Hệ thống ngân hàng đã trợ lực lớn cho nền kinh tế giai đoạn dịch bệnh.

Hệ thống ngân hàng đã trợ lực lớn cho nền kinh tế giai đoạn dịch bệnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tái cấu trúc ngành ngân hàng cần thực chất hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh 5 điểm nhấn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng, hệ thống ngân hàng cần phải có một chương trình tái cấu trúc đi vào thực chất để giải quyết 4 nhiệm vụ cốt lõi trong vòng 5 năm tới.

Đã có nhiều đánh giá về đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng 2016 - 2020, với cá nhân ông thì đâu là những vấn đề nên được nhắc tới?

Theo tôi, có 5 kết quả quan trọng.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái. Điều này đã tạo lòng tin vững chắc cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế và gia tăng mạnh mẽ uy tín tài chính của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là uy tín của Việt Nam đồng.

Các nhà phân tích tài chính quốc tế đã đánh giá cao thành tựu ổn định tiền tệ của Việt Nam và trên thực tế, 5 năm vừa qua là giai đoạn dự trữ ngoại hối tăng nhanh nhất và tỷ giá hối đoái ổn định nhất trong suốt chiều dài lịch sử.

Thứ hai, đặc biệt là 2 năm qua - giai đoạn đại dịch Covid-19, cả hệ thống ngân hàng đã thực hiện khá quyết liệt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng nhằm giảm bớt những khó khăn lớn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ để vượt qua thách thức của đại dịch.

Theo đó, NHNN là cơ quan đưa ra chính sách lớn nhất, hữu dụng nhất trong gói cứu trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp.

Với chính sách giãn, hoãn, không chuyển nhóm, khoanh nợ cũ cho vay mới…, nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam duy trì được hoạt động tương đối tốt, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính vì thế, dù trong giai đoạn khó khăn vừa qua, thặng dư thương mại vẫn tiếp tục tăng, đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế cho dù tỷ lệ tăng trưởng GDP không cao.

Thứ ba, nền tảng tài chính của các NHTM trong 5 năm qua cũng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm, khả năng sinh lời khá cao. ROA đạt xấp xỉ 1%, ROE đạt xấp xỉ 14 - 15% là mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, ngang bằng mức quân bình về nền tảng tài chính của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ tư, sự tiến bộ khá nhanh trong việc hiện đại hoá hệ thống ngân hàng, công nghệ thông tin. Số hoá dịch vụ ngân hàng tài chính đã được rất nhiều ngân hàng thương mại triển khai và NHNN quan tâm. Nhiều công ty Fintech ra đời và hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giảm thanh toán không dùng tiền mặt.

Một loạt ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ được ra đời như Internet Banking, Mobile Banking, hơn thế, một số ngân hàng đã xây dựng được hệ sinh thái về dịch vụ ngân hàng và dịch vụ thanh toán. Đặc biệt, một số ngân hàng đã xây dựng được nền tảng (platform), ứng dụng trên thiết bị di động (app), trong đó giúp hình thành ngân hàng số tồn tại song song với ngân hàng vật lý.

Như trên ông đề cập về câu chuyện dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong những năm qua, nhưng đây cũng là một trong vấn đề dẫn đến câu chuyện Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ…?

TS. Lê Xuân Nghĩa.

TS. Lê Xuân Nghĩa.

Thực tế, tiêu chí về thao túng tiền tệ do Mỹ đơn phương đặt ra chứ không phải là hệ thống tiêu chí phổ cập của thế giới, một sản phẩm của một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung và được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong hội nghị Bộ trưởng tài chính OECD tại Peru.

Nhiều quốc gia cho rằng, đây là công cụ của chiến tranh tiền tệ và rất tiếc Việt Nam ở trong vòng xoáy của cuộc chiến với lo ngại rằng Việt Nam rất có thể hỗ trợ cho việc thay đổi xuất xứ hàng hoá từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh tài chính tiền tệ Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, chủ yếu là nhờ từ chính sách định hướng xuất khẩu nói chung, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, khu vực này vai trò của Trung Quốc không lớn, do đó, có thể coi đây là vấn đề có tính nhất thời và mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng vì trong bối cảnh hiện tại, cuộc chiến thương mại và nguy cơ về cuộc chiến tranh tiền tệ vẫn còn hiện hữu và tính hỗn loạn của kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân của vấn đề này là do những yếu tố như sự phát triển rất nhanh của công nghệ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên không đều. Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các tập đoàn kinh tế lớn ngày càng trở nên gay gắt và rất có thể trở thành một cớ để tạo ra xung đột trong thương mại song phương.

Nhưng, chúng ta đồng thời không cần phải sợ hãi, mà nên làm quen xu hướng hỗn loạn là một chuẩn mực bình thường mới và đối mặt, chấp nhận.

