Phán đoán xu hướng chính sách tiền tệ cuối năm là một trong những câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất vào thời điểm này. Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8, khi được hỏi về tình hình thị kinh tế thế giới có gì bất lợi cho Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát toàn cầu đang lắng xuống, chỉ số đô la toàn cầu cũng đang có xu hướng đi xuống, bên cạnh đó nhiều định chế tài chính và các tổ chức quốc tế lại đưa ra các dự báo tăng trưởng với kịch bản trái ngược nhau. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu liên tục tăng trưởng, điều này đặt ta vào nguy cơ rủi ro về đầu tư rất lớn.
Theo TS. Nghĩa, năm 2022 chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đóng góp rất lớn vào quá trình chống lạm phát. Vì Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào, nên việc giảm thuế hàng nhập khẩu, đặc biệt là thuế xăng dầu có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm lạm phát chi phí đẩy. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kết hợp thêm cả việc tăng lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ và tìm mọi cách để kiểm soát tỷ giá hối đoái.
"Năm nay 2 chính sách này vẫn có thể kết hợp tốt với nhau. Chính sách tài khoá vẫn tiếp tục theo hướng giảm 1 số loại thuế như VAT... Chính sách tiền tệ bắt đầu quay sang hỗ trợ phục hồi. Mặc dù lãi suất của Việt Nam đã giảm khá nhanh ở phân khúc tiền gửi, nhưng phân khúc cho vay vẫn còn rất cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 15-17%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành", ông Nghĩa chia sẻ.
Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023). Ảnh: Dũng Minh |
Một trong những nguyên nhân khiến lãi suất vẫn đang khá cao, theo ông Nghĩa là do ngành ngân hàng vẫn đang phải theo dõi chặt chẽ biến động tỷ giá. Tuy vậy, có 3 yếu tố để dự báo tỷ giá sẽ giảm từ nay đến cuối năm, có thể là do tỷ giá đồng USD khó “sốt” trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Thứ nhất, chỉ số USD-index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD-index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá, song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).
Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương. Tháng 7 vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam khá lớn, bổ sung vào cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực, áp lực với tỷ giá hối đoái không còn mạnh. Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Ông Nghĩa dự đoán năm 2023 và cả năm 2024 tỷ giá hối đoái vẫn ổn định.
“Với một quốc gia mở như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa nhận xét.
Trên thế giới, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy sau đó sẽ phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ. Ông Nghĩa dự báo, quý IV/2023, các chỉ số kinh tế của Việt Nam sẽ khá hơn và nền kinh tế có thể phục hồi nhẹ từ cuối năm nay sang nửa đầu năm sau.
"Khả năng Việt Nam phục hồi vào năm 2024 là rõ nét. Tuy nhiên, vẫn nên quan tâm đến phần quản trị rủi ro mặc dù sự phục hồi của Việt Nam vẫn sáng sủa hơn so với tình trạng chung", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về lãi suất, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.