TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa: Quan trọng hơn cả phải là kỷ luật tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khi nhìn nhận về những điều chỉnh các tỷ lệ liên quan đến quản trị, điều hành tại các tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo ông, điểm nhấn của văn bản luật này là gì?

Tôi cho rằng, đó là câu chuyện kiểm soát sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Đây đang là một trong những vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng thời gian qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng đã đưa ra các quy định để kiểm soát sở hữu chéo và kiểm soát lũng đoạn.

Luật đã bổ sung trách nhiệm của cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ: phải bố thông tin về bản thân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người có liên quan nhằm bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số. Tôi cho rằng, khi thông tin này được công bố sẽ hạn chế được việc nhờ người khác đứng tên sở hữu, hoặc giả sử trong trường hợp vấn đề này xảy ra thì Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành điều tra, xác minh nguồn tiền được đóng góp. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của việc chống sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.

Ở một số quốc gia trên thế giới còn quy định cổ đông phải công bố nguồn gốc tiền đóng góp, tiến hành xác minh tới 3 đời xuất xứ nguồn tiền nhằm tránh việc đi vay để góp vốn hay đứng tên hộ để hưởng lợi. Quan trọng nhất, hoạt động của hệ thống ngân hàng vận hành theo quy định Luật Quốc tế nói chung phải là một công ty đại chúng, nghĩa là không được phép có cổ đông chi phối, để bảo vệ lợi ích của các cổ đông nhỏ. Hầu hết các luật thương mại trên thế giới đều quy định, công ty đại chúng phải có ít nhất 100 cổ đông trở lên và quy định này đã có từ thời Napoleon, với tên gọi là Luật Thương mại Napoleon. Một số nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Maylaysia đã xây dựng Luật trên nền tảng Luật Thương mại Napoleon.

Luật Các tổ chức tín dụng quy định chặt hơn về tỷ lệ dư nợ cho vay khách hàng lớn

Luật Các tổ chức tín dụng quy định chặt hơn về tỷ lệ dư nợ cho vay khách hàng lớn

Luật đã giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan, bên cạnh đó là giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông lớn và các bên liên quan thấp hơn so với quy định cũ. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Một số đối tượng không được cấp tín dụng, nhất là thành viên hội đồng quản trị và những người có liên quan. Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng (a) và một khách hàng và người có liên quan (b) được quy định giảm dần theo lộ trình 2024 - 2025: (a): 14% vốn tự có, (b): 23% vốn tự có; 2026: (a) 13%, (b) 21%; 2027: (a) 12% (b) 19%; 2028: (a) 11%, (b) 17%; 2029 trở đi: (a) 10%, (b) 15%. Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.

Những ngân hàng đang có tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng liên quan vượt tỷ lệ theo quy định mới sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay cho tệp khách hàng này; đồng thời, dư nợ tín dụng có thể bị sụt giảm do nhóm khách hàng này phải tìm nguồn vốn khác để tất toán bớt khoản vay hiện hữu, nhằm đáp ứng tỷ lệ theo quy định mới.

Đối với quy định cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp), một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác, tôi cho rằng, điều này hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát. Hiện có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ.

Như ông trao đổi ở trên, có lẽ các quy định mới chỉ hạn chế, chứ chưa thể giải quyết được vấn đề sở hữu chéo hay thao túng, lũng đoạn tại tổ chức tín dụng?

Luật Các tổ chức tín dụng mới chỉ hạn chế ở mức độ nhất định tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn. Mấu chốt ở đây là, làm thế nào hạn chế được việc thành lập công ty vô tội vạ, những công ty được thành lập với mục đích rút tiền ngân hàng, chứ không phải để kinh doanh”

Với Luật Các tổ chức tín dụng mới, các tỷ lệ sở hữu, cấp tín dụng giảm dần xuống nhưng các quy định này có giảm được tình trạng sở hữu chéo hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi hành vi rút ruột ngân hàng phổ biến đều vượt quá các quy định được ghi trong luật cũ, nếu luật mới không có quy định gì mới hơn sẽ khó có thể ngăn ngừa được tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn.

Các ông chủ lợi dụng ở những điểm khác như thành lập các công ty con theo Luật Doanh nghiệp một cách rất dễ dàng mà không cần phải công bố thông tin, đặc biệt là thông tin danh sách cổ đông, người sở hữu, không phải công bố công khai và càng không phải điều tra về nguồn tiền. Khi tạo ra các công ty con sẽ tạo ra doanh thu ảo bằng cách cung ứng hàng hoá cho nhau, chạy dòng tiền để tăng doanh thu với mục tiêu nhằm chứng minh khả năng trả nợ của các công ty này và tiếp đó, bằng các công ty này có thể “rút ruột” ngân hàng. Đây là điều nằm ngoài tầm tay của Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó còn là việc lợi dụng các công ty con để phát hành trái phiếu, với một phần ít bán cho công chúng, còn phần nhiều là bán cho chính ngân hàng của mình. Đây cũng là một cách “rút ruột”, vì ngân hàng có quyền đầu tư một phần vào trái phiếu, hỗ trợ các công ty con khác trong hệ thống mua trái phiếu do công ty con phát hành. Điều này cũng nằm ngoài tầm tay của Cơ quan Thanh tra giám sát khi một mạng lưới hàng trăm công ty nếu không có điều tra chuyên sâu sẽ không thể tìm hiểu được tận gốc. Đây là một trong những tình trạng đặc thù của Việt Nam.

Do vậy, Luật Các tổ chức tín dụng mới chỉ hạn chế ở mức độ nhất định tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn. Mấu chốt ở đây là, làm thế nào hạn chế được việc thành lập công ty vô tội vạ, những công ty được thành lập với mục đích rút tiền ngân hàng, chứ không phải để kinh doanh. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là điều nằm ngoài tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ chủ quản. Ví dụ, tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi thành lập công ty, ngoài việc đăng ký, công bố thông tin, Bộ Tài chính kiểm soát cả câu chuyện kiểm toán, giám sát doanh thu, chi phí để thu thuế. Nếu gian lận sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí “sạt nghiệp”. Năm nay, doanh nghiệp trốn được thuế nhưng năm sau chưa chắc đã trốn được, bởi điều quan trọng là xử phạt thuế được quyền hồi tố. Trên thế giới, kỷ luật thuế là một trong những biện pháp quan trọng nhất để khống chế tình trạng thành lập công ty vô tội vạ, rút ruột ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, kỷ luật thuế, kiểm toán còn khá lỏng lẻo, dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng được yếu điểm này của Nhà nước.

Tóm lại, Luật Các tổ chức tín dụng mới có những quy định và kỳ vọng mang đến những tín hiệu tích cực trên thị trường, nhưng tôi cho rằng, mức độ tích cực là không đáng kể. Không thể hy vọng khắc phục hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo. Nguyên nhân bởi 100 công ty được thành lập bên ngoài không liên quan, nhưng thực ra rất có liên quan. Ngân hàng chỉ giúp hạn chế một phần tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn, đặc biệt là việc cung cấp thông tin của cổ đông, tỷ lệ góp vốn, nguồn tiền còn tiếp theo phải là kỷ luật thuế. Cuối cùng, trong những trường hợp nghi ngờ, cần phải tiến hành điều tra, nhưng cái khó là thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính không lại có chức năng điều tra.

Tin bài liên quan