Nguyên tắc điều hành linh hoạt của của Ngân hàng Trung ương sẽ hỗ trợ các dòng chảy vốn hiệu quả hơn

Nguyên tắc điều hành linh hoạt của của Ngân hàng Trung ương sẽ hỗ trợ các dòng chảy vốn hiệu quả hơn

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Sức sống của TTCK Việt Nam là mạnh mẽ"

(ĐTCK) Trong một kịch bản khả quan, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ phục hồi và tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Đối với thị trường chứng khoán, năm 2017, theo tôi, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại chút ít, nhưng sẽ bình ổn và dàn đều hơn so với năm 2016.

Kinh tế thế giới và Việt Nam bắt đầu thoát đáy

Thực tế, có một xu thế đáng lo ngại trong 3 năm qua khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu cao hơn tốc độ tăng trưởng thương mại. Điều này đồng nghĩa vai trò đóng góp của thương mại đối với các nền kinh tế đang sụt giảm. Đặc biệt, hàng hóa thương mại sụt giảm trong khi hàng hóa phi thương mại tăng lên (bao gồm du lịch, dịch vụ tài chính, bất động sản…).

Các thống kê này dẫn đến sự lo ngại về tính bất ổn của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2017, tất cả các dự báo lại hoàn toàn khác, tức có một khuynh hướng trở lại như cũ. Theo thống kê, thương mại toàn cầu năm 2014 tăng trưởng 3,9%, năm 2015 giảm còn 2,6%, năm 2016 là 2,3%, năm 2017 theo dự báo mới nhất của IMF, sẽ ở mức 3,8%. Cùng thời gian này, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu đạt lần lượt 3,5%, 3,2%, 3,1% và dự báo 2017 là 3,4%.

Có thể thấy, kinh tế thế giới cũng như thương mại thế giới đã bắt đầu thoát đáy và đang có xu hướng đi lên. Sự suy giảm liên tục của thương mại và tỷ lệ đóng góp trong nền kinh tế đang được đảo ngược trở lại. Như vậy, loại trừ các biến cố bất thường, chúng ta có căn cứ để nhận định khả quan rằng, kinh tế thế giới năm tới sẽ phục hồi và tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam.

Dự báo này không thay đổi ngay cả khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và tương lai Hiệp định TPP chưa rõ ràng. TPP chắc chắn vẫn là con đường dài và với Việt Nam, chúng ta đang có cơ hội tận dụng nhiều hiệp định khác cũng vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc cho phép hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc được miễn trừ thuế tới 96%, trong khi đó hàng hóa Hàn Quốc được phép có một lộ trình để giảm tương tự.

Thứ hai, Hiệp định Việt Nam và  Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng mở ra nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA) cũng rất đáng chú ý, vì châu Âu chưa từng có hiệp định thương mại nào với một quốc gia đơn lẻ. Việt Nam là nước đầu tiên, vì vậy chắc chắn có những cơ hội thú vị ở đây. Hiện nay, Hiệp định này đang bị trì hoãn đến 2017 mới ký chính thức, bởi các vấn đề liên quan tới việc Anh rời khỏi EU.

Về kinh tế nội địa, chúng tôi đã lập 2 mô hình phân tích gồm mô hình ngắn hạn và mô hình dài hạn. 2 mô hình này đã được ứng dụng từ nhiều năm, chủ yếu để góp ý cho việc hoạch định Chiến lược 2015 - 2025 của Chính phủ.

Với mô hình ngắn hạn, dựa trên cách tính GDP của chúng tôi (loại bỏ một số yếu tố như yếu tố mùa vụ, tính trùng lặp để đưa ra con số tăng trưởng GDP thực), đỉnh của chu kỳ được xác định là quý II/2015 và đáy của chu kỳ là quý II/2016. Bắt đầu từ quý III, quý IV năm 2016, xu hướng đi lên được xác lập. Trong chu kỳ ngắn hạn 2 năm, chúng tôi dự đoán, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt đỉnh vào quý II/2017 và sau đó đi xuống.

Toàn bộ chu kỳ ngắn hạn này đang diễn ra trong một chu kỳ dài hạn mà chúng tôi đã tính toán từ 2014 đến năm 2023. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ có xu hướng đi lên, mặc dù trải qua nhiều chu kỳ lên xuống trong ngắn hạn.

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Sức sống của TTCK Việt Nam là mạnh mẽ" ảnh 1

TS. Lê Xuân Nghĩa 

Có tiền đầu tư vào đâu?

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), năm 2017, có một số yếu tố có ảnh hưởng lớn.

Thứ nhất, lãi suất ngân hàng đang đứng trước sức ép tăng do lạm phát có sức ép tăng. Cụ thể, lạm phát bình quân của Việt Nam mà Quốc hội đặt ra năm 2017 là 4,5% được cho là rất cao (tính bình quân thay vì cách tính lấy CPI của năm sau so với tháng 12 của năm trước). Năm 2016, CPI bình quân là 2,9%, tức là CPI theo cách tính cũ đã xấp xỉ 5%. Như vậy, năm 2017 bình quân 4,5% thì CPI tính theo cách cũ sẽ trên 5%. Lãi suất cũng chịu tác động của các yếu tố khác như việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên sau thời gian duy trì ở mức thấp.

Yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng là lợi suất trái phiếu Chính phủ. Sau thời gian đi xuống, giờ cũng bắt đầu có dấu hiệu “ngóc đầu” trong một vài tháng gần đây. Những yếu tố này sẽ tác động mạnh đến lãi suất.

Bên cạnh đó là tỷ giá. Tỷ giá sẽ chịu sức ép nhất định do USD tăng giá khi Mỹ điều chỉnh lãi suất. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cố gắng giữ ổn định tỷ giá hối đoái. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, chứ không phá giá VND như một số chuyên gia đề nghị. Bởi Chính sách tiền tệ không còn dư địa để nới lỏng. Thắt chặt thì không nên, vì sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản và TTCK.

Qua một số lần trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi nhận thấy, nguyên tắc điều hành của Ngân hàng Trung ương hiện nay là rất tôn trọng thị trường, linh hoạt và không tạo ra cú sốc nào trên thị trường tiền tệ. Điều đó nếu thực hiện đúng, sẽ hỗ trợ cho TTCK có thể ổn định trong trung hạn. Chúng tôi cũng dự báo Ngân hàng Trung ương sẽ đưa ra một chính sách ổn định lãi suất là chính và nếu có tăng cũng chỉ tăng khoảng 1%.

Liên quan tới việc dự báo thị trường tài sản, chúng tôi nhận thấy thị trường bất động sản tăng giảm gắn bó rất mật thiết với tăng trưởng kinh tế. Thị trường bất động sản thông thường có chu kỳ chậm hơn tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, TTCK đi trước thị trường bất động sản và nền kinh tế. Cả trong điều kiện khi hàng hóa trên TTCK nhiều lên, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chững lại hoặc ít đi, TTCK vẫn sẽ biến động theo quy luật này. Năm 2017, TTCK có thể có tốc độ tăng chậm lại, nhưng tôi tin rằng TTCK sẽ bình ổn hơn, tăng dàn đều hơn năm 2016 vì năm 2016 có nhiều cú sốc.

Một vấn đề khác hiện nay có nhiều người nghĩ nhưng không dám nói ra đó là nguồn vốn từ Trung Quốc.

Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines đang tranh thủ tối đa nguồn vốn này từ Trung Quốc cho cả TTCK và đầu tư trực tiếp. Báo chí đã đăng tin về những dự án rất lớn của Trung Quốc vào Thái Lan, Malaysia. Trung Quốc đã lập 4 định chế tài chính lớn để cung cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho châu Á và con số lớn gấp nhiều lần nguồn vốn mà Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cung cấp cho châu Á trong 5 năm vừa qua. Khi càng đầu tư cơ sở hạ tầng thì bất động sản càng tăng và như vậy sẽ ảnh hưởng nhất định đến TTCK.

Nỗi ám ảnh về các công trình đầu tư không hiệu quả và vấn đề an ninh quốc gia khiến Việt Nam còn đắn đo trong thu hút, đón nhận nguồn vốn này. Nhưng nếu chậm chân, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội. 

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Sức sống của TTCK Việt Nam là mạnh mẽ, dù còn vô vàn trở ngại”

Một số báo cáo gần đây có nhắc đến một vấn đề là trong tổng số vốn huy động của nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 65%, còn 35% được cung cấp từ thị trường chứng khoán (TTCK) và các nguồn vốn khác. Đây là một con số nếu đọc thoáng qua sẽ cảm thấy bình thường, nhưng trên thực tế, đó là một sự thừa nhận rất căn bản đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Số liệu thứ hai cũng mới xuất hiện gần đây đó là trong 100% lượng trái phiếu Chính phủ chào bán, trước đây khối ngân hàng thương mại mua đến 86%, nhưng nay con số này chỉ còn 64%. Phần còn lại thuộc về các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, các công ty bảo hiểm. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán ngày càng ít phụ thuộc vào hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trên thế giới, vai trò của ngân hàng trung ương đối với hệ thống tài chính toàn cầu đang có xu hướng dần nhường chỗ cho khu vực chứng khoán. Tại nhiều nước khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ cung cấp vốn của TTCK cho nền kinh tế đã cao hơn hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, tại Malaysia, hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 30% việc tài trợ vốn, 70% đến từ TTCK.

Nếu Việt Nam không có lực cản là việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chững lại thì TTCK hiện nay có thể có tỷ lệ vốn hóa lớn gấp nhiều lần và là kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế tương đương với hệ thống ngân hàng thương mại. Nói như vậy để thấy sức sống của TTCK  Việt Nam là mạnh mẽ, mặc dù còn vô vàn trở ngại.

Tin bài liên quan