TS. Nguyễn Đình Cung: "Thời cơ để nâng cao hiệu quả các nguồn lực"

TS. Nguyễn Đình Cung: "Thời cơ để nâng cao hiệu quả các nguồn lực"

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều kiện để nâng cao hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế đang khá rõ ràng. Nhưng để biến các nguồn lực này thành giá trị thực tế, Chính phủ cũng như các cấp chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa việc xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường. 

Dù chưa có kết quả chính thức, song có thể nói rằng, kinh tế quý I/2018 đã thực sự khởi sắc. Ông có thể chia sẻ gì vào thời điểm này?

Việc nền kinh tế tích cực ngay từ quý đầu năm, với dự báo GDP tăng trưởng 6,23%, cao hơn mức 5,15% của quý I/2017, là điểm tựa rất tốt để các kế hoạch cải cách được đẩy mạnh quyết liệt và nhanh chóng có kết quả hơn trong năm nay. Dù vậy, phải thẳng thắn rằng, kinh tế Việt Nam vẫn cần những bước tăng trưởng vững chắc hơn, bởi nền kinh tế chưa giải quyết triệt để những nghịch lý.

Chẳng hạn, cơ cấu thành phần kinh tế chưa có nhiều thay đổi rõ nét, khu vực nhà nước vẫn chiếm khoảng 30% GDP, trong khi khu vực tư nhân chỉ khoảng 7-8%; khu vực phi chính thức là 33%, còn lại là khu vực nước ngoài... Hay như Hà Nội và TP.HCM cùng có quy mô kinh tế, có nguồn lực, có nhiều điều kiện để phát triển mạnh, nhưng cả hai vùng này đều chưa bứt phá để thành những đầu tàu của nền kinh tế.

Dường như có sự bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế. Ngay cả việc thúc đẩy khu vực tư nhân phi chính thức sang chính thức cũng chưa nhìn rõ kết quả. Doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện nhiều, nhưng năng suất lao động vẫn chưa cải thiện. Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn kém hiệu quả…

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nhưng chưa thu hút được nguồn lực đủ mạnh để tạo nên sự bứt phá. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thâm dụng vốn tương đối cao, đứng đầu khu vực ASEAN, song năng suất vốn lại thuộc nhóm thấp nhất, việc thâm dụng vốn của doanh nghiệp không đi kèm đổi mới khoa học - công nghệ.

Tại sao lại có những nghịch lý như vậy, theo ông?

Đang có những nút thắt cản trở sự luân chuyển trong nền kinh tế. Có thể vì Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, dù đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; thị trường nhân tố sản xuất còn yếu kém, chưa thể hiện rõ vai trò trong phân bổ nguồn lực…

Chính vì vậy, dư địa để nâng cao hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế còn rất lớn. Đơn cử, nếu phát triển thị trường quyền sử dụng đất, đảm bảo cơ chế cho thị trường này vận hành trơn tru, thì tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế có thể tăng thêm 1,5%/năm.

Ông Nguyễn Đình Cung 

Chìa khóa nằm ở thực hiện các cải cách để phát triển thị trường, đảm bảo kinh tế thị trường vận hành hiệu quả, từ đó nâng cao quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng… Giải pháp cụ thể Chính phủ đang làm là xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, tăng sự minh bạch và khả năng tiên liệu trong thực thi chính sách, rà soát bãi bỏ điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp kinh doanh an toàn hơn, chi phí thấp…

Các thay đổi sẽ tạo động lực để khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức, đồng thời mở rộng hoạt động và cạnh tranh bình đẳng. Phải nói rõ là nền kinh tế sẽ không thể hội nhập nếu chỉ toàn các hộ gia đình…

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng khoa học, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, thưa ông?

Điều này là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi nếu không có cạnh tranh sẽ không có động lực nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, không có động lực đầu tư vào khoa học - công nghệ… Do đó, điều cải cách đầu tiên là thị trường phải cạnh tranh hơn, rồi mới áp dụng khoa học - công nghệ. Một khi làm được như vậy thì nền kinh tế sẽ trở nên năng động hơn, tận dụng hết hiệu năng của nền kinh tế.

