Người dân nhìn vào hiệu quả chống dịch nhiều hơn là nhìn vào lượng tiền lớn cung ứng cho thị trường

Người dân nhìn vào hiệu quả chống dịch nhiều hơn là nhìn vào lượng tiền lớn cung ứng cho thị trường

TS. Lê Xuân Nghĩa: Kết hợp “tiền” và “tài” cho nền kinh tế hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để hỗ trợ kinh tế hồi phục, chính sách tiền tệ và tài khóa phải kết hợp chặt chẽ với nhau.

Kinh tế thế giới đang chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng này khác với khủng hoảng tái cấu trúc?

Đúng vậy. Nếu khủng hoảng tái cấu trúc thì quy luật kinh tế hoạt động bình thường, đồng nghĩa với lãi suất thấp, giá rẻ thì người dân đầu tư nhiều hơn, tiêu dùng nhiều hơn.

Còn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 khiến các quy luật kinh tế hoạt động không bình thường nên hiệu ứng của các gói kích thích với nền kinh tế đều rất thấp.

Sự biến động trên thị trường chứng khoán và thị trường vàng cho thấy, người dân nhìn vào hiệu quả chống dịch nhiều hơn là nhìn vào lượng tiền lớn cung ứng cho thị trường.

Mặc dù vậy, chính phủ các nước vẫn phải tung ra các gói kích thích kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Điều quan trọng hiện nay là ngân hàng có tiền mà không cho vay được, kể cả khi giảm lãi suất cho vay cũng khó cho vay, vì đơn giản là thị trường rơi vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi sản xuất và phân phối nên cả cung và cầu đều rất kém.

Tuy nhiên, đây là điều đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và các quốc gia cũng buộc phải nghĩ ra những biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích cả sản xuất lẫn tiêu dùng.

Gói kích thích kinh tế hiện tại bị động ở chỗ khâu sản xuất chủ yếu nhằm giữ được sản xuất, giữ được người lao động và phần nào đó giữ được thị trường. Hay nói ngắn gọn hơn là có thể cho vay để tạo ra những hướng đầu tư mới, phù hợp với điều kiện mới.

Tất nhiên, phải khẳng định rằng, kích cầu vẫn luôn là hướng cơ bản nhất của chính sách tiền tệ nói chung, bởi vì phần lớn tăng trưởng GDP của các nước đều phụ thuộc vào tiêu dùng, trong khi tiêu dùng hiện nay bị yếu tố thu nhập làm cho giảm mạnh. Đây là yếu tố quan trọng nhất, vì thu nhập giảm nên ngay cả khi giá rẻ thì năng lực tiêu dùng cũng hạn chế. Do đó, kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình và cá nhân từ trước tới nay vẫn là hướng chủ đạo.

Chính vì vậy, các nước hiện nay sử dụng những gói tài trợ rất lớn, quy mô chưa từng thấy, lên tới 40% GDP như Nhật Bản; 15-20% GDP như Mỹ, Singapore; khoảng 10% GDP tại châu Âu. Các gói tài trợ này chia cho cả bên cung lẫn bên cầu, nhưng cuối cùng thì chủ yếu vẫn là bên cầu như tài trợ thất nghiệp, tài trợ cho doanh nghiệp trả lương giữ được công nhân, công ăn việc làm… Về cơ bản là tài trợ thu nhập và cuối cùng vẫn là tài trợ cầu.

Lượng tiền cung ứng cho thị trường lớn sẽ tác động đến lạm phát trong những năm tới. Theo ông, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp như thế nào?

Theo tôi, vấn đề số một là chống dịch Covid-19, khi chống dịch tốt thì các hoạt động kinh tế mới bình thường. Ví dụ, khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thì các nước nhập khẩu tin tưởng hàng hóa này đến từ một nước không có dịch bệnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nông sản - thực phẩm, bởi các quốc gia có thể từ chối hàng hóa từ một nước có dịch để nhập khẩu hàng hóa của một nước không có dịch.

Biện pháp quan trọng nhất để tạo ra hiệu ứng kép là giảm lãi suất, bơm tiền theo hướng mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chính sách tài khóa…

Đây có thể coi là một cơ hội khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và triển khai một gói kích thích kinh tế nào đó. Kích thích về tài khóa trong điều kiện hiện tại của Việt Nam rất hạn hẹp, do đây là những biện pháp liên quan đến doanh nghiệp như thuế, tiền thuê đất…, tuy được thực hiện nhanh nhưng có tác động chậm. Một gói kích thích có tác dụng ngay là những biện pháp tài trợ trực tiếp đến ví tiền người tiêu dùng thì thường được triển khai rất chậm, bởi riêng việc bình chọn cũng mất nhiều thời gian.

