TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất huy động khó giảm thêm

TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất huy động khó giảm thêm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ góc nhìn về xu hướng lãi suất trong thời gian tới.

Người gửi tiết kiệm đang khá quan ngại về việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức rất thấp, thậm chí có thể còn giảm nữa. Theo ông, lãi suất huy động của các ngân hàng liệu có khả năng giảm thêm?

Lãi suất huy động phụ thuộc vào ba biến số: lạm phát cao hay thấp, rủi ro cao hay thấp, kỳ hạn dài hay ngắn. Lãi suất phải tính trung hạn, chứ không thể ngắn hạn. Theo đó, với dự báo lạm phát của Việt Nam trong những năm tới ở mức 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải tối thiểu từ 4%/năm trở lên. Gửi tiết kiệm ngân hàng rủi ro thấp, nên yếu tố này không phải là vấn đề. Còn lại, đối với câu chuyện cấu trúc kỳ hạn, đương nhiên khách hàng gửi ngắn hạn lãi suất thấp, dài hạn được hưởng lãi suất cao, nhưng ít nhất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn phải thực dương thì người dân mới gửi tiết kiệm.

Với dự đoán lạm phát như đề cập ở trên, tôi cho rằng, khó có thể hạ lãi suất huy động trong thời gian tới vì không đảm bảo nguyên tắc thực dương.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu lãi suất huy động ở mức rất thấp, không đủ bù đắp cho trượt giá, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi suất cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán… Khi đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên khả năng cho vay thu hẹp lại. Đây chính là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa.

Vậy xu hướng lãi suất cho vay ra sao, theo ông?

Lãi suất khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhà nước hiện tương đối thấp, nhưng ở các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn khá cao, với dải lãi suất cho vay từ 9 - 12%/năm. Nguyên nhân là giá vốn của các ngân hàng này ở mức khá cao (lãi suất huy động kỳ hạn dài đầu năm 2023 ở các ngân hàng cổ phần tư nhân dao động trong khoảng 9 - 10%/năm - PV). Tuy vậy, cùng với thời gian, nguồn huy động lãi suất cao giảm dần, đây là cơ hội cho các ngân hàng cũng giảm dần lãi suất cho vay.

Tôi cho rằng, không thể giảm thêm lãi suất tiền gửi nhưng có thể giảm lãi suất cho vay. Thứ nhất, lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ cá nhân…, trong khi hiện tại, nhu cầu hấp thụ vốn thấp, bị hạn chế bởi sức cầu với hàng hóa, dịch vụ yếu. Đây là yếu tố buộc các ngân hàng cũng phải tính toán việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, liên quan đến xu hướng số hoá trong hệ thống ngân hàng. Số hoá giúp giảm nhân lực, phòng giao dịch, chi nhánh…, là “mắt xích” giúp giảm chi phí vận hành của hệ thống ngân hàng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu trong vòng gần 10 năm qua. Tại Việt Nam, một số ngân hàng Việt đã triển khai số hoá nhưng vẫn trong tình trạng vừa làm vừa thăm dò, vì chưa có khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt liên quan đến ngân hàng số. Do chưa số hoá được nhiều nên chi phí hành chính, quản trị, huy động vốn cao dẫn đến chi phí cho vay cao. Đây là “nguồn cơn” để các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí.

Nếu lạm phát ở mức 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên

Nếu lạm phát ở mức 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên

Tuy nhiên, vẫn có dự báo lãi suất cho vay không những không giảm mà còn tăng, thưa ông?

Đúng vậy. Điểm đáng chú ý có liên quan liên quan đến thị trường bất động sản. Đây là lĩnh vực tham gia vào việc hình thành lãi suất cho vay bình quân trên thị trường rất mạnh mẽ. Nói cách khác, cho vay mua nhà, phát triển các dự án bất động sản chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng tín dụng. Con số được Ngân hàng Nhà nước công bố là 22%, nhưng con số chúng tôi thống kê được có thể trên 30%. Đây là khu vực có sự tham gia rất mạnh mẽ của các tập đoàn sở hữu ngân hàng. Vì vậy, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào sự sôi động của thị trường này. Nếu thị trường bất động sản sôi động trở lại thì cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm được.

Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế trên thị trường bất động sản: phân khúc chung cư căn hộ tăng giá rất nhanh, thậm chí còn tăng với tốc độ nhanh hơn trước khi có khủng hoảng thị trường bất động sản do khan hiếm nguồn cung và nhu cầu về căn hộ lớn. Trong khi các phân khúc khác như biệt thự, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê đang trầm lắng, đặc biệt, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đang bế tắc, cả về cơ sở pháp lý, nguồn đất dù nhu cầu rất lớn. Điều này đang dần hình thành nguy cơ thị trường bất động sản phân khúc nhà chung cư cao cấp phục hồi lại, trong khi các phân khúc khác vẫn trì trệ.

Khi phân khúc căn hộ cao cấp phục hồi trở lại đồng nghĩa với việc người mua nhà là đầu cơ, chứ không phải ở thực, bởi giá chung cư lên đến 80 - 100 triệu đồng/m2 thì người lao động bình thường không thể chi trả được. Điều này sẽ đẩy lãi suất cho vay nhích lên và đồng thời, việc tái cấu trúc lại thị trường bất động sản theo cơ chế phân khúc như chỉ đạo là thất bại và bong bóng của phân khúc này sẽ xảy ra, đẩy thị trường bất động sản vào rủi ro cao hơn.

Tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 giảm so với cuối năm 2023. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, một trong những giải pháp được cơ quan quản lý đưa ra là các ngân hàng phải niêm yết lãi suất cho vay. Ông có nhận xét gì về điều này?

Theo tôi, công bố lãi suất cho vay đối với sinh viên hay cá nhân hoặc cho vay tiêu dùng thì được, nhưng cho vay doanh nghiệp không thể công bố lãi suất cụ thể vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như có tài sản đảm bảo hay không, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp… Có chăng chỉ là công bố khoảng lãi suất cho vay của một gói tín dụng.

Nguyên nhân chính tín dụng giảm là do không có đầu ra, tuy nhiên, cũng có vấn đề lãi suất cao khiến doanh nghiệp muốn đầu tư trung, dài hạn e ngại. Cụ thể, dù nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn, muốn đầu tư lớn để áp dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, kể cả trong sản xuất thép, xi măng, giày da… nhưng lãi suất cao khiến doanh nghiệp không dám đầu tư thay đổi công nghệ để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu vào châu Âu đến năm 2026.

Chênh lệch bình quân tiền gửi với bình quân cho vay ở các nước có thể cao nhưng ở Việt Nam, với bình quân lãi suất huy động khoảng 4 - 4,5%/năm, thì mức chênh lệch 2,7 - 3% (nghĩa là bình quân lãi suất cho vay khoảng 7 - 7,5%/năm) là hợp lý, không gây ra rủi ro.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 33/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Qua thời gian triển khai Chương trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung như sau:

Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ công bố danh mục nhà ở xã hội trên địa bàn của địa phương mình. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 và Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 24/4/2023 hướng dẫn triển khai Chương trình thì đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.

Bên cạnh đó, qua báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thì có một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).

Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 4 dự án (tại TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An) trên 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Tin bài liên quan