TS. Nguyễn Đình Cung
CIEM được nhiều nhà khoa học đánh giá là “bình tri thức” bởi những đóng góp to lớn của Viện trong việc đưa những tri thức mới, tư duy vận dụng cách làm mới vào công tác cải cách thể chế. Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông có chia sẻ gì về đánh giá này?
Đúng là CIEM có nhiều sự khác biệt trong phương thức tiếp cận nghiên cứu so với các cơ quan nghiên cứu tương tự. Những khác biệt này bắt nguồn từ yếu tố truyền thống, đặc thù vị trí, vai trò và chức năng, cũng như cách tiếp cận và tư duy cách làm rất riêng.
Trước hết, CIEM có bề dày truyền thống về nghiên cứu đổi mới chính sách. Bề dày đó thể hiện qua đóng góp vào các dấu mốc quan trọng của cải cách kinh tế Việt Nam.
Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm là một trong những khuyến nghị tại Báo cáo Việt Nam 2035 để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
Thứ hai, với đặc thù vị trí và vai trò từ trước đến nay, CIEM có vị thế và tiếng nói tương đối độc lập trong việc nghiên cứu, phổ biến, công bố các kết quả nghiên cứu và trong hoạch định chính sách, phản biện chính sách. Với vị thế trước đây là cơ quan trực thuộc Chính phủ ở cấp ngang bộ nên hiện nay, tuy là trực thuộc bộ song Viện vẫn có sự gắn kết, kết nối với các nhà lãnh đạo, những người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách Trung ương và địa phương. Hơn nữa, CIEM có mối quan hệ rất tốt với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hiệp hội và các tổ chức dân sự nói chung.
Điểm khác biệt nữa là các nghiên cứu chính sách và phản biện của CIEM luôn có căn cứ logic khoa học dựa trên bằng chứng thực tiễn để làm căn cứ cho các đề xuất phản biện của mình, nhờ vậy tính thực tiễn trong lý luận nghiên cứu rất cao.
Với cách thức đó, những nghiên cứu của CIEM luôn bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn theo hướng thị trường. Do đó, mọi đề xuất đều thúc đẩy cải cách theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong quá trình triển khai nghiên cứu, đánh giá và hoạch định chính sách, ông có thể chia sẻ cách thức tạo lập quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, với mục đích tạo động lực cho sự thay đổi, cải thiện hệ thống thể chế theo hướng thị trường?
Do vị trí, vai trò đặc thù nên các nghiên cứu của CIEM phần lớn mang tính định hướng chính sách, hoặc nghiên cứu phục vụ cho việc soạn thảo chính sách và luật pháp.
Trong các hoạt động này, CIEM luôn đứng ở vị trí là một cơ quan khoa học độc lập, không gắn với quyền lực, lợi ích nào, mục đích lớn nhất là để tạo ra chính sách, luật lệ tốt nhất theo hướng cải cách mạnh mẽ và thị trường hơn. Do đó, chúng tôi luôn muốn đi đến tận cùng vấn đề để đối diện và làm rõ bản chất sự thật.
Để làm được điều này, đòi hỏi CIEM phải mở rộng quan hệ đối tác, nhất là với các bên trực tiếp chịu tác động của chính sách, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm các thực tiễn và kinh nghiệm tốt của nước ngoài để góp phần giải quyết các vấn đề tương tự trên thực tế của Việt Nam.
Với cách tiếp cận như vậy và vị thế độc lập không gắn với một lợi ích riêng nào, CIEM luôn mở rộng tham vấn một cách công khai, chân tình, đa chiều để tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất. Cách làm này được cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác đánh giá cao, thu phục được niềm tin của các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, từ đó thắt chặt mối quan hệ với các đối tác trong mọi hoạt động xây dựng, hoạch định, tham vấn, bình luận, góp ý và phản biện chính sách.
Thế còn cách sử dụng người của CIEM được vận dụng như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu?
