Thưa ông, EVFTA đã được đã ký, kỳ vọng sẽ được phê chuẩn vào cuối năm nay, mở ra con đường cao tốc hướng Tây cho doanh nghiệp Việt...
Một điều chắc chắn, các hiệp định thương mại tự do, trong đó mới nhất là EVFTA, khi được thực hiện sẽ mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư – kinh doanh thông thoáng hơn.
Nhưng thực tế không thể né tránh, trước khi đặt được chân lên con đường cao tốc này, câu hỏi là có thể vượt qua được những rào cản ở các “đường tỉnh” không? Thị trường mở ra thật, có cầu lớn, nhưng doanh nghiệp có năng lực sản xuất không, có thể cải thiện được năng suất, giảm chi phí được không, có cạnh tranh được với các đối thủ không?...
Nhắc lại câu chuyện thực thi WTO. Những chậm trễ trong nội luật hóa các cam kết,hay tháo gỡ các rào cản thị trường đã làm doanh nghiệp Việt không những không tận dụng tốt các cam kết mở cửa thị trường mà còn bị lép vế hơn các doanh nghiệp FDI.
Thực ra, sau những vui mừng về tốc độ và lộ trình cắt giảm các dòng thuế, các doanh nghiệp cũng đang bàn về về những khó khăn trong tuân thủ các quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật, về vệ sinh dịch tễ, về môi trường, các quy định về lao động...
Tôi gọi đó là những hàng rào bên ngoài, do các đối tác áp đặt. Với nhiều doanh nghiệp, trong những ngành hàng, lĩnh vực hội nhập sâu, như dệt may, thủy sản..., có lẽ các tiêu chuẩn này không hề mới, nhiều tiêu chuẩn họ đã vượt qua với ý thức rất rõ về cơ hội thị trường.
Tôi cũng không lo lắng nhiều về các hàng rào kỹ thuật này, vì dù có khó khăn, thì chúng cũng được công bố công khai, doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao... Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ để nắm rõ các quy định này, từ đó có kế hoạch và chi phí tuân thủ.
Tôi lo lắng hơn về các hàng rào kỹ thuật bên trong, đó là các điều kiện kinh doanh, các quy định kiểm tra chuyên ngành... Vì, chúng thường khó thực thi, khó đoán định, chi phí tuân thủ cao, rủi ro rất cao.
Lâu nay, điều kiện kinh doanh, quy định kiểm tra chuyên ngành vẫn được coi là rào cản cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường...
Các doanh nghiệp mới không muốn gia nhập thị trường do chi phí tuân thủ cao, do rủi ro cao. Với cách quy định về điều kiện kinh doanh hiện tại, nhiều doanh nghiệp không tính toán trước được họ sẽ cần bỏ chi phí bao nhiêu, thời gian bao lâu để chính thức bắt tay vào kinh doanh.
Nhưng, ngay cả những doanh nghiêp hiện hữu cũng khó khăn trong mở rộng sản xuất cũng như khó giảm chi phí hoạt động. Vì càng mở rộng, càng rủi ro khi không kiểm soát được chi phí, rủi ro...
Phải nói thêm, khi các doanh nghiệp trong nước không dám chắc chắn về việc thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc bị các nhà nhập khẩu thổi còi hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng là rất lớn.
Ví dụ như các quy định về làm thêm giờ, quy định về tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng thủ sản... dù nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần là không phù hợp, quá cao so với điều kiện của Việt Nam, ngặt nghèo hơn các nước trong khu vực..., nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa có điều chỉnh phù hợp.
Nhưng điều cảnh báo là thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất mới, cũng có nghĩa là khó tận dụng được cơ hội khi cung của thị trường rộng mở, chưa kể việc khó cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp.
Ở một góc độ khác đáng quan tâm, thì rõ ràng, khi các hàng rào bên trong, cụ thể là các điều kiện kinh doanh, tư duy về quản lý chuyên ngành không được gỡ bỏ, thì các nỗ lực dồn dập của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các FTA tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực.
Chìa khóa ở đây vẫn là cải cách môi trường kinh doanh, cải cách tư duy về quản lý chuyên ngành. Không thể để các rào cản bên trong chắn đường ra cao tốc của doanh nghiệp Việt.