Nhưng dù thế nào, Chính phủ cũng nên triển khai các gói kích thích kinh tế một cách quyết liệt. Chẳng hạn, tài trợ thất nghiệp cho các lao động chính thức và phổ thông mạnh mẽ, không nên đưa ra quá nhiều tiêu chí, hoặc tăng lương cho cán bộ, viên chức... Vào lúc này, quan trọng nhất là làm được đến đâu thì làm để tài trợ thu nhập cho người dân.

Còn biện pháp mở rộng đầu tư công thì sao?

Đầu tư công là một khối lượng công việc đầu tư khổng lồ chỉ dựa vào ngân sách, mà ngân sách thu thường xuyên không có, chủ yếu là dựa vào vay nợ của Chính phủ, vay trong nước và quốc tế để đầu tư. Trong điều kiện các ngân hàng thương mại không giải ngân cho doanh nghiệp vay được thì đây cũng là một biện pháp hữu hiệu mà nhiều nước đang áp dụng để đẩy nhanh đầu tư công.

Nhưng đầu tư công tại Việt Nam trong những năm vừa qua rơi vào tình trạng rủi ro pháp lý nhiều hơn là rủi ro thị trường, rủi ro kinh tế, dù có nhu cầu thực sự, có tiền thực sự cũng khó giải ngân.

Do đó, để mở rộng đầu tư công, Chính phủ cần cải cách thủ tục giải ngân, mặt khác có chế tài xử lý chậm trễ giải ngân vốn. Thời điểm này, nếu thuận lợi thì có thể mở rộng đầu tư công nhiều hơn và cả mở rộng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là khi các đề án về cơ sở hạ tầng, nhà ở cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội hiện nay còn rất thiếu, trong khi gần như có đủ các điều kiện để thực hiện.

Đối với những quốc gia như Việt Nam thì điều này còn quan trọng hơn so với các nước khác, bởi nền tảng cơ sở hạ tầng chưa tốt, thậm chí thiếu với tỷ lệ đường cao tốc trên bình quân dân cư dưới mức trung bình của thế giới, tỷ lệ đường sắt trên dân cư rất thấp. Nếu cứ chần chừ thì Việt Nam sẽ khó có sự tăng trưởng đột phá trong tương lai.

Các giải pháp có vẻ “trông” vào chính sách tiền tệ?

Chính sách tiền tệ có quy mô và không gian lớn hơn, cũng không phải bình bầu, xét tuyển hay thủ tục gì nhiều so với chính sách tài khóa, nhưng vẫn phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai chính sách này để đẩy nhanh giải ngân các công trình đầu tư công, trả các khoản vay của Chính phủ cho các doanh nghiệp nội địa.

Biện pháp quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước hay chính sách tiền tệ có thể làm để tạo ra hiệu ứng kép là bơm tiền theo hướng mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chính sách tài khóa, thúc đẩy Chính phủ tăng các khoản tài trợ, kể cả các khoản tài trợ cho các doanh nhiệp lớn do Nhà nước sở hữu chi phối như Vietnam Airlines, Đường sắt Việt Nam, một số ngân hàng…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (qua đó, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động), đồng thời hoạt động thực sự trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Đặc biệt, cơ quan này phải có một biện pháp tín dụng hiệu quả.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, có 2 biện pháp quan trọng nhất trong thời điểm này, một là cho vay tiêu dùng và kinh tế hộ gia đình, trong bối cảnh một thị phần không nhỏ cho vay tiêu dùng hiện nay do "tín dụng đen" thao túng. Đây là hướng có thể có hiệu ứng nhanh nhất, tức là tiền vào tay người dân nhanh nhất.

Kết hợp với biện pháp này là khuyến khích người dân triển khai kinh doanh nhỏ. Dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng bất cứ hoạt động kinh doanh nào có thể tạo ra thu nhập cho người dân cũng cần được khuyến khích.

Hai là, cho vay bất động sản và xử lý các khoản vay theo hướng “vận động tương hỗ”. Thực tế, các khoản vay bất động sản của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn đang trở thành gánh nặng đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Ở Mỹ, một số chuyên gia khuyến nghị, giá bất động sản xuống bao nhiêu phần trăm thì các khoản nợ gốc và lãi cũng xuống bấy nhiêu phần trăm, tức là ngân hàng tạm thời giảm cho doanh nghiệp. Sau này, giá bất động sản tăng trở lại thì gốc và lãi tăng trở lại, đến khi thị trường vượt quá ngưỡng giá định ra từ đầu thì lợi nhuận chia đôi cho hai bên. Theo đó, giá bất động sản sẽ rẻ hơn hoặc ổn định hơn, chứ không bấp bênh, nhờ thế nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư, người dân mạnh dạn mua nhà.

Tin bài liên quan