Trước hết là tạo điều kiện cho những người đam mê, muốn cống hiến được thỏa sức sáng tạo, phát huy và đóng góp các tiềm năng, thế mạnh của mình. Các cán bộ nghiên cứu tại CIEM hoàn toàn tự do nghiên cứu, tự do trình bày thể hiện quan điểm, không có sự chỉ đạo hay phân biệt cấp trên, cấp dưới trong nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các cán bộ nghiên cứu có ý tưởng sáng tạo, sáng kiến mạnh dạn bộc lộ, thể hiện ý tưởng của mình trên các diễn đàn để toàn xã hội và các đối tác cùng phản biện, đối thoại.
Qua đó, CIEM hình thành đội ngũ những cán bộ nghiên cứu có ý tưởng và hoài bão, mạnh dạn trong thể hiện quan điểm và sáng kiến, được cọ xát trao đổi giúp tăng thêm kỹ năng, kiến thức và trí tuệ. Mặt khác, CIEM có thể đánh giá một cách công bằng và rõ ràng mức độ, công lao đóng góp của tất cả các cán bộ trong Viện.
Đặc biệt, ở CIEM luôn khuyến khích các cán bộ phải xây dựng được niềm đam mê thực sự trong công việc, luôn nung nấu và trăn trở với khát khao đổi mới, cải cách và phát triển.
Cuối cùng, không thể thiếu một cơ chế thu nhập và đãi ngộ tương xứng ở mức tương đối. Cơ chế này được áp dụng theo hướng tạo điều kiện cho các cán bộ được làm đúng công việc mình yêu thích và sống được bằng chính sức lực bỏ ra cho công việc nghiên cứu.
Ông có nhắc tới sự sáng tạo và cơ chế khuyến khích sáng tạo rất đặc biệt của CIEM, vậy tại đây, sáng tạo được trân trọng như thế nào?
Như tôi đã nói, các cán bộ nghiên cứu của CIEM không bị hạn chế trong nghiên cứu và thể hiện, bày tỏ các quan điểm của mình. Sự sáng tạo trong nghiên cứu là không có giới hạn, ai có đam mê đều được thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi sáng kiến, ý tưởng theo năng lực và sức sáng tạo của mình, đồng thời được tự do trình bày, bình luận và đóng góp, phản biện.
Để trọng dụng thành quả cũng như gắn kết, tạo động lực khuyến khích các cán bộ nghiên cứu sáng tạo, người nào thực sự có tâm huyết, phát hiện vấn đề đều được tạo điều kiện tham gia một công việc liên quan trực tiếp đến dự án nghiên cứu xây dựng một chính sách cụ thể gắn kết với vấn đề đó.
Việc tham gia gắn kết với một dự án cụ thể được áp dụng cho tất cả các cán bộ, không phân biệt cấp bậc hành chính, người thực hiện được giao chủ trì việc nghiên cứu xây dựng và chấp bút chính sách đó ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, nhiều công việc được báo cáo trực tiếp Viện trưởng, mà không phải qua cấp trưởng ban.
Với tư duy và cách làm sáng tạo, ông đánh giá thế nào về kết quả của năm qua khi hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn trong rà soát, hoạch định và ban hành các chính sách, các văn bản luật cũng như cải cách thể chế?
Xét về sản phẩm thì năm 2016 là một năm thành công cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm của CIEM. Có thể kể đến một số công việc quan trọng như việc được chủ trì xây dựng Nghị quyết số 5 của Hội nghị Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, với bề dày kinh nghiệm và nhiều năm chủ trì đánh giá tái cơ cấu kinh tế nên năm vừa rồi, CIEM được tín nhiệm giao chủ trì xây dựng Nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, chủ trì soạn thảo, theo dõi, đánh giá tổ chức thực hiện liên tục các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chủ trì xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ngoài ra, CIEM cũng có đóng góp lớn vào triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, phản biện góp phần nâng cao chất lượng các nghị định về điều kiện kinh doanh.
Với cách tiếp cận mới, khác biệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cấp tính thị trường của nền kinh tế, đây thực sự là những nghị quyết và chính sách được đánh giá là có những bước đột phá tạo ra sự chuyển biến lớn trong công tác cải cách thể chế và góp phần hoàn thiện nhân tố thị trường cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.