Ngày 19/4, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng". Chia sẻ bên lề cuộc hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã chia sẻ một số quan điểm về những vướng mắc trên thị trường bất động sản.
Đối với ý kiến không nên chỉ tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản mà phải tháo gỡ cho cả những ngành sản xuất khác, ông Nghĩa nhận định, từ trước tới nay các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam cũng như thế giới đều bắt đầu từ hai nguồn, một là tỷ giá hối đoái hai là bất động sản, hoặc có thể là sự kết hợp của cả tỷ giá hối đoái và bất động sản.
Trong đó, nguyên nhân từ tỷ giá hối đoái đã ít hơn bởi thị trường hiện đang theo cơ chế tỷ giá thả nổi, trong khi các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đều gắn liền với bất động sản. Chính vì thế không nên xem nhẹ vấn đề của thị trường bất động sản.
Theo ông Nghĩa, trong thời kỳ bình thường, thị trường bất động sản là một trong những ngành có mức độ lan tỏa để phát triển kinh tế rất lớn, nhưng nếu không cẩn thận thì đó cũng là ngành tạo ra khủng hoảng.
"Do đó, mục tiêu của Việt Nam hiện nay không chỉ đơn giản là vấn đề phục hồi thị trường bất động sản mà là ngăn không cho nó trở thành một nhân tố rất lớn của khủng hoảng kinh tế. Chừng nào thị trường bất động sản tác động mạnh đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì lúc đó nền kinh tế có vấn đề lớn", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh vấn đề phục hồi thị trường bất động sản, ông Nghĩa cũng đã có những chia sẻ thêm về tình trạng đấu giá đất hiện nay ở một số khu đất vùng ven và một số địa phương lân cận khác.
Theo ông Nghĩa, khi nguồn cung bất động sản bị suy giảm mạnh thì hoạt động đầu cơ sẽ xuất hiện và đẩy giá đất lên rất cao. Đồng thời, việc thiếu vắng nguồn cung nội thành hoặc giá đất nội thành tăng cao cũng khiến nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến các mảnh đất ở vùng ven và một số địa phương lân cận.
"Tuy nhiên, việc đầu cơ do thiếu thông tin, do đồn thổi... đang khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi giá đất hiện nay đã giảm. Điều này dẫn đến việc nhiều người vay tiền ngân hàng để mua đất và cả ngân hàng đều khổ và là lý do để nói khủng hoảng bất động sản có thể dẫn đến khủng hoảng ngân hàng", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh thêm, khi giá bất động sản xuống dưới mức ngân hàng có thể chịu đựng được mà khách hàng cũng không có thêm bất động sản để bổ sung tài sản đảm bảo, thì cả người mua đất và ngân hàng cho vay đều gặp khó khăn rất lớn.
"Chúng tôi ước tính hiện có khoảng 5% tổng tín dụng của nền kinh tế để dành cho phân khúc đất đai ngoại thành và vùng ven. Do đó, nếu tình trạng trên kéo dài thêm một vài năm nữa sẽ trở thành vấn đề rất lớn của hệ thống ngân hàng", ông Nghĩa cho biết.