Để đạt được bước tiến nhảy vọt quan trọng nêu trên, chắc chắn không chỉ phải có quyết tâm cao, mà còn cần nỗ lực rất lớn, cũng như nâng cao năng lực và kỹ năng của toàn thể bộ máy có liên quan, nhất là của chính các DNNN sẽ được cổ phần hóa.
Quyết định này không chỉ là sự nhảy vọt về số lượng DNNN cổ phần hóa, mà còn có những chỉ đạo cụ thể rất mới, rất mạnh dạn về phạm vi và tỷ lệ của cổ phần nhà nước, như sẽ cổ phần hóa cả các tổng công ty lớn, có uy tín như MobiFone, Vietnam Airlines, các DNNN công ích, trong đó có cả công ty vệ sinh môi trường đô thị, DN vận tải đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, giảm bớt số lượng DN Nhà nước cần nắm giữ trên 50% cổ phần... Sự chuyển hướng này sẽ giúp Nhà nước huy động được lượng vốn lớn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác, giúp nền kinh tế trở nên năng động và hiệu quả hơn.
Có thể dự báo rằng, quá trình cổ phần hóa này sẽ tạo ra sinh lực mới cho thị trường tài chính - chứng khoán và thu hút đáng kể sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau 23 năm thí điểm cổ phần hóa từ năm 1991 đến nay, điều cần phải thực hiện ngay là đúc rút những bài học kinh nghiệm tốt và chưa tốt trong quá trình này để hoàn thiện khung pháp lý cho giai đoạn cổ phần hóa sắp tới.
Vai trò nhà đầu tư chiến lược...
Trước hết, cần khẳng định mục tiêu cổ phần hóa là thu hút nguồn vốn xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả của DNNN bằng cách áp dụng hệ thống quản trị DN hiện đại và nguồn nhân lực ưu tú mới.
Kinh nghiệm cho thấy, thu hút cổ đông chiến lược là một khâu rất quan trọng cho thành công của quá trình cổ phần hóa. Cổ đông chiến lược là những DN lớn, có uy tín, có tiềm lực tài chính, có công nghệ, thị trường, sẵn sàng đầu tư một tỷ lệ vốn đáng kể để có mặt trong HĐQT của công ty cổ phần tương lai. Sự có mặt của họ sẽ đem lại những cải thiện lớn về quản trị, về chiến lược của DN, vị thế của DN trên thị trường sau khi được cổ phần hóa. Cổ đông chiến lược muốn có tiếng nói và sẵn sàng đầu tư số vốn nhất định để có tiếng nói trong HĐQT, thường là không dưới 10% tổng số cổ phiếu bán ra.
Sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược có thể cải thiện đáng kể giá trị cổ phiếu của DNNN cổ phần hóa trên TTCK. Hiện nay, chúng ta đã rút được kinh nghiệm trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua và chấp nhận thu hút nhà đầu tư chiến lược. Chẳng hạn, Vietnam Airlines đang trong quá trình thu hút cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược cho số DNNN đông đảo cần cổ phần hóa trong thời gian tới là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có chính sách cởi mở (về quá trình thương lượng, tỷ lệ cổ phần họ được mua, giá cổ phiếu...) và quá trình công khai, minh bạch, cũng như có sự bảo đảm vị thế pháp lý của nhà đầu tư chiến lược trong DN sau khi cổ phần hóa.
