TS. Lưu Bích Hồ: Tiết giảm chi, thay vì tăng thuế

TS. Lưu Bích Hồ: Tiết giảm chi, thay vì tăng thuế

(ĐTCK) Tăng thuế là giải pháp được nhiều chuyên đề xuất nhằm bù đắp phần hụt thu ngân sách do giá dầu thô giảm liên tục thời gian qua. 

Tuy nhiên, trao đổi bên lề cuộc Tọa đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam” mới đây, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam, TS. Lưu Bích Hồ nhận định, việc xem xét tăng thuế trong thời điểm này cần được cân nhắc một cách hết sức thận trọng. 

TS. Lưu Bích Hồ: Tiết giảm chi, thay vì tăng thuế ảnh 1

TS. Lưu Bích Hồ 

Hiện có một số ý kiến cho rằng nên tăng thuế để bù đắp cho khoản hụt thu ngân sách do giá dầu giảm. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Theo tôi, điều này cần cân nhắc và phải trình Quốc hội cẩn thận. Nếu chỉ có tính toán hụt thu ngân sách hoặc nguy cơ hụt thu ngân sách từ giá dầu thô giảm rồi đòi tăng thuế là chưa hoàn toàn xác đáng.

Đúng là có những thời điểm chúng ta có thể xem xét đến việc tăng thuế, nhưng phải cân nhắc tăng ở ngành và lĩnh vực nào, chứ không thể tăng đồng loạt. Như bây giờ, du lịch làm tốt thì tăng thuế xuất nhập khẩu, nhưng nếu tăng thuế VAT thì không đơn giản. Vì DN hiện vẫn đang khó khăn, cần phải giảm lãi suất vay ngân hàng để hỗ trợ DN, mà giờ đây lại áp dụng tăng thuế, như thế sẽ triệt tiêu luôn ý nghĩa giảm lãi suất. Cần cân nhắc kỹ từ nay tới giữa năm xem diễn biến giá dầu thế nào, nguồn thu ngân sách ra sao, tình hình sản xuất - kinh doanh thế nào, xem giá cả ra sao, tác động bên ngoài ra sao, từ đó mới quyết định. 

Tuy nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, song nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, khi có có tới 60% doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2014. Vậy theo ông, nếu áp dụng biện pháp tăng thuế thì liệu cơ quan thu thuế có tự tin là có thể thu từ nguồn thuế để bù cho phần thâm hụt bởi dầu thô?

Hiện nguồn thu từ dầu thô đóng góp 10-12% tổng thu ngân sách, nên nếu có hụt thu thì cũng không đáng ngại lắm, có thể bù thu từ giảm chi tiêu. Nhưng Chính phủ và các chuyên gia cần xác định cụ thể con số bù thu trong phạm vi nào, ngay cả giá dầu cũng ở khoảng nào, tính toán tác động tới GDP ở khoảng nào để có tính toán hợp lý. 

Bên cạnh đó, thu ngân sách có nhiều nguồn để tăng, cơ chế, quy trình thu thuế phải được cải thiện. Vừa qua, Chính phủ chỉ cần siết lại việc thu thuế đã tăng được nguồn thu rồi. Vì hiện nay thất thu thuế vẫn còn đáng kể, có chỗ cần xem lại cơ chế, quy trình để hiệu quả hơn. Ngoài công cụ thuế, còn có thể phát hành trái phiếu để cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thu ngân sách cần theo hướng khoan sức dân, không phải nhân lúc này để siết sức dân. Còn đối với chi thì dứt khoát phải siết lại, vì còn nhiều khoản chi rất lãng phí, như chi cho lễ lạt. Ngoài ra, có thể bù thu từ giảm chi tiêu, như ngành giao thông năm 2014 mới chỉ rà soát 25 dự án, đã tiết kiệm được hơn 5.200 tỷ đồng.

Với cơ cấu kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên như Việt Nam hiện nay, theo ông thời gian tới cần làm thế nào để đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao và bền vững của nền kinh tế?

Theo tính toán thì tháng 1 vừa qua, thu ngân sách từ dầu thô đã giảm 12%, đó là với các hợp đồng đã ký từ năm 2014 với giá còn cao, còn với những hợp đồng  mới ký cho kỳ khai thác vài tháng tới, từ giữa năm về sau sẽ còn giảm nữa. Nhưng đây lại là áp lực rất tốt để chúng ta phải thay đổi cơ cấu nguồn thu, phải có nguồn thu ổn định từ tăng sản lượng, công nghệ, không thể cứ mãi đào tài nguyên lên để bán.

Lâu nay, nhiều chuyên gia thế giới đã cảnh báo Việt Nam quá ỷ lại vào khai thác tài nguyên. Họ khuyên chúng ta nên giảm khai thác đi, phải dùng tài nguyên có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và đi vào năng suất, công nghệ để tạo giá trị gia tăng. Như với Mỹ, chỉ vài năm với công nghệ khai thác dầu đá phiến đã làm thay đổi hẳn cán cân khai thác dầu thô, dù còn đắt nhưng sẽ giảm khi khấu hao dần công nghệ, trong khi Nga vẫn công nghệ cũ nên vẫn đắt, còn Ả rập thì nguồn dầu nhiều và dễ khai thác.

Tại cuộc họp mới đây tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một chuyên gia Ấn Độ đã đưa ra 3 lời khuyên với Việt Nam là quản lý được rủi ro; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu; củng cố và tăng nội lực. Còn theo như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới thì từ câu chuyện giá dầu nên xem lại vai trò của DN Nhà nước. Lâu nay, DN Nhà nước làm quá nhiều dự án, lĩnh vực không đáng làm.

Tin bài liên quan