Chấp nhận không có nghĩa là “cái gì diễn ra sẽ diễn ra” mà chắc hẳn cần một sự tính toán kỹ, với hệ thống ngân hàng đang tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính quốc tế thì đâu là vấn đề cần phải tập trung?

Tôi cho rằng, đáng lo ngại nhất của hệ thống ngân hàng là vấn đề xử lý dứt điểm ngân hàng 0 đồng với mức lỗ luỹ kế gia tăng nhanh chóng và đang ngày càng trở thành nguy cơ tài chính lớn cho cả hệ thống.

Vì vậy, Chính phủ trong nhiệm kỳ này cần tập trung nguồn lực, cơ chế để xử lý dứt điểm. Cách tốt nhất là bán cho các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế với những ưu đãi cần thiết để giải quyết dứt điểm ung nhọt tài chính, càng để lâu càng khó khắc phục mà nếu khắc phục được sẽ vô cùng tốn kém.

Bên cạnh đó, tình trạng cho vay người có liên quan có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây, nhất là cho vay vào những dự án thu gom tài nguyên như bất động sản, nhà ở, du lịch, khu công nghiệp và nông nghiệp. Đây là vấn đề gây nguy cơ lớn cho hệ thống ngân hàng tương lai gần nếu thị trường tài sản có khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng vẫn chưa có một chiến lược, tầm nhìn dài hạn về hiện đại hoá. Số hoá, dữ liệu lớn đang là một xu thế thay đổi cơ bản về các hoạt động kinh tế và thậm chí, cuộc sống của người dân.

Vì vậy, hệ thống ngân hàng cần phải lựa chọn hoặc số hoá cơ bản hệ thống ngân hàng hoặc số hoá theo hướng tiệm tiến như hiện nay. Cả hai lựa chọn này cần thiết đều phải có những thay đổi căn bản về toàn bộ hệ thống pháp lý liên quan đến hệ thống ngân hàng như thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho vay ngang hàng và đặc biệt là quy trình tín dụng trên nền tảng được tự động hoá, số hoá.

Hơn thế, hệ thống thanh tra giám sát không đủ khả năng để thanh tra giám sát hữu hiệu toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng do số lượng người không đủ, chất lượng nhân sự không được đào tạo liên tục để bám sát hoạt động giao dịch ngân hàng vốn đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt những kiến thức về khoa học dữ liệu, thuật toán, kỹ sư phần mềm, giám sát trên nền tảng số hoá.

Một vấn đề cần lưu ý là thu nhập chính thức của cán bộ thấp, như vậy, không đủ khả năng tuyển dụng nhân lực đáp ứng được các nhu cầu trên, nhất là nhân lực về công nghệ, số hoá.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng mới phải chờ chính sách, quy định pháp luật do khả năng nghiên cứu, cập nhật dịch vụ mới bị hạn chế. Trong một vài năm tới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, số hoá… thanh tra giám sát đối với các ngân hàng thương mại sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Tóm lại, hệ thống ngân hàng cần phải có một chương trình tái cấu trúc đi vào thực chất nhằm giải quyết 4 nhiệm vụ cốt lõi trong vòng 5 năm tới như sau: xử lý ngân hàng 0 đồng; cho vay sân sau; nâng cao năng lực thể chế của hệ thống thanh tra giám sát; bổ sung, sửa đổi, làm mới luật nhằm thúc đẩy nhanh quá trình số hoá hoạt động ngân hàng.

Nếu đánh giá hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn trong năm 2021 khi đại dịch vẫn là câu chuyện thời sự, ông sẽ nói gì?

Phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ không được như kỳ vọng do đại dịch vẫn còn nặng nề. Các quốc gia khác bơm tiền trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, nên cho dù có đầu cơ bất động sản hay chứng khoán họ vẫn có tiền để dành và khi đại dịch đi qua sẽ có sức bật.

Trong khi đó, gói cứu trợ của Việt Nam nhỏ, không đáng kể, không tạo ra được nguồn lực tài chính tiềm năng trong khu vực doanh nghiệp và dân chúng, nên không tạo được sức bật về tiêu dùng và đầu tư như các nước khác trên thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam chống chọi với đại dịch đã “uống đến giọt nước cuối cùng”, không còn sức bật nên dịch qua đi không có sức bật vì không có nguồn lực bổ sung từ nhà nước.

Cơ hội nếu có đến thì chỉ tận dụng được ở một mức độ, chưa kể một nguồn lực lớn đang đi vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán nếu hai thị trường này đóng băng thì nguồn lực nằm “chết” trong đó.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức vừa phải, điều này ảnh hướng đến khả năng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng rất hạn chế, do đó, nợ xấu sẽ là vấn đề khó khăn cho trung hạn cần chú ý.

Tin bài liên quan