TS. Lê Xuân Nghĩa: Giảm thuế VAT là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định, lãi suất thực của Việt Nam hiện nay đang quá cao, cho nên việc giảm thuế VAT là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá. 
TS. Lê Xuân Nghĩa: Giảm thuế VAT là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá

Chia sẻ bên lề cuộc Hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu suy thoái, nhưng chỉ là dấu hiệu thôi chứ sẽ không suy thoái. Tuy nhiên, điều này vẫn ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và trong đó ảnh hưởng chủ yếu thông qua hệ thống nhập khẩu nguyên liệu. Chỉ số PMI ngành sản xuất của các nước hầu hết đều giảm xuống dưới 50 điểm, chỉ riêng Trung Quốc có PMI sản xuất trên 50 điểm.

PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 47,7 trong tháng 3, giảm mạnh so với 51,2 điểm của tháng 2 và đây điều đáng lo ngại nhất vì chỉ số này nói lên triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế.

PMI tháng 3 cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang có hiện tượng đình đốn, hiện tượng đình đốn này còn có thể trầm trọng hơn bởi giá nhập khẩu tăng lên do lạm phát ở các nước vẫn còn khá cao.

Do đó, ông Nghĩa đánh giá cao chủ trương giảm thuế VAT của Chính phủ. Cụ thể, ngày 8/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và Bộ Tài chính đã lên phương án giảm thuế VAT năm 2023 ngay sau đó. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Giảm thuế VAT là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Nghĩa, ngoài giảm thuế, Chính phủ cũng nên xem xét cả việc giảm lãi suất. Lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở cái mức rất cao. Lãi suất cho vay bình quân 10%/năm trong khi lạm phát chỉ có 4%, tức là lãi suất thực đang ở mức 6%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

"Với mức lãi suất thực như vậy, tôi nghĩ không biết buôn bán gì để cho có lãi", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, lãi suất thực của Việt Nam hiện nay là quá cao, cho nên việc giảm thuế sẽ là biện pháp tích cực của chính sách tài khoá.

Một biện pháp khác, cũng rất quan trọng, theo ông Nghĩa là cần phải có một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Mặc dù vẫn cần tìm cách kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải làm thế nào để trả lại mặt bằng lãi suất bình thường cho doanh nghiệp để họ có thể hoạt động.

Theo ông Nghĩa, chỉ cần lãi suất thực dương là đủ, có nghĩa nếu lạm phát là 4% thì lãi suất thực có thể ở khoảng 5-6%.

"Hiện nay, các nước đều đang có lãi suất thực âm, mỗi Việt Nam đang có mức lãi suất thực dương và đấy là điều không thể chấp nhận được", ông Nghĩa nhấn mạnh và cho biết thêm, hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản 200% là tương đối cao và có thể xem xét để hạ xuống. Điều này có nghĩa khi ngân hàng thương mại cho vay ra một đồng bất động sản, thì phải tính rằng đã cho vay ra 2 đồng, điều này sẽ khiến lãi suất tăng lên. Vì thế, giảm hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản là một trong những thủ tục pháp lý quan trọng nhất.

Vấn đề nữa, theo ông Nghĩa, cũng phải tính đến là chuyện xử lý phá sản các ngân hàng thương mại hoạt động không thực sự hiệu quả. Đằng sau các ngân hàng thương mại thường là các tập đoàn bất động sản và nếu hai thứ này liên minh lại với nhau, bên cạnh đó là nguồn cung và mức độ đầu cơ lớn có thể tạo ra những rủi ro cho hệ thống tài chính của Việt Nam.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị đưa thêm mục phá sản ngân hàng vào trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, lúc đó mới có thể ngăn ngừa được những rủi ro đạo đức. Bởi nếu người gửi tiền cứ nhằm ngân hàng nào có lãi suất cao nhất để gửi, còn các ngân hàng thì yên tâm rằng sẽ được Chính phủ "cứu" khi gặp vấn đề, thì sẽ dẫn đến rủi ro đạo đức rất lớn.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, các thủ tục pháp lý khác, ví dụ như thủ tục tín dụng và các quy trình cũng rất phức tạp, như số hóa tín dụng ngân hàng chưa có nhiều bước tiền do thủ tục tín dụng chưa minh bạch và quy trình còn phức tạp.

"Tôi nghĩ, hệ thống ngân hàng cũng nên nghiên cứu vấn đề này, một mặt để có lợi cho chuyện cho vay và mặt khác cũng có lợi cho chuyện số hóa của ngân hàng trong tương lai gần", ông Nghĩa nhận định.

Tin bài liên quan