Hiện tại, nhiều chuyên gia đang nhìn vào nguồn vốn mới của nền kinh tế sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và bàn tới việc sử dụng nguồn lực này trong phát triển kinh tế năm nay. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Theo quan điểm của tôi, đây không phải là nguồn vốn mới trong tổng vốn đầu tư xã hội, mà là nguồn vốn được cơ cấu lại, nghĩa là chuyển dịch nguồn vốn nhà nước từ chỗ này, ở dạng tài sản này sang một dạng khác, chỗ khác.

Muốn nguồn vốn từ cổ phần hóa trở thành nguồn lực mới thì nguồn vốn này phải thực sự được sử dụng cho đầu tư phát triển và sử dụng một cách hiệu quả hơn khi còn ở trong các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là lý do tôi đề xuất nên để nguồn vốn từ cổ phần hóa trong khoản mục riêng của đầu tư công, dành đề đầu tư các dự án hiệu quả, quan trọng nhất và do Trung ương điều phối, không nên hòa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, dựa trên danh mục cổ phần hóa trong năm 2018 để lên danh mục các dự án đầu tư sẽ được sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa. Danh mục này cần được công khai để xã hội giám sát, tạo tiền lệ tốt trong thực hiện dự án đầu tư công.

Ví dụ, năm nay có thể dành nguồn vốn từ cổ phần hóa cho Dự án Sân bay Long Thành hay Dự án Nâng cấp Cảng Hải Phòng. Đây là các dự án có tính kết nối, có tác động lan tỏa trong nền kinh tế, nhưng đang gặp khó khăn do chưa được thực hiện.

Tương tự, các dự án mang tính kết nối của các vùng kinh tế trọng điểm cũng cần được xem xét, ưu tiên. Nhìn chung, cần phải thay đổi tổng thể hoạt động đầu tư công, đảm bảo việc phân bổ nguồn lực đúng mục tiêu và được giám sát chặt chẽ.

Tới đây, phần việc này sẽ thuộc trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Đề xuất của ông có thể sẽ khả thi hơn?

Việc phân bổ nguồn vốn thuộc thẩm quyền đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hoạt động, điều cần làm trước tiên là nâng cao chất lượng quản trị, nhân sự của các doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao hình ảnh, giá trị của các doanh nghiệp nhà nước, rồi mới đến các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp cần nắm rõ tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, từ đó xây dựng hệ thống chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp theo các tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh. Sẽ không còn những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp nhà nước chung chung theo kiểu bảo toàn vốn, mà phải rất cụ thể. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2018-2020, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng từ 10-15%...

Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang rất háo hức với các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Theo ông, cần làm gì để các nguồn lực từ khu vực này phát huy tối đa hiệu quả trong nền kinh tế?

Giải pháp hữu hiệu nhất, như tôi đã nói, vẫn là cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cụ thể là cắt giảm 30 - 50 điều kiện kinh doanh, giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan..., từ đó giảm được chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong năm qua, đầu tư của khu vực tư nhân đã tăng lên. Năm nay, tôi tin là xu hướng này sẽ tiếp diễn khi tốc độ doanh nghiệp thành lập mới vẫn duy trì ở mức cao.

Ở góc độ vĩ mô, cần phải có chính sách thúc đẩy một số ngành ưu tiên như chế biến, chế tạo, dịch vụ… Năm nay, nên quan tâm nhiều hơn tới phát triển du lịch. Dư địa của Việt Nam trong phát triển du lịch rất lớn, nhưng năm qua chúng ta mới đón được 15 triệu khách, trong khi Malaysia, Singapore… đón từ 16 - 20 triệu khách mỗi năm.

Nhưng trên hết, tôi muốn nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm, đó là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Tôi tin rằng, một khi từng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trăn trở với từng chữ và thực thi đúng theo thông điệp, thì hành động, ứng xử sẽ rất khác.

Tin bài liên quan