… và vị thế người lao động
Việc bán cổ phần cho người lao động, biến người lao động trở thành đồng sở hữu và gắn bó lâu dài với DN là một ý tưởng đúng đắn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, người lao động không phải là nhà đầu tư, họ có ít vốn, chỉ quan tâm đến chia cổ tức cao vào cuối năm và ít có khả năng đầu tư lớn vào DN. Là người gắn với quá trình sản xuất, người lao động tuy có danh nghĩa “đồng sở hữu”, nhưng ít có thông tin, không có trình độ chuyên môn để có thể kiểm soát được Ban giám đốc DN cổ phần hóa. Đã xuất hiện hiện tượng người lao động bán cổ phiếu ưu đãi của mình với giá cao hơn để lấy “tiền tươi thóc thật” cho nhà đầu tư ngoài DN, dẫn đến nguy cơ cơ cấu sở hữu của DN bị thay đổi một cách kém minh bạch, xuất hiện nhà đầu tư có vốn lớn, có khả năng lũng đoạn DN cổ phần hóa. Điều này chắc chắn phải được lưu ý trong quá trình cổ phần hóa sắp tới.
Ngoài ra, cần bổ sung chính sách xã hội đối với lao động dôi ra, buộc phải thôi việc sau khi cổ phần hóa để bảo vệ lợi ích chính đáng của đội ngũ này.
Báo cáo giám sát của Quốc hội về cổ phần hóa năm 2008 đã chỉ ra những thiếu sót đáng kể trong quá trình cổ phần hóa mà phần lớn liên quan đến thiếu công khai, minh bạch và định giá DNNN chưa đầy đủ, thiếu chính xác.
Rất nhiều DNNN được cổ phần hóa đã không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin ra công chúng, không sử dụng các công ty tư vấn độc lập, quá trình xét duyệt không công khai, minh bạch... Kết quả là một số người có vị thế, có thông tin nội bộ đã mua được lượng lớn cổ phần với giá rẻ. Công luận còn nhắc đến việc cổ phần hóa Khách sạn Phú Gia bên cạnh hồ Hoàn Kiếm hay cổ phần hóa Công ty Bánh tôm Hồ Tây với giá rẻ bất ngờ và cho đến nay vẫn chưa công khai được danh sách cổ đông. Trong không ít trường hợp, giá trị thương hiệu của DN, vị thế của đất đai đã không được hạch toán đầy đủ, gây thiệt hại cho công quỹ.
Nếu tiếp tục quá trình cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch số lượng lớn những DNNN có vị thế trong thời gian sắp tới, chắc chắn đây sẽ là miếng đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng. Vì vậy, cần bổ sung những quy định pháp luật về quy trình công khai, minh bạch thông tin và tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc đối với quá trình này.
Một trong những vướng mắc lớn trong định giá DN là định giá đất. Báo cáo giám sát của Quốc hội đã phát hiện nhiều sơ hở trong xử lý giá đất. Đa số DNNN cổ phần hóa đã lựa chọn phương án thuê đất với giá thuê rất thấp và không hạch toán vào giá trị DNNN cổ phần hóa. Vì vậy, việc quy định giá đất và quyền hạn, trách nhiệm của DNNN cổ phần hóa đối với đất đai cần được quy định phù hợp với giá thị trường, điều kiện thị trường, tránh tình trạng gây thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa.
Một nội dung quan trọng đối với quá trình cổ phần hóa là chính sách của các cơ quan nhà nước ở địa phương đối với DNNN sau cổ phần hóa. Đã xuất hiện hai thái cực khác nhau. Đối với DN có vốn nhà nước trên 51%, các cơ quan tiếp tục đối xử như DNNN trước đây, trong khi thái cực khác là coi DNNN cổ phần hóa với số vốn nhà nước dưới 50% như DN tư nhân nên thay đổi đột ngột trong thái độ đối xử, gây không ít khó khăn không đáng có cho những DN này.
Chính vì vậy, điều quan trọng là các cơ quan nhà nước phải đối xử thực sự bình đẳng và công bằng đối với tất cả các DN có vốn sở hữu khác nhau trong nền kinh tế. Những đổi mới trong quản trị và thành công trong hoạt động của các DNNN sau cổ phần hóa sẽ là cú huých tích cực tới nỗ lực của các cơ quan sở hữu DNNN, cũng như tạo sức ép dư luận tới các DNNN còn “chần chừ” trong quá trình chuyển đổi.