Trao đổi với ĐTCK, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh nguyên nhân dễ nhận thấy từ tác động của giá dầu giảm, vấn đề tổng cầu xã hội đang yếu cũng là một yếu tố quan trọng cần được xem xét.
Ông nhận định thế nào về chỉ số CPI giảm 2 tháng liên tiếp đầu năm 2015, trong đó có tháng 2 là tháng rơi vào dịp Tết Nguyên đán?
CPI tháng 2 là tháng Tết giảm là điều không bình thường, làm cho nhiều nhà quan sát khá quan ngại. Ở đây mức độ quan ngại chưa đến mức phải lo lắng, song cũng cần hết sức quan tâm. Trước hết có thể thấy, việc CPI giảm chủ yếu do giá xăng dầu giảm dẫn đến giảm chi phí vận tải, các chi phí đầu vào khác, nên giá hàng hóa giảm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, điều đáng quan ngại hơn cả, theo tôi là việc CPI giảm liên tiếp kể cả tháng Tết đã thể hiện cầu có khả năng thanh toán rất hạn chế, cầu trên thị trường đang trong tình trạng yếu, khiến tiêu dùng sụt giảm.
Bên cạnh đó, điều tôi muốn nhấn mạnh là chỉ số này phản ánh sự phân biệt giàu nghèo đang tăng lên. Mặc dù các mặt hàng thiết yếu tiếp tục giảm tiêu dùng, song một số loại hàng xa xỉ như ô tô sang, căn hộ cao cấp vẫn bán được nhiều do có một số người giàu chi tiêu mạnh vào phân khúc này. Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu méo mó trong phân bổ lợi nhuận và thu nhập. Một số người giàu tiêu xài một cách lãng phí dịp Tết, trong khi phần lớn người dân do kinh tế vẫn khó khăn, thu nhập eo hẹp, nên phải thắt lưng buộc bụng không dám chi tiêu.
Giá dầu thế giới đã bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, song trong nước, chỉ số lạm phát vẫn giảm. Theo ông, có thể nói là tổng cầu có vấn đề không?
Rõ ràng tổng cầu có vấn đề. Như tôi đã nói là hiện cầu trong nước đang trong trạng thái rất thấp. Theo điều tra, mức thu nhập hiện nay của người nông dân rất thấp, trong khi tầng lớp trung gian thương lái, mà cụ thể là trong lĩnh vực thu mua xuất khẩu gạo lại có thu nhập cao.
Trong khu vực tư nhân, phần lớn là các hộ gia đình buôn bán nhỏ, chủ yếu lấy công làm lãi, nên không có lợi nhuận cao. Còn doanh nghiệp tư nhân thời gian qua hoạt động gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa ở mức cao nhất, tới 67.000 doanh nghiệp, do đó số người có công ăn việc làm thu nhập khá không lớn, phần lớn không đủ cho chi tiêu sinh hoạt cuộc sống hàng ngày và trong Tết đã bộc lộ rõ nhu cầu thấp.
Trong khi đó, phân phối chưa công bằng, thu nhập cao vẫn chỉ tập trung vào số ít người, còn phần lớn người dân thu nhập không đủ chi tiêu. Tôi nghĩ là tình trạng này còn kéo dài. Để giải quyết thì cần chuyển đổi phần lớn các hộ gia đình thành các công ty tư nhân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tức là phải đẩy mạnh thực thi cải cách mới nâng được tổng cầu. Hiện nay, năng suất lao động còn thấp mà đòi tăng lương, doanh nghiệp sẽ phá sản và kéo theo công nhân mất việc, không giải quyết được gì.
Theo ông, tổng cầu yếu là một trong những nguyên nhân khiến CPI giảm liên tiếp. Vậy liệu mức cầu yếu này có dẫn đến giảm phát trong thời gian tới?
Theo tôi, xu hướng giảm này khó có thể dẫn đến giảm phát, bởi sắp tới, điện có khả năng tăng giá, thứ hai là giá dầu thế giới cũng đã bắt đầu tăng trở lại.
Trên thực tế, giá dầu trong nước thời gian qua giảm ít hơn so với mức giảm của giá dầu thế giới (giá dầu thế giới giảm 60% thì Việt Nam mới giảm khoảng 40%), nên khi giá dầu thế giới tăng gần đây, Việt Nam vẫn còn dư địa để giữ bình ổn giá. Dự doán giá dầu có thể tăng lên vào giữa năm 2015, cộng thêm giá điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế cũng sẽ điều chỉnh tăng, nên tôi cho rằng, sẽ không có nguy cơ giảm phát.
Vậy xu hướng lạm phát quý I và nửa đầu năm 2015 theo ông sẽ diễn biến như thế nào?
Nếu giá xăng dầu tăng trở lại và giá điện tăng thì khả năng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng tới sẽ tăng lên. Hiện EVN đang đề xuất tăng giá điện lên khoảng 9,5% nhưng mức tăng cụ thể được phê duyệt vẫn chưa biết là bao nhiêu. Nếu tăng ngay cùng một lúc mức cao như vậy, tôi e là sẽ ảnh hưởng khá lớn tới các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng việc Chính phủ thắt chặt chi tiêu nhằm kiểm soát kinh tế vĩ mô ổn định cũng khiến cho lạm phát tăng thấp, ông nghĩ thế nào?
Cho đến nay, tổng mức đầu tư của Nhà nước vẫn giữ khoảng 31% GDP, tức là không giảm từ năm 2007. Điều khác biệt ở đây là Nhà nước không có vốn ngân sách nên tăng phát hành trái phiếu, thu gom phần lớn tiền vốn tín dụng, nên vốn dành cho doanh nghiệp tư nhân còn quá thấp.
Tôi cho rằng, tác động của tổng cầu không phải do Nhà nước giảm mức đầu tư, mà là nguồn vốn Nhà nước đầu tư lại lấy từ nguồn tổng tín dụng, do đó, vốn tín dụng dành cho khu vực tư nhân thấp, dẫn đến khu vực này hầu như không tiếp cận được vốn để phát triển.
Về phía ngân hàng, đẩy vốn vào trái phiếu vừa an toàn vừa có lợi nhuận, còn cho tư nhân vay rủi ro cao, nên họ không muốn đẩy tín dụng cho khu vực này.