do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, tôi cho rằng, lãi suất cho vay khó tăng mạnh thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, lãi suất điều hành có thể sắp tăng, tôi cho rằng, lãi suất cho vay danh nghĩa của ngân hàng thương mại tới đây có thể không tăng, song các ngân hàng sẽ tìm cách thu thêm phí để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, từ đó đẩy lãi suất cho vay thực lên.

Hiện nay, một số ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao trong khi từ tháng 10/2022 tới đây, tỷ lệ này sẽ được Ngân hàng Nhà nước giảm từ 37% xuống 34%. Hơn nữa, nguồn vốn dư thừa trong dân hiện nay cũng không còn nhiều. Chính vì vậy, thanh khoản nhiều ngân hàng không còn dư giả như trước. Nhiều ngân hàng thậm chí phải huy động vốn để bù đắp thanh khoản, buộc phải tìm cách “lách” trần lãi suất huy động, thậm chí phải chi lãi ngoài để thu hút vốn. Tăng lãi suất điều hành sẽ chấm dứt tình trạng lách luật này, giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng.

Đương nhiên, chi phí vốn cao, trong khi room tín dụng ít ỏi sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp thời gian tới, từ đó ảnh hưởng phần nào tới khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, với chính sách tiền tệ coi trọng ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay - thời gian tới sẽ nhích từ từ chứ không tăng mạnh.

Không chỉ lãi suất mà tỷ giá cũng đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh mẽ. Trả lời Báo Đầu tư trước đây, ông từng cho rằng, biến động tỷ giá nước ta năm nay khoảng 5% là mức có thể chấp nhận được. Đến thời điểm này tỷ giá đã tăng hơn 4%. Theo ông, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ra sao khi Fed dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng mạnh lãi suất?

Tôi nghĩ rằng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ biến động không quá 1% nữa và biên độ biến động tỷ giá cả năm sẽ không quá 5%. Đầu tháng 9/2022, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá, hấp thụ phần nào áp lực của thị trường. Với cách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước sẽ đi ngang một thời gian nữa mới tiếp tục tăng (nếu có).

Tất nhiên, tỷ giá trong nước chỉ biến động xoay quanh 5%, nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại, còn nếu tình hình thế giới có biến động (ví dụ như xung đột leo thang), Fed tăng mạnh lãi suất cao hơn mức dự báo..., thì Ngân hàng Nhà nước có thể phải điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn.

Với áp lực lãi suất, tỷ giá như hiện nay, theo ông, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu của năm nay là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

Diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ, song nền tảng nội tại của nước ta vẫn rất tốt và Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia ổn định vĩ mô tốt nhất và tăng trưởng tốt nhất khu vực.

Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý III, quý IV năm nay của Việt Nam vẫn rất tích cực, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Tuy vậy, do lãi suất tăng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn nên khả năng tăng trưởng GDP năm sau sẽ chậm lại. Bởi nếu tình hình vẫn như hiện nay, sang năm 2023, mặt bằng lãi suất có thể cao hơn năm nay và cung tín dụng vẫn sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Tin bài liên quan