Thưa ông, trong cuộc họp Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ mới đây cho rằng, vào thời điểm này không còn khả năng hạ lãi suất, nhưng nếu Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh tỉ giá thêm 1% thì có cơ hội giảm lãi suất?
Có một quy luật thế này, khi lãi suất tiền đồng cao, các ngân hàng thương mại tranh nhau bán USD chuyển sang tiền đồng để cho vay. Giờ khi lãi suất tiền đồng giảm, các ngân hàng thương mại lại mua USD về hoàn trả lại trạng thái ngoại tệ theo quy định của NHNN.
Khi ngân hàng bán ngoại tệ lấy tiền đồng cho vay quá trình diễn ra chậm chạp, tạo trạng thái ngoại hối âm trong toàn hệ thống ngân hàng nhưng đến khi hoàn lại thì quá trình này xảy ra rất nhanh. Đây là sự biến động mạnh trên thị trường, thực sự là sự dịch chuyển tài sản chứ không phải là do tác động của yếu tố tâm lý.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ bắt buộc ở ngân hàng trung ương cũng tăng. Đầu năm số tiền dự trữ bắt buộc vượt yêu cầu khoảng 350 triệu USD, đến thời điểm tháng 6 đã tăng lên 450 triệu USD. Một hiện tượng khác có thể nhìn thấy là tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng ra nước ngoài khá lớn. Nhìn từ cán cân thanh toán quốc tế, con số này lên tới trên vài tỉ USD và năm nay các ngân hàng gửi ngoại tệ ra nước ngoài nhiều hơn năm ngoái. Từ những yếu tố này có thể thấy, sự dịch chuyển tài sản của các ngân hàng là khá mạnh.
Vậy còn dư địa cho hạ trần lãi suất, thưa ông?
Theo quy luật, muốn kéo lãi suất xuống, NHNN phải tăng cung tiền, nhưng ngay lập tức tỉ giá sẽ tăng lên. DN muốn giảm lãi suất nhưng cũng mong muốn ổn định tỉ giá, đây là điều khó thực hiện.
Sau diễn biến chỉ số CPI tháng 7/2013 tăng tới 7,29% so với cùng kỳ năm 2012, như vậy, chỉ số CPI đến thời điểm này đã xấp xỉ 7%. Bên cạnh đó, theo mục tiêu điều hành của Chính phủ thì lạm phát cả năm nay khoảng 7%. Chính vì vậy, theo tôi không còn dư địa cho hạ trần lãi suất.
Bởi hạ được lãi suất huy động ngoài căn cứ trên CPI, còn phải tính đến nhân tố tỉ giá. Nếu giảm lãi suất huy động sâu quá, nhiều người sẽ chuyển sang nắm giữ USD, gây sức ép lên tỉ giá.
Hiện nay, lãi suất đã tiệm cận với mức của năm 2007, đây là thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế trong nước. Đặc biệt, theo giải thích của NHNN chưa bỏ trần lãi suất huy động là bởi với hệ thống ngân hàng không đồng đều thì lãi suất huy động ở mức 7%/năm là cái “neo” cho việc cân đối vốn huy động.
Nếu điều chỉnh tỉ giá sẽ tác động tới các DN kinh doanh mặt hàng xuất khẩu thế nào, thưa ông?
Sự kiện điều chỉnh tỉ giá vào cuối tháng 6 vừa qua, theo tôi là hợp lý, bởi thị trường ngoại tệ thực ra đã nóng lên rất nhiều trước đó, nhất là trên thị trường “chợ đen”. Sau ngày điều chỉnh, thậm chí đã có thời điểm, giá USD bán ra trên thị trường tự do gần chạm ngưỡng 22.000 đồng/USD.
Trong tháng 5/2013 NHNN đã phải bán ra ước 1 tỉ USD để can thiệp thị trường, do sự dịch chuyển ngoại hối bấp bênh và do nhu cầu bù đắp trạng thái ngoại tệ của các NHTM. Thêm vào đó, NHNN đã phối hợp cùng chính sách giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và USD (từ ngày 27/6). Sự kết hợp điều chỉnh tỉ giá và lãi suất tiền gửi mang về kết quả: USD trở nên “đắt đỏ” hơn, gửi tiền bằng USD cũng trở nên kém hấp dẫn so với VND, khi trần lãi suất tiền gửi bằng USD đối với cá nhân giảm xuống còn 1,25%/năm, trong khi lãi suất tương tự áp dụng cho VND kì hạn từ 1-6 tháng giảm còn 7%/năm. Thời điểm này mọi ánh mắt đều dồn vào tiền đồng, một dòng vốn trở nên rẻ hơn, qua đó có thể khuyến khích các nhà đầu tư “tiêu xài” nhiều hơn bằng nội tệ.