TS. Lê Đăng Doanh
VAMC chưa xử lý được nợ xấu về thực chất. Không có “tiền tươi thóc thật”, chưa có quy chế bán lại nợ xấu, "cục máu đông" nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông tín dụng trong nền kinh tế.
Các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, NĐT góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó, dẫn đến vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng, vẫn chưa có lời giải.
Thị trường bất động sản liên quan mật thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng, nhưng không có đề án tái cơ cấu lĩnh vực này một cách toàn diện và có hệ thống, mà chỉ có dự án cho vay với tổng số vốn 30.000 tỷ đông. Gói tín dụng này được giải ngân rất chậm, có tác động rất hạn chế đến giải tỏa kho bất động sản đang tồn đọng...
Bên cạnh đó, tái cơ cấu DNNN tập trung vào cổ phần hóa với tốc độ cao, trong khi các vấn đề khác rất quan trọng như: tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu, minh bạch bổ nhiệm nhân sự, hoạt động của DN... chưa được cải thiện rõ rệt.
Đáng chú ý, nợ công tăng nhanh, thu ngân sách không đủ để trang trải chi thường xuyên, phải vay mới để trả nợ cũ... Thực tế này đặt ra đòi hỏi bức bách là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN), kiểm soát chi ngân sách có hiệu quả, khắc phục tình trạng chi tiêu lãng phí. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không được thể hiện trong một đề án tái cơ cấu ngân sách riêng, mà chỉ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, với những tác động hạn chế trong thực tế. Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát thu, chi NSNN có hiệu lực hơn và ban hành một kế hoạch tái cơ cấu, cải cách hệ thống NSNN.
Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế đã từng bước được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, tùy theo độ "nóng" của vấn đề. Cách tiếp cận theo từng lĩnh vực riêng lẻ như vậy có ưu điểm là đề cập ngay, kịp thời một số vấn đề nổi cộm, song nhược điểm là thiếu tính hệ thống, chưa giải quyết được những vấn đề liên ngành phức tạp giữa các đề án.
Do các đề án tái cơ cấu mang tính chất "chữa cháy", tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, cơ bản, nên việc giải quyết nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mất cân đối và bất cập của nền kinh tế chưa được đề cập.
Các đề án tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước, hay có liên quan đến đầu tư nhà nước. Trong khi đó, khu vực kinh tế dân doanh, động lực quan trọng của nền kinh tế và là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất cho xã hội, gặp rất nhiều khó khăn, hơn 200.000 DN đã phải đóng cửa hay tuyên bố phá sản, nhưng chưa có đề án tổng thể tái cơ cấu và phát triển khu vực này. Một số biện pháp hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa như Quỹ bảo lãnh tín dụng, chỉ có tác động rất hạn chế trong thực tế. Khu vực kinh tế dân doanh cần có một đề án tái cơ cấu và phát triển toàn diện. Những vấn đề đặt ra là liên kết các DN theo chuỗi giá trị với nông dân - ngư dân - DN chế biến - xuất nhập khẩu - khoa học - công nghệ - giáo dục, đào tạo, ngân hàng, vận dụng công nghệ và quản trị tiên tiến, đang rất cần được giải quyết.
Đến nay, các đề nghị về một đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, có xét đến các tác động liên ngành, chưa được triển khai xây dựng.
Hai yếu tố quan trọng chưa được đề cập thỏa đáng trong các đề án tái cơ cấu nền kinh tế là vai trò của khoa học - công nghệ và chưa xem xét đến các yếu tố hội nhập quốc tế sẽ tác động rất mạnh mẽ trong những năm sắp tới như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), có hiệu lực cuối năm 2015; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, cuối năm nay sẽ được ký kết; Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được xúc tiến để tiến tới ký kết...
Đề nghị Quốc hội xem xét toàn diện vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, bổ sung các đề án và nội dung cần thiết, để công cuộc tái cơ cấu kinh tế thực sự đem lại hiệu quả và tiến bộ rõ nét hơn.
Kỳ tới: “Tái cơ cấu DNNN: Các điểm nghẽn và giải pháp thúc đẩy”, của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.