TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính).
Thưa ông, lo ngại về lạm phát đã xuất hiện khi Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 4,34% và bình quân 6 tháng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước?
Đúng là nhìn vào CPI so với cùng kỳ thì mối lo lạm phát không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở góc độ này là chưa toàn diện, mà trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.
Nếu so sánh CPI trên góc độ khác, so với tháng 12/2023, tức là loại bỏ yếu tố tăng viện phí và học phí, thì CPI tháng 6 chỉ tăng 1,40%, trung bình mỗi tháng tăng 0,23%. Nếu xét riêng trong quý II vừa qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng - là mức tăng khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá học phí, viện phí trong quý III/2023 giảm dần, CPI so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng giảm theo.
Dựa vào đâu ông cho rằng, lạm phát năm nay chỉ dao động từ 3,2% đến 3,6%?
Theo tính toán của chúng tôi, nếu trong 6 tháng cuối năm nay, CPI tăng như bình quân 6 tháng đầu năm, thì lạm phát cả năm là 3,6%; nếu tăng như bình quân của quý II thì chỉ còn 3,4%.
Trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc không tăng như dự kiến, khi đó áp lực về giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất không có, cộng với việc Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bắt đầu nới lỏng hoạt động xuất khẩu gạo khiến giá lương thực trên thị trường thế giới giảm, thì CPI năm nay của Việt Nam chỉ tăng ở mức 3,2%.
Chúng tôi cũng tính ra rằng, trong 3 kịch bản kể trên, CPI cuối kỳ (tháng 12/2024) tăng ở mức tương ứng 2,8%; 2,0% và 1,4%. Như vậy, áp lực lạm phát năm nay khá thấp, không như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại.
Tuy nhiên, những tính toán ở trên không tính đến việc điều chỉnh tăng các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặc biệt là học phí, viện phí và giá bán lẻ điện sinh hoạt. Ngay cả việc tăng hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, theo tôi cũng không đáng lo ngại, vì Nhà nước không bao giờ tăng giá đồng loạt các loại hàng hóa dịch vụ, mà luôn luôn tính toán rất kỹ mức độ tăng, thời điểm tăng giá, để bảo đảm phải giữ được lạm phát tối đa là 4,5% mà thôi.
Tính toán của ông đều dựa trên giả định, nói cách khác là tính toán dựa vào định tính, chứ không phải định lượng?
Không hề định tính.
Thứ nhất, nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và Chính phủ quyết tâm tăng trưởng kinh tế năm nay lên khoảng 7,0%. Dù có đạt được mức tăng trưởng cao như “quyết tâm chính trị”, thì trong cả giai đoạn 2020-2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014-2024, tức là nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Khi nền kinh tế tăng trưởng đúng tiềm năng, hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho xã hội nhiều hơn, thì giá cả đương nhiên không thể tăng được.
Thứ hai, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm nay chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 2 con số của những năm trước đây. Sức mua của thị trường trong nước chưa phục hồi như giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Nói cách khác, người dân đang triệt để tiết kiệm và người tiêu dùng “chắt bóp” dẫn đến cầu yếu. Trong bối cảnh này, nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ sẽ thực hiện “sale off”, khuyến mãi, “mua hai tặng một” để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, thay vì tăng giá.
Thứ ba, ngay sau khi Ấn Độ thực hiện chính sách nới lỏng xuất khẩu gạo, giá lương thực trên thị trường thế giới đã có xu hướng giảm, theo đó không gây áp lực lên giá lương thực ở thị trường trong nước.
Thứ tư, Fed vừa tuyên bố không đợi lạm phát của Mỹ về 2% mới giảm lãi suất. Như vậy, tín hiệu giảm lãi suất được phát đi khá rõ ràng. Khi Fed giảm lãi suất, đương nhiên USD bị yếu đi, sức ép lên tỷ giá VND không còn nữa, thì lạm phát ở Việt Nam cũng khó có thể tăng.
Nhưng dù sao, tính toán của ông vẫn chưa tính đến yếu tố tăng lương kể từ ngày 1/7/2024?
Kể từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng 30%, từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng. Lương hưu, trợ cấp xã hội tăng 15% và lương tối thiều vùng của khu vực doanh nghiệp tăng 6%, tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng/tháng. Đây là lần đầu tiên tăng lương ở mức khá cao và tăng đồng loạt trong cùng một thời điểm, nhưng việc tăng lương tác động không nhiều lên lạm phát.
Trên thực tế, những lần tăng lương tối thiểu trước đây không hề tác động lên giá cả thị trường. Thực tế cũng chứng minh, cứ khi nào áp lực lạm phát lớn, thì tăng lương cơ sở tác động ngay tới lạm phát, vì người sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ có tâm lý “người nhà nước” được tăng lương, thì họ phải tăng giá bán để tự tăng thu nhập cho mình. Nhưng ngược lại, khi áp lực lạm phát không có như trong 6 tháng đầu năm nay, thì tăng lương cơ sở không hề tác động lên giá cả thị trường.
Số người chịu tác động bởi lương cơ sở không nhiều, chỉ chiếm chưa đến 8% tổng số người làm công hưởng lương. Hơn nữa, trong số người được tăng thu nhập nhờ tăng lương cơ sở, chỉ có một phần nhỏ là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Số còn lại là viên chức, người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ 100% về tài chính, thì việc tăng lương cơ sở không có nhiều tác dụng, nếu đơn vị sự nghiệp không tăng được doanh thu, lợi nhuận. Vì thế, việc tăng lương cơ sở tác động khá mờ nhạt đến CPI.
Nhưng trên thực tế, giá một số dịch vụ như rửa xe, cắt tóc, học thêm... đã tăng?
Không tăng lương, thì giá cả thị trường vẫn tăng, vì lạm phát vừa phải là liều thuốc kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngay cả những nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, EU, Anh quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... năm nào cũng đặt ra lạm phát mục tiêu là 2%; còn Việt Nam, mục tiêu lạm phát hàng năm được Quốc hội đặt ra từ 4,0 - 4,5%.
Đúng là hiện nay, giá một số dịch vụ đã tăng. Nhưng nhìn lại, mức giá dịch vụ cũ đã được thực hiện từ trước đại dịch, tức là 5-7 năm nay, bây giờ mới tăng giá một số loại dịch vụ, quy đổi ra lạm phát từ 5-7 năm nay, thì mức tăng giá một số loại dịch vụ này còn thấp hơn lạm phát. Ngay cả một số dịch vụ có tăng giá cũng không ảnh hưởng gì đến lạm phát, vì chi tiêu cho các dịch vụ trên chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ trong tổng chi tiêu của hộ gia đình.