Lãi suất trên thị trường tín dụng trong 5 năm tới sẽ tương đối ổn định

Lãi suất trên thị trường tín dụng trong 5 năm tới sẽ tương đối ổn định

TS Lê Xuân Nghĩa: "Tái cơ cấu, chúng ta mới chỉ tạo lập được những tiền đề..."

(ĐTCK) Quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong vòng 5 năm tới, trên bình diện chính sách tiền tệ, lòng tin sẽ được củng cố vững chắc hơn và hỗ trợ tốt hơn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tiền tệ: tương đối ổn định

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiểm soát được lạm phát ở mức thấp. Bởi lẽ, tổng cầu của nền kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục yếu, sức ép về sức mua không lớn. Trong khi đó, NHNN đã có kinh nghiệm, bài học để kiên định chính sách tiền tệ ổn định.

Đặc biệt, NHNN đã xây dựng được bộ công cụ của chính sách tiền tệ đủ khả năng trung hòa được tiền tệ, bằng các công cụ như: nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc và cửa sổ chiết khấu. Đây là những công cụ mà trong 5 năm qua đã được thực hiện có hiệu quả.

Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể áp dụng thêm các công cụ khác, ví dụ phát hành tín phiếu, quản lý hạn mức tín dụng. Nhờ đó, trong năm qua, mặc dù NHNN đã mua vào một khối lượng ngoại tệ dự trữ lớn, đồng nghĩa với việc cung ứng tiền đồng gia tăng nhanh chóng, nhưng đã được trung hòa hiệu quả, không làm gia tăng lạm phát như trước đây.

Chính vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất chỉ đạo của NHNN, cũng như lãi suất trên thị trường tín dụng trong 5 năm tới sẽ tương đối ổn định và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được kiểm soát hợp lý.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế    

Tỷ giá hối đoái: ít biến động

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất ổn định, tỷ giá hối đoái cũng sẽ ít biến động. Đặc biệt, gần đây, NHNN đã hoàn thiện cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái theo hướng thả nổi có kiểm soát, tùy thuộc vào quan hệ cung cầu về ngoại tệ trong nước và trên thị trường thế giới.

Theo đó, cơ chế mới này giúp cho việc quản lý tỷ giá hối đoái minh bạch hơn, thị trường hơn, dễ dự báo hơn và tạo nền tảng cho việc áp dụng thị trường phái sinh (thị trường kỳ hạn, quyền chọn…).

Trên thực tế, bản thân thị trường phái sinh cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho giảm thiểu rủi ro về hối đoái của các DN và ổn định chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là chính sách hối đoái linh hoạt. Đây cũng là khu vực chính sách vĩ mô duy nhất còn dư địa để có thể nới lỏng khi cần thiết.

Cơ chế quản lý tỷ giá thả nổi có kiểm soát giúp cho việc quản lý tỷ giá minh bạch hơn  

Những rủi ro đối với chính sách tiền tệ

Về căn bản, rủi ro có thể từ bên ngoài, ví dụ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, gắn liền với những biến động của đồng nhân dân tệ, hoặc sự điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, có thể nhận định rằng, những áp lực này không quá lớn. Bởi vì trong vòng 5 năm tới, các ngân hàng trung ương trên thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc tăng lãi suất của Fed cũng vẫn trên nền tảng kích thích tăng trưởng kinh tế hiện đang khá thấp so với trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong vòng 5 năm tới, điều tôi lo ngại nhất và cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất của Chính phủ và của hệ thống ngân hàng là việc đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. 5 năm qua, chúng ta chỉ mới tạo lập được những tiền đề để giải quyết vấn đề này như: ổn định thanh khoản, xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát tín dụng, kiểm soát kinh doanh vàng và ngoại tệ.

Có 2 tiền đề quan trọng nhất vẫn chưa thực hiện được, đó là tạo lập nguồn lực tài chính lớn để giải quyết nhanh nợ xấu và tạo lập khung pháp lý cần thiết để thúc đẩy nhanh thị trường mua bán nợ, trên cơ sở đó lành mạnh hóa tài chính của hệ thống ngân hàng và áp dụng các chuẩn mực quản trị, chuẩn mực giám sát an toàn hệ thống tiệm cận khu vực châu Á và thế giới.

