Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020” tổ chức ngày 19/12, ông Nghĩa cho biết, độ mở kinh tế của Việt Nam đang vào loại cao nhất thế giới, chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Hội nhập, mở cửa đã khiến cho phần lớn các ngành, các lĩnh vực đều có sự cạnh tranh mạnh mẽ của khối ngoại. Khối ngoại tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế, tuy nhiên, còn một số lĩnh vực đặc thù vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp nội, có thể kể đến như bất động sản, hàng không, viễn thông,…
“Chúng ta đã mở cửa hết, mảnh vải còn lại duy nhất trên cơ thể chúng ta, cái lá nho cuối cùng của chúng ta là bất động sản. Vì điều đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản thật may mắn và có cơ hội phát triển lâu dài”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, 25% tiêu dùng của người Việt Nam liên quan đến nhà ở. Ngoài ra, cả vốn đầu tư nhà nước, vốn ngoại hay vốn đầu tư tư nhân cho bất động sản đều đang tăng lên, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng. Điều này sẽ tác động mạnh lên thị trường, tạo động lực cho thị trường phát triển trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và một chu kỳ về đô thị hóa mới đã bắt đầu, có thể sẽ kéo dài từ năm 2017 đến tận 2027.
Nhìn nhận về dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản, theo ông Nghĩa, thời điểm hiện tại các nhà đầu tư đang có nhiều thuận lợi. Thị trường tài chính - tiền tệ 3 năm qua khá ổn đinh, năng lực tài chính ngân hàng thương mại đã tăng gần gấp đôi so với mức khủng hoảng năm 2007 và ngang bằng mức chung của Đông Nam Á.
“Chúng ta không cần lo lắng về tác động của khối ngân hàng với khối bất động sản và ngược lại trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, đang thắt chặt tín dụng bất động sản, tôi thấy bình thường và thậm chí là vẫn còn lỏng, còn thoải mái. Điều thú vị là chúng ta đã thực hiện các bài test để xem thị trường có đóng băng, có bong bóng hay không trước các điều chỉnh, và trên thực tế, điều này chưa xảy ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.