Việc đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. 5 năm qua, chúng ta chỉ mới tạo lập được những tiền đề để giải quyết vấn đề này như: ổn định thanh khoản, xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát tín dụng, kiểm soát kinh doanh vàng và ngoại tệ.

Tình hình hiện nay của các ngân hàng thương mại không cho phép tiếp tục các biện pháp đã được thực hiện lâu nay (trong điều kiện không có tiền và khung pháp lý) như là khoanh nợ, giãn nợ, mua gom nợ về VAMC, bởi số lượng các DN đã phá sản rất lớn và ngày càng gia tăng (2 tháng đầu năm 2016 đã có 16.471 DN phá sản, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015). Nợ xấu của các ngân hàng thương mại theo đó tăng nhanh, đặc biệt là nền tảng tài chính của các ngân hàng suy giảm (ROE chỉ còn 5%, ROA chỉ còn 0,5%) và tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí tăng lên xấp xỉ 20%.

Số lượng nợ xấu theo báo cáo chính thức không lớn, nhưng nếu phân tích các chỉ tiêu tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam và so sánh với các nước trong khu vực, thì có thể ước lượng được khối lượng nợ xấu còn khá lớn. Điều đáng lo ngại là một loạt ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đang rất chật vật với việc tìm nguồn vốn để hoàn lại khối lượng lãi dự trữ khổng lồ (thực chất là lỗ) và để bù đắp tài sản xấu đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh DN chưa thực sự khởi sắc, khiến các ngân hàng này có thể gặp rủi ro thanh khoản trong tương lai.

Nếu không có nguồn lực tài chính, cùng với đó là khung khổ pháp lý đủ mạnh, thì không thể giải quyết được vấn đề tái cấu trúc ngân hàng đang ngày càng trở nên cấp bách.

Bên cạnh sức ép nợ xấu, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đang đứng trước sức ép về cạnh tranh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Đến lúc đó, DN và người dân Việt Nam có thể mở tài khoản tiền gửi và cho vay ở bất cứ ngân hàng nào thuộc nội khối TPP và ngược lại, DN và dân cư các nước khác cũng có thể mở tài khoản tiền gửi và thanh toán tại các ngân hàng Việt Nam.

Đây có thể coi là một sức ép cạnh tranh lớn và rất mới đối với văn hóa ngân hàng truyền thống của Việt Nam hiện nay, nhất là tầng lớp trung lưu, DN lớn có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn ngân hàng của mình là Việt Nam hay ngân hàng của các nước thuộc khối TPP. Điều này cho thấy, việc tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém và cải thiện chất lượng tài sản của cả hệ thống cần phải được đẩy mạnh và hiệu quả hơn.

Cần sự phối hợp hành động

Liên quan đến cạnh tranh khi TPP có hiệu lực, bên cạnh việc nhanh chóng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro và quản lý khách hàng cũng như toàn bộ bộ máy, thì tiêu chí và công cụ giám sát ngân hàng cần phải được khẩn trương thực hiện. Việc này nhằm tránh có những thay đổi cấu trúc lớn bất lợi đến hệ thống ngân hàng Việt Nam và những tác động xấu từ lĩnh vực nhạy cảm này đến toàn bộ kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế dài hạn đang được kỳ vọng tích cực.

Có thể thấy, câu chuyện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu đã phức tạp tới mức vượt quá tầm tay của NHNN, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, quyết sách sáng suốt từ những cấp cao hơn mới có thể xử lý được. Tuy nhiên, cũng có một vài điều giúp chúng ta có được hy vọng xung quanh vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đó là kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ phục hồi tốt và kéo dài, các hiệp định thương mại tự do là yếu tố hỗ trợ tích cực cho xu hướng phục hồi này.

Các DN của Việt Nam cũng đang nỗ lực thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần và đang đầu tư bài bản, thận trọng hơn cả trong sản xuất - kinh doanh lẫn trên thị trường tài sản khác như TTCK, bất động sản.

Vì vậy, tôi cũng hy vọng, trong 5 năm tới, với những nỗ lực lớn từ các nhà hoạch định chính sách, cũng như hệ thống ngân hàng và DN, chúng ta có thể đạt được những bước tiến quan trọng hơn, cơ bản hơn trong việc lành mạnh hóa tài chính của hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục đầu tư tư nhân, tận dụng tốt hơn lợi thế lớn từ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế   
Tin bài liên quan